Các lợi ích của tập thể dục đối với sức khỏe nói chung và chất lượng sống là điều không thể phủ nhận. Tập thể dục giúp nâng cao sức khỏe của nhiều hệ cơ quan như tim, phổi,... Nhờ vậy làm cơ thể dẻo dai hơn và tâm trạng trở nên tốt hơn.
Nhưng trong một số nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện thêm các lợi ích mới của tập thể dụ. Cụ thể, tập thể dục có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và ung thư.
Theo Tiến sĩ Todd Buckingham đến từ Phòng thí nghiệm Thực hành và Phục hồi chức năng Mary, các bài tập thể dục đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Do đó, nếu các bài tập được đóng gói trong các chai hoặc thuốc viên, chắc chắn chúng sẽ được kê đơn rộng rãi nhất.
Hoạt động thể chất được định nghĩa là sự chuyển động của hệ thống cơ xương. Để các hoạt động này có thể xảy ra, cơ thể buộc phải cung cấp một mức năng lượng cao hơn so với khi nghỉ ngơi. Trên thực tế hoạt động thể chất rất đa dạng, chẳng hạn như chạy bộ, đi bộ, đạp xe, bơi, các môn thể thao khác, hay làm việc nhà,...
Theo một nghiên cứu được công bố gần đây, hoạt động thể chất khoảng 5 giờ/tuần có khả năng giúp ngăn chặn hơn 40 000 loại chẩn đoán ung thư khác nhau.
Tiến sĩ Buckingham cho rằng, một vài sự thay đổi sinh lý tích cực trong cơ thể có thể chính là cơ chế khiến tập thể dục có liên quan với giảm nguy cơ ung thư. Những thay đổi này bao gồm giảm cân, tăng cường sức khỏe trái tim, tăng đàn hồi thành mạch, giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt,...
Tuy vậy, các nghiên cứu chứng minh sự liên quan giữa tập thể dục với giảm tỷ lệ mắc ung thư vẫn còn rất hạn chế. Các hiểu biết hiện nay về sự liên quan giữa hai chủ đề này đều chủ yếu đến từ kết quả của các nghiên cứu quan sát.
Trong các nghiên cứu này, những người tham gia nghiên cứu sẽ báo cáo về các hoạt động thể chất của bản thân. Các thông tin này được ghi lại và họ sẽ được theo dõi trong vòng nhiều năm tiếp theo để phát hiện các trường hợp mắc ung thư.
Chẳng hạn một nghiên cứu vào năm 2018 đã phát hiện, không hoạt động thể chất làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi, bất kể đối tượng có hút thuốc hay không. Đồng thời, lối sống hạn chế vận động cũng làm gia tăng nguy cơ tử vong chung do mọi nguyên nhân.
Còn một nghiên cứu được công bố năm 2019 lại thấy rằng, tăng cường hoạt động thể chất có thể làm giảm 10-20% nguy cơ mắc một số loại ung thư. Có thể kể đến như ung thư bàng quang, ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư thực quản, ung thư thận, ung thư dạ dày,...
Trong Hội nghị của Đại học Y khoa Thể thao Hoa Kỳ vào năm 2019, các nhà khoa học cũng đồng ý rằng hoạt động thể chất giúp phòng tránh ung thư vú, đại tràng, bàng quang, thận, dạ dày, thực quản và nội mạc tử cung. Thậm chí hoạt động thể chất còn có thể ngăn ngừa sự tiến triển của ung thư đại tràng, phổi và nội mạc tử cung.
Ngay kể cả khi người bênh đã điều trị ung thư xong, các chương trình luyện tập vẫn cần được tiếp tục diễn ra.
Theo Tiến sĩ Stefan Balan đến từ Trung tâm Y tế Thành phố Jersey, việc luyện tập vẫn nên được diễn ra kể cả sau khi người bệnh đã tiến hành điều trị ung thư xong. Bởi người ta đã chứng minh rằng, hoạt động thể chất có thể làm giảm nguy cơ ung thư tái phát sau điều trị.
Tuy nhiên, không phải khi nào tập thể dục cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư. Ung thư sắc tố là một trường hợp ngoại lệ, nguy cơ mắc loại ung thư này tăng lên khi tập thể dục. Điều này có thể là do cơ thể phải tăng cường tiếp xúc với ánh nắng khi luyện tập, từ đó làm tăng nguy cơ mắc ung thư sắc tố.
Đọc thêm:
- Bệnh Alzheimer ở người trẻ tuổi: Còn trẻ mà nhớ nhớ quên quên, coi chừng mắc bệnh nguy hiểm
- Hiện tượng chóng mặt khi tập thể dục, nguyên nhân do đâu?
