Tác dụng phụ sau xạ trị ung thư lưỡi

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Tác dụng phụ sau xạ trị ung thư lưỡi
Xạ trị ung thư lưỡi được chỉ định với trường hợp bệnh nhân đang ở giai đoạn muộn của bệnh, không thể phẫu thuật hay kết hợp với phẫu thuật ở giai đoạn sớm để thu nhỏ khối u,...

Phương pháp xạ trị ung thư lưỡi có thể tiến hành xạ trị đơn thuần với bệnh nhân mắc ung thư lưỡi giai đoạn muộn, không có chỉ định phẫu thuật hoặc xạ trị triệt căn ung thư lưỡi trong giai đoạn sớm hoặc dùng sau khi phẫu thuật nhằm tiêu diệt nốt những tế bào ung thư còn sót lại của ung thư lưỡi

Ngoài ra có thể xạ trị ung thư lưỡi tại chỗ (hay còn gọi là xạ trị áp sát) nhằm tiêu diệt tổn thương ung thư lưỡi bằng cách dùng nguồn phóng xạ đặt hoặc cắm vào tổn thương ung thư tại lưỡi. Trong một số trường hợp, ung thư lưỡi khi đã di căn, tổn thương di căn xương; xạ trị vào vùng tổn thương này giúp làm giảm đau.

Với các bệnh nhận ung thư lưỡi có các tổn thương di căn não có thể xạ phẫu bằng tia gamma để cải thiện thời gian sống thêm và chất lượng sống.

Ba loại thương tổn ở giai đoạn sớm của ung thư lưỡi:

- Thể nhú sùi: xuất hiện thương tổn hình đồng xu, có màu hồng nhợt, sờ vào mềm và không thâm nhiễm

- Thể nhân: hình thành một nhân nhỏ cứng, nằm dính dưới niêm mạc khiến niêm mạc hơi bị nhô lên, đôi khi mất nhẵn bóng hoặc vỡ ra

- Thể loét: là một đám loét rất nông, khó nhận thấy, vùng giới hạn không rõ, được bao bọc bởi một vùng đỏ xung huyết,  thương tổn này thường đau và không thâm nhiễm

Tác dụng không mong muốn của phương pháp xạ trị ung thư lưỡi:

1. Trên da

- Bắt đầu xuất hiện từ ngày thứ 7 của quá trình xạ trị ung thư lưỡi , các biểu hiện như: ban đỏ da, khô da, tăng sắc tố, rụng lông và tóc, khô da, tróc vảy sau 4 - 5 tuần

xạ trị ung thư lưỡi 1

Ảnh hưởng trên da của quá trình xạ trị ung thư lưỡi

- Sau đó có thể làm tăng hoặc giảm sắc tố da, giãn mao mạch, rụng tóc , loét dai dẳng hoặc teo da, xơ hóa và phù khu trú.

2. Trên xương và mô mềm 

Điều trị ung thư lưỡi có thể gây phù khu trú, hoại tử mô, xơ hóa mô vùng chiếu xạ.

3. Niêm mạc miệng và khẩu hầu

- Sau 1-2 tuần điều trị ung thư lưỡi xuất hiện cảm giác khó chịu ở miệng, đỏ, viêm loét niêm mạc, đau, chảy máu, khó khăn trong ăn uống.  Sau đó có thể có các hiện tượng như: giảm sắc tố, giãn mao mạch, mỏng niêm mạc, loét niêm mạc kéo dài

- Triệu chứng sẽ giảm dần và mất hẳn sau xạ trị 2 – 3 tuần.

4. Thanh quản

Xạ trị ung thư lưỡi có thể có khả năng gây viêm, phù thanh quản cấp gây khó thở, thậm chí ngạt thở.

5. Cứng hàm

Xạ trị ung thư lưỡi có thể gây xơ hóa khớp thái dương - hàm và/hoặc cơ cắn. Do đó cần phải tập luyện phòng ngừa, điều trị trong và sau xạ trị ung thư lưỡi

6. Có thể gây hoại tử xương

7. Tuyến nước bọt

- Quá trình điều trị ung thư lưỡi gây viêm tuyến nước bọt, sưng, đau

- Lượng tiết nước bọt giảm hoặc cô đặc nước bọt gây khó chịu, dẫn đến  khô miệng, hạn chế ăn uống.

8. Trên vùng hầu và thực quản

-  Viêm vùng hầu, viêm thực quản, gây nuốt khó, nuốt đau.

- Ngoài ra có thể xơ sẹo làm hẹp, gây khó nuốt.

9. Trên não

Khi xạ trị tổn thương di căn não có thể gây:

- Tăng áp lực nội sọ gây buồn nôn/nôn, nhức đầu, thay đổi ý thức, hành vi.

- Có thể gây hoại tử não khu trú, làm  tổn thương chất trắng lan tỏa (leukoencephalopathy), sa sút sinh lý thần kinh và trí tuệ sau xạ trị ung thư lưỡi

10. Trên tủy sống

- Triệu chứng giống điện giật lan dọc cột sống xuống dưới, thường tự hết sau một thời gian

- Có thể viêm tủy tiến triển do xạ trị (CPRM) ung thư lưỡi, trường hợp này ít gặp nhưng sẽ dẫn đến các di chứng không hồi phục khác.

Trên đây là một số tác dụng phụ khi tiến hành điều trị ung thư lưỡi bằng phương pháp xạ trị, người bệnh cần nắm bắt, phối hợp với bác sĩ điều trị để phòng ngừa.


Tác giả: Ninh Nguyễn