Tại sao không nên tự ý truyền dịch tại nhà? Đừng để chết vì thiếu hiểu biết!

Tại sao không nên tự ý truyền dịch tại nhà? Đừng để chết vì thiếu hiểu biết!
Vừa qua Bệnh viên Đa Khoa Hà Giang vừa tiếp nhận một ca cấp cứu bị sốc phản vệ do tự ý truyền dịch tại nhà. Đây là một trong số rất nhiều ca bị sốc do tiêm truyền không có chỉ dẫn của bác sĩ.

Ngày 15/6, Bệnh Viện Đa Khoa khu vực Bắc Quang, tỉnh Hà Giang vừa cấp cứu một trường hợp bị sốc phản vệ do truyền dịch tại nhà. Bệnh nhân là chị Lê Thị H. 31 tuổi, cư trú tại xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang. Chị H. cho biết, khi đi làm về do thấy người mệt mỏi nên đã tự ra hiệu thuốc mua chai dịch rồi về nhờ người truyền tại nhà.

Sau khi cắm kim truyền dịch được khoảng 10 phút thì chị thấy trong người khó chịu, mệt mỏi, cảm giác buồn nôn, rét run và hoa mắt. Gia đình sau đó đã vội vàng rút kim truyền và đưa chị H. đến bệnh viện cấp cứu.

Khi vào viện, bệnh nhân trong trạng thái đã bị rối loạn ý thức, hoảng loạn, nhịp tim nhanh. Các bác sĩ khoa Cấp cứu nhanh chóng chẩn đoán, chỉ định bệnh nhân điều trị theo phác đồ sốc phản vệ. May mắn được can thiệp kịp thời, sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định trở lại.

Đây là một trong số rất nhiều ca bị sốc do tiêm truyền không có chỉ dẫn của bác sĩ.

1. Tại sao không nên tự ý truyền dịch tại nhà?

Theo PGS - TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có rất nhiều người cứ cảm thấy hơi sốt, người mệt mỏi là nghĩ tới truyền dịch sẽ đỡ, sẽ khỏi là một quan niệm sai lầm!

- Truyền dịch chỉ áp dụng với các trường hợp cần thiết

Ông Dũng cho biết, sốt hay mệt mỏi chỉ là một trong những triệu chứng của rất nhiều bệnh lý khác nhau. Việc tiêm truyền dịch tại nhà cần phải có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ thì mới được phép thực hiện.

Tại sao không nên tự ý truyền dịch tại nhà? Đừng để chết vì thiếu hiểu biết! - Ảnh 2.

Tiêm truyền dịch chỉ áp dụng với những trường hợp cần thiết (Ảnh: Internet)

Hay nói cách khác, khi bệnh nhân có biểu hiện sốt, mệt mỏi,.. các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và làm các xét nghiệm nếu cần thiết để tìm ra nguyên nhân gây ra các hiện tượng đó là gì? Sau đó mới xác định xem bệnh nhân có cần phải truyền dịch hay không?...

- Khi cần truyền dịch, bác sĩ cần xác định liều lượng, thời gian an toàn

Nếu như là trường hợp bắt buộc, cần thiết phải tiêm truyền, bác sĩ sẽ cần phải tính toán xem liều lượng truyền cho bệnh nhân là bao nhiêu, tốc độ và thời gian chảy của dịch - chai truyền chứ không thể truyền cắm bừa bãi, tự ý truyền dịch tại nhà được.

Tại sao không nên tự ý truyền dịch tại nhà? Đừng để chết vì thiếu hiểu biết! - Ảnh 3.

Khi tiêm truyền cần phải chú ý đến định lượng và tốc độ giọt chảy (Ảnh: Internet)

Các bác sĩ cần khống chế được thời gian và tổng lượng truyền sao cho phù hợp nhất với thể trạng của bệnh nhân vì nếu như truyền quá liều lượng cần thiết có thể gây ra hiện tượng sưng phù phổi và nặng hơn là suy tim.

- Trước khi truyền dịch cần xác định người bệnh có bị thừa/thiếu chất gì trong máu không?

PGS. Dũng cho biết, trước khi tiêm truyền dịch, ngoài việc xác định nguyên nhân gây mệt mỏi, đau nhức đầu,... của bệnh nhân thì còn cần làm các xét nghiệm kiểm tra xem người bệnh có bị thừa hay thiếu chất gì trong máu không. Việc xác định này sẽ tránh cho việc tính mạng người bệnh bị nguy hiểm.

"Ví dụ bệnh nhân mất điện giải mà truyền đường sẽ làm bệnh nặng hơn, thiếu natri mà truyền đường sẽ làm máu loãng gây phù não; thừa natri mà truyền muối quá nhiều làm teo não… Chẳng hạn, trẻ sốt do viêm phổi hay mệt do bị bệnh tim... là hai trường hợp phải hạn chế truyền dịch. Nếu lạm dụng truyền sẽ khiến tim quá tải, không chịu được dịch truyền, gây ra các tai biến. Những người già, thận yếu, việc truyền dịch còn có thể khiến phù não, tai biến trên não.". PGS Dũng nêu ý kiến.

- Nguy cơ biến chứng do tự ý truyền dịch tại nhà sai cách

PGS-TS Nguyễn Hữu Đức , trường Đại học Y Dược TP HCM cho biết, truyền dịch không đúng kỹ thuật có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, có thể kể đến như sốc phản vệ, lây nhiễm các bệnh lý mãn tính như viêm gan hay HIV, bệnh nhân bị dị ứng với những thành phần có trong chai truyền dịch,...

Đó là chưa kể đến việc tự ý truyền dịch tại nhà cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn, ngoài việc có thể bị tử vong do sốc phản vệ thì người bệnh còn có thể phải đối mặt với việc máu bị nhiễm trùng gây suy tim, phù phổi và suy hô hấp.

2. Những lưu ý khi tiêm truyền dịch

Dưới đây là một số lưu ý khi tiêm truyền dịch mà bạn cần lưu ý:

- Không được tự ý tiêm truyền dịch tại nhà mà chưa có tư vấn, khám và xét nghiệm của bác sĩ. Chỉ tiêm truyền tại những cơ sở y tế được cấp phép, có thuốc chống sốc phản vệ và các biện pháp xử lý tai biến hiệu quả

- Khi tiêm truyền dịch, nên để dòng chảy chậm và cần theo dõi sát sao các biểu hiện của bệnh nhân. Nếu như phát hiện có các biểu hiện bất thường như rét run, cảm thấy khó thở hay chỗ cắm tiêm bị phù,... thì cần liên hệ ngay với nhân viên y tế

- Nếu cơ thể chán ăn, mệt mỏi và gầy yếu, trong trường hợp vẫn có thể ăn uống được thì bạn nên chú ý điều chỉnh lại chế độ ăn uống và luyện tập thể thao, không nên lạm dụng truyền dịch

- Hiện phòng khám chỉ được thực hiện khám chữa bệnh theo các danh mục kỹ thuật đã được Sở Y tế cấp phép. Việc phòng khám truyền dịch cho bệnh nhân, nếu không trong phạm vi được cấp phép, là vi phạm.


Tác giả: Anh Dũng