Mối liên hệ giữa tập thể dục với chức năng nhận thức là chủ đề đã được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, chỉ đến khoảng 15-20 năm gần đây, chủ đề này mới chính thức được chấp nhận rộng rãi hơn.
Tiến sĩ Santoshi Billakota đến từ Khoa Thần kinh thuộc Trường Đại học Y khoa NYU Grossman cho biết, trạng thái oxi hóa gia tăng trong não là nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer. Trong khi đó, hoạt động thể chất lại có vai trò quan trọng đối với chống oxi hóa tại các tế bào và mô của cơ thể.
Đồng thời, tập thể dục làm tăng tuần hoàn máu não và cải thiện cung cấp oxi. Từ đó giúp cải thiện trí nhớ, tân tạo mô thần kinh, tăng cường sự dẻo dai của não bộ. Những điều này khiến tập thể dục giúp phòng tránh và kiểm soát các dạng sa sút trí tuệ, trong đó có bệnh Alzheimer.
Các bài tập cho não bộ bao gồm cả những bài tập thể chất và các bài tập về chức năng nhận thức.
Những bài tập thể chất cho não rất đa dạng, đó có thể là những bài thể dục nhịp điệu hoặc các vận động mạnh khác. Chúng giúp cải thiện sự dẻo dai của hệ thần kinh một cách gián tiếp. Vì thế, chức năng nhận thức có thể được tăng cường.
Khi luyện tập để xây dựng kỹ năng vận động, chức năng nhận thức cũng sẽ nhận được các lợi ích tích cực khác nhau. Nhất là những hoạt động yêu cầu sự tư duy để hoàn thành như học ngoại ngữ, hoặc chơi các trò chơi có tính chiến lược.
Theo Giáo sư Yael Netz đến từ Trường Giáo dục thể chất và Khoa học thể thao Zinman, cả hai loại hoạt động này đều có thể giúp tăng cường chức năng nhận thức. Tuy nhiên, hiệu quả sẽ gia tăng khi chúng được kết hợp với nhau.
Chẳng hạn có thể lấy ví dụ về luyện tập võ thuật. Trong khi di chuyển cơ thể để luyện tập, người tập sẽ vừa phải tập trung tâm trí và suy nghĩ của mình. Sự phối hợp này đem lại hiệu quả tốt hơn khi luyện tập đơn độc một trong hai.
Vào năm 2020, Tạp chí Khoa học Thần kinh đã cho đăng tải một nghiên cứu của Tiến sĩ Kaitlin B Casaletto - Trường Đại học California. Theo kết quả của nghiên cứu, tập luyện thể chất làm cải thiện chức năng nhận thức. Kể cả những người ở bệnh Alzheimer cũng đều sẽ nhận được các lợi ích nhất định.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của mức độ viêm đối với chức năng nhận thức cũng là một vấn đề được các nhà khoa học rất quan tâm trong các nghiên cứu gần đây.
Họ thấy rằng, những tế bào miễn dịch microglia trong não có vai trò loại bỏ các tác nhân xâm lấn từ bên ngoài. Nhưng nếu bị kích thích quá mức, phản ứng viêm sẽ xảy ra và gây các tổn thương cho hệ thần kinh. Hoạt động thể chất được cho là có thể ngăn chặn sự hoạt động quá mức của các tế bào này.
Tiến sĩ Casaletto và các cộng sự của mình cũng đã từng thực hiện một nghiên cứu sơ bộ về chủ đề này, Trong nghiên cứu đó họ phát hiện, hoạt động thể chất giúp cải thiện rõ rệt tình trạng viêm ở những người bệnh Alzheimer mức độ nặng.
Có rất ít nghiên cứu chỉ ra mức độ tập thể dục bao nhiêu là đủ để có thể phòng tránh, ngăn chặn tiến triển suy giảm nhận thức. Tuy nhiên cần khẳng định rằng, hầu hết những gì đã biết hiện nay đều cho thấy tập thể dục có vai trò quan trọng để đối với duy trì sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần.
Vì vậy Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến cáo về cường độ tập luyện hàng tuần như sau:
- Tập luyện cường độ vừa phải: Các bài tập là những bài thể dục nhịp điệu có cường độ trung bình, quá trình tập luyện tập trung chủ yếu vào các nhóm cơ chính của cơ thể. Cần tập ít nhất hai buổi tập trong tuần với tổng thời gian luyện tập đạt 150 phút.
- Tập luyện cường độ cao: Các bài tập cường độ mạnh với mục tiêu tập trung vào các nhóm cơ chủ yếu của cơ thể. Khi luyện tập cường độ cao, thời gian luyện tập mỗi tuần cần đạt 75 phút và được chia làm ít nhất hai buổi tập.
Nguồn tham khảo: