Thoái hóa cột sống cổ được hình thành trên các tổn thương cơ bản là sự thoái hóa các sụn khớp ở cột sống cổ hoặc các đĩa đệm ở vùng này, đôi khi có thể tổn thương cùng lúc hai thành phần trên. Vị trí đốt sống cổ thường gặp thoái hóa nhất là vùng các đốt sống cổ 5,6,7.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thoái hóa cột sống cổ, nhưng cơ bản nhất người ta chia các nguyên nhân gây bệnh thành hai nhóm chính. Một nhóm là sự thoái hóa tự nhiên của các thành phần cấu tạo nên cột sống theo tuổi tác, một nhóm là do sự tác động cơ học quá nặng và lâu dài vào cột sống cổ.
Thoái hóa cột sống cổ thường không gây đau đớn dữ dội ở bệnh nhân mà đa phần chỉ gây các cơ đau âm ỉ, đau tăng lên khi bệnh nhân vận động. Do vậy bệnh nhân thường tự hạn chế vận động để giảm đau.
Khu vực cột sống cổ là khu vực phức tạp, liên quan đến nhiều thành phân quan trọng dễ tổn thương của cơ thể. Do vậy, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề và khó hồi phục. Các biến chứng nguy hiểm của thoái hóa cột sống cổ có thể xảy ra như:
- Chèn ép các rễ thần kinh xuất phát từ vùng cổ, gây nên hội chứng vai cánh tay. Biểu hiện bằng sự đau nhức ở vùng vai và cánh tay, kèm theo đó có thể có các rối loạn cảm giác cũng như vận động ở vùng do dây thần kinh tổn thương chi phối.
- Chèn ép mạch máu là biến chứng thường gặp của thoái hóa đốt sống cổ. Sự chèn ép các mạch máu tại khu vực này sẽ cản trở sự lưu thông máu lên não gây nên các tình trạng đau đầu chóng mặt ở người bệnh.
- Ngoài ra, tình trạng thoái hóa cột sống cổ nặng cũng có thể gây nên sự chèn ép tủy sống đoạn cổ. Do là đoạn tủy sống nằm ở phía trên gần não nên khi có chèn ép tủy cổ, bệnh nhân có thể bị yếu chi thậm chí liệt chi hoàn toàn.
Có nhiều các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra nếu không được chữa trị kịp thời. Do vậy, phát hiện và điều thoái hóa cột sống cổ sớm và đúng cách là điều vô cùng quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh cũng như làm chậm lại tiến triển bệnh. Các phương pháp điều trị thường được sử dụng hiện nay có thể kể đến như:
a. Điều trị không xâm lấn
Là phương pháp điều trị đầu tiên được lựa chọn khi bệnh nhân mới được chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ và chưa có các biến chứng nghiêm trọng xảy ra. Điều trị không xâm lấn ở bệnh nhân thoái hóa cột sống cổ bao gồm dùng thuốc và không dùng thuốc( vật lí trị liệu).
Các thuốc sử dụng trong điều trị thoái hóa cột sống cổ chủ yếu là các nhóm thuốc giảm đau, kháng viêm, giãn cơ và thuốc chống thoái hóa. Sử dụng thuốc có ưu điểm đem lại hiệu quả nhanh nhưng tác dụng kém bền và bệnh nhân dễ tái phát.
Những phương pháp vật lí trị liệu được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân thoái hóa cột sống bao gồm châm cứu, kéo dãn cột sống, xoa bóp, bấm huyệt, chườm nóng, chườm lạnh,... Có hiệu quả lâu dài, tuy nhiên cần kiên trì sử dụng mới có biểu hiện hiệu quả.
b. Điều trị xâm lấn
Điều trị xâm lấn bằng phẫu thuật là phương pháp cuối cùng được lựa chọn để điều trị thoái hóa cột sống cổ, khi bệnh nhân đã có các biểu hiện biến chứng của bệnh, hoặc đã điều trị không xâm lấn trong 3 tháng nhưng không đáp ứng điều trị.
Những phương pháp phẫu thuật thường được sử dụng trong thoái hóa cột sống cổ bao gồm mổ hở, mổ nội soi, mổ laser, mổ cố định cột sống,...
Nhìn chung, mỗi phương pháp điều trị thoái hóa cột sống cổ đều có những ưu và nhược điểm nhất định và phù hợp với từng giai đoạn khác nhau của bệnh. Do vậy, người bệnh không nên tự ý điều trị tại nhà mà nên đến thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế để được điều trị bằng phương pháp thích hợp giúp đem lại hiệu quả cao và hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn.