Tại sao bạn lại nói mớ khi ngủ? Nguyên nhân và cách khắc phục

Tại sao bạn lại nói mớ khi ngủ? Nguyên nhân và cách khắc phục
Nói mớ khi ngủ là một chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến. Thông thường, nói mớ khi ngủ không đáng lo ngại và không cần điều trị.

Nói mớ (nói mơ) là tình trạng một người nói lảm nhảm vô nghĩa, la hét hoặc cười trong khi ngủ. Đặc điểm của việc nói mớ là các tình tiết không được ghi nhớ khi người nói mơ thức dậy. Trừ khi người khác tình cờ nghe được, tình trạng bệnh sẽ không được nhận ra.

Những người nói mớ thường không nói lâu hơn 9 giây một lần. Ở một số người, nói mớ là tình trạng mãn tính - tức là họ nói mớ hàng đêm.

1. Nguyên nhân gây nói mớ khi ngủ

Các chuyên gia không chắc chắn chính xác lý do tại sao mọi người nói mớ trong khi ngủ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nói mớ có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn giấc ngủ hoặc tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Rối loạn hành vi giấc ngủ REM (RBD) và chứng sợ hãi khi ngủ là hai loại rối loạn giấc ngủ khiến một số người la hét hay nói nhảm khi ngủ. Trẻ em là đối tượng dễ mắc chứng sợ hãi khi ngủ, thường nói mớ và mộng du.

Nói mớ cũng có thể xảy ra khi mộng du và rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ về đêm (NS-RED), một tình trạng khiến một người ăn trong khi ngủ.

Một số nguyên nhân khác được cho là cũng có thể gây nói mớ khi ngủ:

- Lo lắng, căng thẳng

- Sử dụng rượu hoặc ma túy

- Mệt mỏi hoặc kiệt sức

- Trầm cảm

- Mất ngủ

- Mắc bệnh tật nào đó

- Sốt

- Một số loại thuốc

- Thiếu ngủ

- Di truyền

Nói mơ có thể xảy ra với bất cứ ai vào bất cứ lúc nào, nhưng tình trạng này dường như phổ biến hơn ở trẻ em và nam giới.

Tại sao bạn lại nói mớ khi ngủ? Nguyên nhân và cách khắc phục - Ảnh 2.

Lo lắng, mệt mỏi hay rối loạn hành vi trong giấc ngủ có thể gây nói mớ khi ngủ (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Dấu hiệu cho thấy bạn đang ngủ quá nhiều

Bấm 6 huyệt này để ngủ ngon hơn và nhận nhiều lợi ích sức khỏe khác

2. Giai đoạn và mức độ nghiêm trọng của nói mớ khi ngủ

Nói mớ khi ngủ được xác định theo cả giai đoạn và mức độ nghiêm trọng:

- Giai đoạn 1 và 2: Trong giai đoạn này, mọi người chuyển từ trạng thái thức sang ngủ và không ngủ sâu như giai đoạn 3 và 4, nên lời nói dễ hiểu hơn. Người nói mớ ở giai đoạn 1 hoặc 2 có thể có toàn bộ cuộc trò chuyện có ý nghĩa.

- Giai đoạn 3 và 4: Người nói mớ đang ngủ sâu hơn và lời nói của họ thường khó hiểu hơn. Nó có thể giống như tiếng rên rỉ hoặc tiếng vô nghĩa.

Mức độ nghiêm trọng của nói mớ khi ngủ được xác định bằng tần suất xảy ra:

- Nhẹ: Nói mớ khi ngủ xảy ra ít hơn một lần mỗi tháng.

- Trung bình: Nói mớ khi ngủ xảy ra mỗi tuần một lần, nhưng không phải mỗi đêm. Việc nói chuyện không ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ của những người khác trong phòng.

- Nghiêm trọng: Nói mớ xảy ra hàng đêm và có thể cản trở giấc ngủ của những người khác trong phòng.

3. Nói mớ trong khi ngủ có nguy hiểm không?

Trong phần lớn các trường hợp, nói mớ là vô hại. Tình trạng này thường không ảnh hưởng lớn đến giấc ngủ của một người và thường không xảy ra thường xuyên đến mức gây ra bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, có một số tình huống mà việc nói mớ có thể gây ra vấn đề:

- Nếu việc nói mớ làm phiền bạn cùng giường, điều đó có thể làm gián đoạn giấc ngủ của họ và góp phần gây ra các vấn đề như mất ngủ hoặc buồn ngủ ban ngày quá mức.

- Nếu nói mơ xảy ra cùng với các chứng rối loạn giấc ngủ khác, chẳng hạn như ác mộng hoặc mộng du, tình trạng này có thể khiến giấc ngủ bị ngắt quãng hoặc không đủ giấc.

Tại sao bạn lại nói mớ khi ngủ? Nguyên nhân và cách khắc phục - Ảnh 3.

Nói mớ khi ngủ thường làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác (Ảnh: Internet)

4. Có thể cải thiện tình trạng nói mớ khi ngủ không?

Vì không rõ chính xác lý do gì gây ra tình trạng nói mớ trong khi ngủ cũng như tình trạng này không quá đáng lo ngại nên nếu tần suất nói mớ ít, bạn không cần điều trị.

Tuy nhiên, nếu bạn nói mớ thường xuyên và làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác, bạn nên tìm cách để duy trì một giấc ngủ lành mạnh hơn, chẳng hạn như:

- Duy trì lịch trình ngủ nhất quán mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần.

- Tránh dùng caffeine hoặc các chất kích thích khác vào buổi chiều và buổi tối.

- Dành thời gian để thư giãn, bao gồm cả việc giảm độ sáng của đèn và cất các thiết bị điện tử ít nhất nửa giờ trước khi đi ngủ.

- Tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng ban ngày và tìm thời gian cho hoạt động thể chất trong ngày.

- Tạo ra một không gian ngủ không bị phân tâm, hạn chế ô nhiễm ánh sáng hoặc âm thanh.

- Chuẩn bị một không gian ngủ thoải mái như chăn màn mềm mại và thơm tho, căn phòng sạch sẽ và thoáng đãng,...

5. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nói mớ thường không phải là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, nhưng đôi khi bạn nên đi khám bác sĩ, đặc biệt khi:

- Việc nói mớ quá mức đến mức ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn hoặc nếu bạn quá kiệt sức và không thể tập trung trong ngày.

- Nói mớ xảy ra với các vấn đề nghiêm trọng hơn, như rối loạn tâm thần hoặc co giật vào ban đêm.

- Bạn nghi ngờ rằng việc nói mơ khi ngủ là triệu chứng của một chứng rối loạn giấc ngủ khác nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như mộng du hoặc ngưng thở khi ngủ.

- Bạn bắt đầu nói mớ lần đầu tiên sau tuổi 25 và thường xuyên gặp tình trạng này. Vì nói mớ bắt đầu xảy ra ở độ tuổi này có thể do tình trạng bệnh lý tiềm ẩn gây ra.

Nguồn tham khảo:

1. Sleep Talking

2. Talking in Your Sleep

3. Everything You Should Know About Sleep Talking


Tác giả: Vân Anh