Theo Tây Y, tắm khi bị thủy đậu là điều cần thiết giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng da khi bị bệnh. Người nhà khi chăm sóc cần lưu ý với những thông tin như tắm lá gì khi bị thủy đậu, kiêng gió, kiêng nước,.. đều cần tham khảo ý kiến bác sĩ tránh gây tác động xấu tới sức khỏe người bị thủy đậu.
Theo quan niệm cũ, tắm khi bị thủy đậu sẽ khiến người bệnh bị nhiễm hàn, dễ bị ốm sốt. Mủ mụn cũng có thể theo nước mà khiến bệnh lây ra toàn thân. Do đó, ông bà ta ngày xưa thường kiêng tắm cho đến khi khỏi bệnh thủy đậu. Nhưng với các nghiên cứu y khoa hiện đại, các bác sĩ đã có thể khẳng định, tắm khi bị thủy đậu có vai trò rất lớn trong việc rút ngắn thời gian bị bệnh và phòng tránh biến chứng.
Thủy đậu vốn là căn bệnh gây ra bởi virus Varicella zoster. Nó khiến da xuất hiện các nốt phỏng và mụn nước ửng đỏ và ngứa rát. Theo thời gian, các mụn nước này sẽ vỡ ra và dần lành lại. Nếu không được vệ sinh kĩ càng, các nốt mụn nước có thể bị bội nhiễm.
>> Từ A - Z về các dấu hiệu của bệnh thủy đậu
Việc không tắm rửa cũng khiến cho virus có điều kiện phát triển đông đảo hơn, lan rộng hơn. Chính vì vậy, bệnh nhân thủy đậu vẫn cần tắm rửa bình thường. Thậm chí cần tắm kĩ càng hơn, cẩn thận hơn để loại bỏ virus gây bệnh, giúp bệnh nhanh chóng thuyên giảm.
Như đã nói ở phần trên, tắm khi bị thủy đậu là vô cùng cần thiết. Nó không chỉ khiến da dẻ sạch sẽ thông thoáng, giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn. Mà nó còn góp phần đẩy lùi bệnh tật nhanh hơn. Tuy nhiên, khi tắm bệnh nhân cũng cần hết sức lưu ý:
- Tắm bằng nước sạch và ấm
Trong lúc sức đề kháng còn yếu, tắm nước lạnh sẽ khiến người bệnh dễ nhiễm cảm. Tắm nước quá nóng sẽ làm kích thích làn da vốn đang bị tổn thương. Tắm bằng nước ấm vừa giúp sạch sẽ hơn, lại mang đến cảm giác thư thái. Người bệnh cũng có thể ngâm nước ấm khoảng 10 - 15 phút để giúp giảm cảm giác ngứa do mụn nước gây ra.
- Tốt nhất chỉ nên tắm khi bị thủy đậu bằng nước trắng
Trong xà phòng và sữa tắm có chứa các hóa chất có thể gây kích ứng da, tác động đến các nốt mụn phỏng, gây khô da,... Nếu cảm thấy tắm nước trắng không được sạch sẽ hoàn toàn, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về những loại sữa tắm dịu nhẹ phù hợp với tình trạng da của bạn.
Hiện nay cũng có khá nhiều loại sữa tắm chuyên dùng để hỗ trợ điều trị các bệnh ngoài da, có thể giúp ích cho làn da đang bị thủy đậu.
- Có nên tắm cho người bị thủy đậu bằng các loại lá không?
Không thể phủ nhận, có khá nhiều loại lá tắm có tính kháng khuẩn, mát, giúp nhanh liền da, se khô các nốt mụn nước. Tuy nhiên, người bệnh cần đặc biệt chú ý khi tắm bằng nước lá. Bởi nếu không có thể gây tác dụng ngược, làm tình trạng da bị viêm nhiễm nặng hơn.
Tốt nhất, hãy thử rửa nước lá trên 1 phần cơ thể để khẳng định không bị dị ứng hoặc kích ứng. Lá tắm cần được rửa sạch và đun sôi kĩ càng. Chọn lá tắm có nguồn gốc rõ ràng, tránh tồn dư lại các loại thuốc bảo vệ thực vật và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
- Khi tắm cần hết sức nhẹ nhàng, chọn khăn bông mềm
Tắm khi bị thủy đậu chỉ nên dùng tay xoa rửa nhẹ nhàng. Nếu dùng khăn, hãy chọn loại khăn lông thật mềm. Tránh chà xát mạnh sẽ khiến các nốt mụn bị vỡ.
- Sau khi tắm, cần thấm khô da hoàn toàn mới mặc quần áo
- Trước và sau khi tắm cần vệ sinh kỹ bồn tắm và phòng tắm
Dụng cụ vệ sinh, khăn tắm cũng cần được tẩy rửa, khử trùng bằng nước nóng sau mỗi lần sử dụng. Điều này giúp đảm bảo da không bị bội nhiễm, tái nhiễm, cũng như đảm bảo bạn không lây bệnh cho người thân.