Tập luyện là việc cần thiết cho cả người khỏe mạnh và người mắc các bệnh về hô hấp. Không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh, tập luyện đúng cách còn giúp tăng cường chức năng hô hấp. Cùng tìm hiểu về tác dụng của tập luyện và những điều cần lưu ý khi tập ngay sau đây.
Tập luyện thể lực là một trong những cách đơn giản nhất để tăng cường chức năng hô hấp, bởi tập luyện sẽ giúp tăng khả năng thông khí phổi và sử dụng oxy ở các mô trong cơ thể. Khi tập luyện hoặc vận động, lực và sức bền của các cơ hô hấp sẽ được tăng cường. Đồng thời, sự giãn nở của lồng ngực và khả năng tưới máu phổi cũng sẽ được cải thiện nhờ sự thay đổi hệ thống mạch máu ở phổi.
Bên cạnh đó, tập luyện còn giúp tăng cường chức năng hô hấp bằng các biển đổi ở tim, hệ tuần hoàn và máu. Tập luyện sẽ làm tăng thể tích buồng tim, máu tuần hoàn, tăng nồng độ hemoglobin và làm dày thể tích buồng tim. Nhờ đó mà làm tăng cung lượng tim và làm giảm nhịp tim cả khi nghỉ ngơi hay gắng sức.
Việc tập luyện còn rất tốt cho những người khỏe mạnh. Bởi khi tập luyện, hệ thống tuần hoàn và hô hấp sẽ được tăng cường theo hướng tích cực. Bên cạnh đó, việc tập luyện ở người khỏe mạnh thường đơn giản hơn rất nhiều so với người bệnh, vì họ có thể thoải mái lựa chọn các môn tập luyện mà mình yêu thích.
Người khỏe mạnh nên lựa chọn các môn tập luyện yêu cầu sức bền cao. Chẳng hạn như đi bộ, chạy chậm, đạp xe, bơi và aerobic. Đây đều là những môn tập có tác dụng tốt trong việc cải thiện chức năng hô hấp. Đồng thời chúng cũng góp phần tăng cường khả năng chịu đựng của hệ tuần hoàn - hô hấp.
Mặt khác, người khỏe mạnh cũng nên tập luyện các bài tập có tác dụng tăng cơ lực. Ví dụ như các bài tập chống đẩy, nâng tạ hay tập xà. Ngoài ra, họ cũng có thể lồng ghép các bài tập với nhau để tập luyện. Phổ biến nhất là xen kẽ bài tập sức mạnh, sức nhanh với sức bền, dẻo dai, hoặc các bài tập toàn thân với bài tập cho từng nhóm cơ đơn lẻ. Đặc biệt là các nhóm cơ như lưng sườn, cơ ngực, cơ cổ gáy, cơ hoành, cơ hô hấp…
Bên cạnh đó, việc phối hợp các bài tập thể lực cũng mang lại tác dụng rất tốt. Nhất là trong việc tăng thông khí phổi và tăng cơ lực. Bởi chúng sẽ khiến cho lồng ngực giãn nở và làm tăng sự hoạt động của các cơ hô hấp.
Việc tập luyện là vô cùng cần thiết đối với những bệnh nhân mắc bệnh về đường hô hấp. Đặc biệt là các bệnh như viêm phế quản mạn, phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản. Tuy nhiên, việc tập luyện cho người bệnh là tương đối khó khăn. Bởi người mắc bệnh lý hô hấp mãn tính thường cảm thấy khó thở do tắc nghẽn mãn tính đường thở, hoặc tăng tính đáp ứng của đường thở đối với nhiều kích thích khác nhau. Tình trạng này có xu hướng xảy ra nhiều hơn khi người bệnh hoạt động gắng sức.
Để phục hồi chức năng hô hấp, bệnh nhân thường được yêu cầu tiến hành các bài tập hít thở. Đồng thời, các bài tập vận động cũng sẽ góp phần nâng cao thể lực, cải thiện thông khí hô hấp. Nhờ đó, các vấn đề khó thở chung hoặc khó thở do gắng sức cũng phần nào được đẩy lùi.
Tuy nhiên, khi tập luyện, bệnh nhân cũng cần chú ý đến cường độ tập luyện. Các bài tập vừa sức và không gây kiệt sức là lựa chọn được khuyến khích cho bệnh nhân nặng. Trong khi đó, những bệnh nhân ở giai đoạn nhẹ và trung bình có thể tập luyện các bài tập ở cường độ cao hơn. Nhưng dù ở mức độ nào, tập luyện cũng mang đến sự cải thiện đáng kể về sức khỏe.
Khi mới bắt đầu luyện tập, người bệnh nên bắt đầu với cường độ thấp. Trong quá trình, bệnh nhân có thể dành ra một khoảng thời gian để nghỉ ngơi, giải lao. Đồng thời, bệnh nhân bị tắc nghẽn đường thở nặng nên tập luyện với sự hỗ trợ của thuốc giãn phế quản và oxy. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên tập phối hợp với các bài tập thở, chủ động ho và khạc đờm.