Có khá nhiều tình trạng răng miệng gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh, tuy nhiên chân răng bị đen ngoài gây ảnh hưởng sức khỏe còn khiến người bệnh thiếu tự tin trong giao tiếp. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì và hướng xử trí ra sao?
Có nhiều người vẫn thắc mắc tại sao răng bị đen, dưới đây là một số nguyên nhân khiến chân răng bị đen nhiều người thường gặp phải nhất:
Các loại thực phẩm có màu như sô-cô-la, nước ngọt có màu sẫm, nước trà, cà phê; hoặc thuốc lá hay nước súc miệng có màu có thể khiến màu bám trên bề mặt răng. Tình trạng mảng bám màu trên bề mặt răng sẽ ngày càng nhiều nếu việc vệ sinh răng miệng không được đảm bảo.
Khi đánh răng, phần lớn mảng bám màu sẽ được làm sạch. Tuy nhiên, phần viên nướu sát chân răng thường khó vệ sinh hơn, nhất là phía mặt trong của răng. Về lâu dài, mảng bám màu ở chân răng tích tụ lại gây nên tình trạng chân răng bị đen.
Vôi răng (cao răng) là những mảng bám xung quanh răng, kể cả mặt trong lẫn mặt ngoài. Thậm chí mảng bám cũng bám trên nướu răng. Ban đầu, cao răng chỉ là những mảng bám nhẹ có màu nâu hoặc vàng, mềm nên dễ được làm sạch. Về lâu dài, mảng bám đọng lại nhiều, cộng thêm các mảnh vụn thức ăn và vi khuẩn hình thành nên cao răng có màu đen.
Đọc thêm:
- Vôi răng là gì? Ảnh hưởng của vôi răng đến sức khỏe răng miệng
- 10 Dấu hiệu sâu răng dễ nhận biết và cách điều trị dứt điểm
Phần chân răng ở sát nướu dễ bị bỏ qua khi vệ sinh răng, từ đó dễ hình thành sâu răng ở vị trí này. Tổ chức ngà răng ở vị trí chân răng sẽ chống lại với tổ chức sâu răng; ngà răng ở khu vực đó sẽ cứng lại và chuyển sang màu sẫm hơn để ngăn việc sâu răng phát triển. Đó là lí do chân răng bị đen thường là ở vị trí sâu răng.
Mão răng hay còn gọi là chụp răng, là vật làm bằng kim loại dùng bao bọc răng với mục đích phục hồi hình dáng của răng. Sau một thời gian gắn mão răng, phần kim loại sẽ bị oxy hóa; mão răng kết hợp với mảng bám tại bờ của mão răng gây nên đường viền đen. Đó là lí do khiến răng bị đen ở chân răng.
Khi thấy chân răng bị đen, tốt nhất người bệnh nên đến khám tại bệnh viện hoặc nha sĩ sớm nhất có thể. Ngoài việc chân răng bị đen gây mất thẩm mỹ thì nó cũng có thể là dấu hiệu nhận biết nhiều tình trạng sức khỏe khác. Tùy vào nguyên nhân mà bác sĩ nha khoa có phương án điều trị chân răng bị đen khác nhau, chẳng hạn như:
Nếu tình trạng chân răng bị đen do cao răng gây ra sẽ khiến người bệnh có thể gặp phải các tình trạng như sâu răng, hôi miệng, ê buốt răng. Ngoài ra, cao răng có thể khiến các triệu chứng ở người bị bệnh tim mạch và tiểu đường tiến triển nặng hơn.
Trong trường hợp này, bác sĩ có thể sẽ thực hiện lấy cao răng để giải quyết tình trạng chân răng bị đen và tư vấn cách chăm sóc răng để tránh tình trạng này tái diễn.
Nếu bác sĩ nha khoa chẩn đoán tình trạng chân răng bị đen do răng sâu, việc điều trị cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Tùy vào tình trạng răng bị sâu mà bác sĩ có chỉ định điều trị bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như trám răng bị sâu, làm chụp răng, điều trị tủy răng. Nếu răng bị sâu nặng, phương án điều trị có thể là nhổ bỏ răng sâu.
Đối với trường hợp chân răng bị đen do mão răng đã cũ, cách giải quyết vô cùng đơn giản, bác sĩ sẽ thay bằng chụp răng mới. Hiện nay, có nhiều loại chụp răng với cấu tạo lõi titan hoặc hoàn toàn bằng sứ mang tính thẩm mỹ rất cao.
Trường hợp mắc bệnh nha chu khiến chân răng bị đen, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng nướu và có phương án điều trị kịp thời. Bởi căn bệnh này có thể dẫn đến tình trạng tụt nướu nếu không được điều trị sớm.
Sau khi điều trị chân răng bị đen, người bệnh cần lưu ý giữ gìn vệ sinh răng miệng và có cách phòng ngừa tình trạng này tái diễn. Dưới đây là một số lưu ý giúp phòng ngừa chân răng bị đen:
- Thực hiện vệ sinh răng miệng đều đặn và đúng cách. Hãy đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày, chải đều các mặt răng; dùng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám và các mảnh vụn thức ăn.
- Sau khi ăn uống các loại thực phẩm có màu hoặc các loại thức ăn có hại cho men răng, hãy vệ sinh răng thật kỹ càng, tránh màu thực phẩm bám trên bề mặt răng. Lâu dài có thể khiến chân răng bị đen.
- Nên thăm khám răng miệng định kỳ với bác sĩ nha khoa để được vệ sinh sạch sẽ cao răng. Ngoài ra, bác sĩ có thể chẩn đoán và phát hiện sớm các tình trạng răng miệng khác sớm nhất.