Lên men là một quá trình trao đổi chất tự nhiên, chuyển đổi carbohydrate thành axit hoặc rượu và khí. Trong điều kiện yếm khí (thiếu oxy), quá trình lên men của thực phẩm xảy ra bằng cách sử dụng men, vi khuẩn hoặc kết hợp cả hai. Một trong những quá trình lên men phổ biến nhất là lên men axit lactic, nhờ đó vi khuẩn axit lactic chuyển hóa đường yếm thành axit lactic, như một chất bảo quản thực phẩm.
Những thực phẩm lên men thường gặp nhất là:
- Rau muối chua (bắp cải, cà, cà rốt, cải xoăn, dưa chuột, cải thảo,...): Đây là món ăn quen thuộc đối với hầu hết mọi người. Ở Việt Nam thì phổ biến là dưa muối và cà muối chua. Ở Hàn Quốc có kim chi làm từ cải thảo lên men. Ở phương Tây có Sauerkraut là loại rau lên men nổi tiếng nhất.
- Sữa tươi lên men: Thường cho sản phẩm là sữa chua và kefir.
- Tempeh: Đậu nành lên men thường được sử dụng làm chất thay thế thịt.
-Kombucha: một thức uống được làm từ trà ngọt được lên men từ sự cộng sinh của vi khuẩn và nấm men.
- Miso: đậu tương, gạo hoặc lúa mạch được lên men bằng khuôn koji, và thường được sử dụng trong súp và nước sốt.
Ngoài ra có khá nhiều thực phẩm lên men khác như bánh mỳ, phô mai, giấm, bia,...
- Rau củ quả tươi có chứa nhiều nitrat. Qua quá trình lên men, nitrat sẽ chuyển hóa thành nitrit. Khi vào cơ thể, dưới tác động của nước bọt, môi trường dạ dày cùng các axit amin trong thực phẩm khác thì nitrit có thể biến đổi thành hợp chất nitrosamine có khả năng gây ung thư rất cao.
Với bệnh nhân ung thư amidan, sức đề kháng yếu, ăn nhiều rau dưa muối sẽ khiến bệnh tiến triển nặng hơn. Với bệnh nhân đã điều trị ung thư amidan, ăn nhiều rau dưa muối làm tăng nguy cơ tái phát bệnh.
- Nếu thực phẩm lên men được chứa trong đồ nhựa, nhất là những đồ nhựa nhiều màu sắc, thì axit trong thực phẩm lên men có thể "bào mòn" độc tố trong nhựa, trộn vào thức ăn, hình thành nên các tác nhân gây ung thư.
- Thực phẩm lên men là môi trường thuận lợi cho nhiều vi khuẩn và nấm trú ngụ, sinh sôi. Vì vậy, nếu không bảo quản tốt thì thực phẩm lên men có thể chứa rất nhiều nấm và vi khuẩn gây hại cho sức khỏe. Khi chúng đi qua miệng, gặp các vết thương và lở loét do ung thư amidan gây ra sẽ là điều kiện thuận lợi để chúng tấn công cơ thể, sinh ra nhiều bệnh tật.
- Thực phẩm lên men thường chứa nhiều axit. Bệnh nhân ung thư amidan lại thường hay bị lở loét niêm mạc miệng, nếu ăn nhiều thực phẩm lên men có thể khiến bệnh nhân ung thư amidan bị đau, xót và khó chịu, gây cảm giác tiêu cực khi ăn uống.
Dù có tác động xấu đến bệnh nhân ung thư amidan, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng thực phẩm lên men cũng có những lợi ích nhất định. Thực phẩm lên men chứa đầy chất dinh dưỡng tập trung, men vi sinh và vi khuẩn tốt, đa số là các vi sinh vật có lợi cho đường tiêu hóa. Vì vậy, bệnh nhân ung thư amidan không nhất thiết phải loại bỏ hoàn toàn thực phẩm lên men ra khỏi thực đơn của mình. Thay vào đó, biết cách ăn hợp lý sẽ giúp người bệnh bảo đảm được sức khỏe:
- Tốt nhất bệnh nhân ung thư amidan nên tự muối dưa cà thay vì mua ngoài hàng. Bởi người bán có thể sử dung chất phụ gia để bảo quản thực phẩm lâu dài, cho dưa cà có màu bắt mắt hơn,...
- Bảo quản thực phẩm lên men trong hộp thủy tinh, hạn chế dùng đồ nhựa.
- Ăn rau dưa đã muối đủ thời gian. Bởi dưa cà muối xổi, còn hăng cay chứa nhiều hàm lượng nitrit hơn loại đã muối đủ chua
- Không ăn những thực phẩm lên men đã mốc, nổi vàng, đổi màu bởi lúc này đã xuất hiện vi khuẩn và nấm độc hại (thường là nấm aspergilus flavor).
- Không nên ăn quá nhiều thực phẩm lên men. Khuyến cáo chỉ nên ăn 2 lần/tuần.
- Thay vì sử dụng trực tiếp, bệnh nhân ung thư amidan có thể nấu và chế biến thực phẩm lên men để loại bỏ nấm và vi khuẩn có hại.