Tại sao cần phải khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư định kỳ?

Tại sao cần phải khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư định kỳ?
“Tầm soát ung thư là việc thực hiện thăm khám và xét nghiệm phù hợp ở người khỏe mạnh không có triệu chứng gì, với hi vọng phát hiện và điều trị ung thư ở giai đoạn sớm, mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn nhờ vào việc phát hiện sớm.”, TS. BS Phạm Nguyên Quý cho biết.

Tầm soát ung thư là việc thực hiện thăm khám và xét nghiệm phù hợp ở người KHỎE MẠNH không có triệu chứng gì, với hi vọng phát hiện và điều trị ung thư ở giai đoạn sớm, mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn nhờ phát hiện sớm.

Tuy nhiên, cùng là lặp lại "định kỳ" sau một khoảng thời gian nhất định, nhưng tầm soát ung thư khác với khám sức khỏe định kỳ. 

Khám sức khỏe định kỳ hay dùng để nói về "khám sức khỏe tổng quát" xem có mắc các bệnh phổ biến khác (không phải là ung thư) như Tiểu đường, Cao huyết áp, Cao mỡ máu,... để có chiến lược quản lý sức khỏe phù hợp.

Tại sao cần phải khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư định kỳ? - Ảnh 1.

Vì người đi tầm soát ung thư là những người khỏe mạnh nên xác suất/khả năng tìm thấy bất thường gì đó là không cao. Như việc dùng nội soi để tầm soát ung thư dạ dày tại Nhật Bản thì 100 người mới tìm ra 1-5 người có ung thư dạ dày sớm để can thiệp (tùy cơ sở y tế). Điều này ám chỉ rằng chỉ nên thực hiện tầm soát đối với những loại ung thư phổ biến. Bệnh hiếm quá thì tầm soát cũng khó phát hiện và "hiệu quả đầu tư" vào tầm soát sẽ rất thấp.

Cũng liên quan tới hiệu quả đầu tư, người ta hay nói tới "nguy cơ mắc ung thư" và dựa trên đó mà khuyên ai nên nghĩ tới tầm soát.

Ví dụ, trong ung thư phổi, các Hiệp hội ung thư đề nghị tầm soát ở những người có nguy cơ bị ung thư phổi cao do hút thuốc lá, cụ thể là người có tất cả những đặc điểm: 

 + 55-74 tuổi, có sức khỏe tốt, đã từng hút thuốc lá nhiều hơn 30 gói-năm và vẫn đang hút hoặc chỉ mới bỏ thuốc trong vòng 15 năm gần đây. Số gói-năm được tính bằng số bao thuốc lá hút mỗi ngày nhân với số năm đã hút.

+ Người hút 1 gói/ngày trong 30 năm có lịch sử hút thuốc lá 30 gói-năm, bằng với người hút 2 gói/ngày trong 15 năm; và ai hút nhiều thì có nguy cơ mắc ung thư cao hơn.

Từ một ví dụ này, có thể thấy tầm soát là một dạng đầu tư vào sức khỏe, với kỳ vọng giúp bệnh nhân sống lâu hơn; những người đã già yếu không có khả năng sống lâu (hơn 5-10 năm) thì thường không cần phải nghĩ tới tầm soát ung thư.

Tùy tình huống và nguy cơ mà chương trình tầm soát sẽ được cá nhân hóa, và bác sĩ sẽ khuyên "lặp lại" xét nghiệm sau mỗi 1-2 năm, có khi là 5 năm. Chính vì điều này mà người ta rất thận trọng với việc chọn phương pháp tầm soát. 

Một phương pháp tầm soát tốt phải đủ AN TOÀN, DỄ THỰC HIỆN, ÍT KHÓ CHỊU và có GIÁ THÀNH RẺ. 

Tại sao cần phải khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư định kỳ? - Ảnh 2.

Phương pháp tầm soát không phải là phương pháp chẩn đoán ung thư, nhưng cũng phải đủ nhạy và KHÁ CHÍNH XÁC để hạn chế báo động giả làm rối loạn đời sống những người liên quan. Đã có nhiều bài học về việc dùng phương pháp sai làm bệnh nhân và người thân phải làm thêm nhiều xét nghiệm khác, dẫn tới chẩn đoán quá mức và điều trị quá tay không cần thiết.

Ngoài ra, phương pháp tầm soát cũng phải CÓ BẰNG CHỨNG RÕ RÀNG về việc cải thiện thời gian sống cho bệnh nhân qua các nghiên cứu có nhiều người tham gia. Tất cả đều liên quan tới…" hiệu quả đầu tư" cả.

Vì những lý do trên mà hiện nay thế giới chỉ khuyến cáo tầm soát cho 6-7 loại ung thư, và thường thì chỉ một số nước giàu mới có chương trình tầm soát quốc gia để giảm thiểu gánh nặng do ung thư trong cộng đồng.

Tại Việt Nam hiện có những quảng cáo về phương pháp ABC gì đó giúp tầm soát ung thư nhưng chúng ta phải thận trọng phân định thật giả; và nên hỏi các chuyên gia về những thông tin này trước khi "đầu tư".

Cuối cùng, cũng cần nói thêm rằng việc tầm soát chỉ thực sự có ích khi chẩn đoán sớm ĐƯỢC ĐI KÈM VỚI điều trị sớm. Ví dụ, trong ung thư dạ dày, việc chẩn đoán khối u ở giai rất sớm, còn ở lớp nông (bề mặt) của dạ dày phải đi kèm với khả năng "cắt lóc" chúng qua nội soi mềm (phẫu tích dưới niêm mạc bằng nội soi (ESD)) để thật sự giúp người bệnh chữa lành với dạ dày được bảo tồn và chất lượng sống tốt nhất. Nếu nơi bệnh nhân sinh sống chỉ phát hiện sớm chứ không triển khai được kỹ thuật này thì bệnh nhân sẽ phải đi rất xa để điều trị, hoặc phải cắt một phần/toàn bộ dạ dày ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống.

Như vậy, dù số liệu ở các nước tiên tiến cho thấy việc tầm soát ung thư bằng phương pháp thích hợp đã giảm tỉ lệ tử vong do một số loại ung thư (như ở Nhật giảm 66% tỉ lệ tử vong do ung thư đại tràng), chúng ta cần lưu ý đến cả những "góc khuất" trong việc quản lý và triển khai tầm soát tại Việt Nam. 

Chúng ta cần đặt tầm soát ung thư vào hiện trạng hệ thống y tế và cân nhắc tình trạng tài chính của mỗi người để có thể giúp người đi tầm soát đạt lợi ích tổng thể.

Theo chia sẻ của BS. Phạm Nguyên Quý (BV Trung ương Mirenko, BV Đại học Kyoto) tại mạng xã hội Lotus.

Tác giả: Hằng Trần