Tác dụng phụ của thuốc nhắm trúng đích ung thư xương

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Tác dụng phụ của thuốc nhắm trúng đích ung thư xương
Thuốc nhắm trúng đích ung thư xương sẽ tác động thẳng vào các khối u và tế bào ung thư. So với thuốc hóa trị, thuốc nhắm trúng đích ít ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh hơn nên các tác dụng phụ cũng ít nghiêm trọng hơn.

1. Tác dụng phụ thường gặp của thuốc nhắm trúng đích ung thư xương

Các tác dụng phụ của liệu pháp nhắm mục tiêu khác nhau tùy theo loại thuốc cụ thể bạn đang sử dụng. Tuy nhiên có một số tác dụng phụ phổ biến chung của các thuốc nhắm trúng đích ung thư xương bao gồm:

- Một số thành phần của thuốc có thể gây ra các phản ứng dị ứng trên bệnh nhân.

- Thuốc nhắm trúng đích ung thư xương có thể gây rối loạn tiêu hóa. Vấn đề bệnh nhân thường gặp nhất là táo bón hoặc tiêu chảy.

- Thuốc nhắm trúng đích ung thư xương có thể làm 50% số bệnh nhân thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng. Số lượng tế bào hồng cầu thấp có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, điều này sẽ mất đi trong vòng 6 tháng đến một năm sau khi kết thúc điều trị. Điều bệnh nhân cần làm là tập thể dục nhẹ nhàng và có 1 chế độ ăn uống cân bằng.

- Công thức máu thấp: Thuốc nhắm trúng đích ung thư xương ó thể làm giảm số lượng tế bào máu. Tế bào máu của bạn bắt đầu giảm sau mỗi lần điều trị. Tuy nhiên, khi kết thúc điều trị, tế bào máu sẽ tăng trở lại. 

- Vì thuốc nhắm trúng đích ung thư xương làm giảm số lượng tế bào bạch cầu trong máu nên bệnh nhân có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cao hơn. Biểu hiện là bệnh nhân thường đau họng, ho, đau cơ, đau đầu,... Nếu thường xuyên gặp vấn đề về nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê thêm cho bạn thuốc kháng sinh.

- Xuất hiện các triệu chứng giống như bệnh cúm, bao gồm: sốt, mệt mỏi, đau cơ và ốm. Những điều này ảnh hưởng đến gần như tất cả bệnh nhân khi mới bắt đầu sử dụng thuốc nhắm trúng đích ung thư xương, nhưng tình hình sẽ trở nên tốt hơn khi quá trình điều trị tiếp tục. Uống paracetamol trước khi điều trị có thể giúp kiểm soát điều này.

- Giống như thuốc hóa trị, thuốc nhắm trúng đích ung thư xương có thể làm rụng tóc trong vòng 2 đến 3 tuần sau khi bắt đầu điều trị. Đừng lo lắng, tóc của bạn mọc trở lại sau khi điều trị kết thúc.

2. Tác dụng phụ của một số thuốc nhắm trúng đích ung thư xương

- Imatinib

Imatinib là thuốc nhắm trúng đích ung thư xương đã lan rộng hoặc ung thư xương tái phát. Thuốc dạng viên, uống mỗi ngày 1 lần trong khi ăn.

Tác dụng phụ thường gặp của Imatinib là tiêu chảy, buồn nôn, đau cơ và mệt mỏi. Đa số các trường hợp sử dụng Imatinib đều có các tác dụng phụ nhẹ, không đáng kể. Một số trường hợp bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn, bao gồm: ngứa da, chất lỏng tích tụ quanh mắt, quanh bàn chân hoặc bụng,..

Denosumab

Denosumab là thuốc nhắm trúng đích ung thư xương được tiêm dưới da để điều trị khối u tế bào khổng lồ. Hầu hết các tác dụng phụ của Denosumab khá nhẹ, như đau nhức cơ thể, mệt mỏi và buồn nôn. 

Một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng rất đáng lo ngại của thuốc nhắm trúng đích ung thư xương Denosumab là tổn thương xương hàm, hay còn gọi là thoái hóa xương hàm. 

Thoái hóa xương hàm thường bắt đầu như một vết thương hở ở hàm không lành. Nó có thể dẫn đến mất răng và nhiễm trùng xương hàm. Do đó bệnh nhân cần vệ sinh và kiểm tra răng miệng thường xuyên. Nếu nghiêm trọng, có thể phải dừng sử dụng thuốc Denosumab.

- Interferon

Interferon được tiêm dưới da hàng ngày để điều trị các khối u tế bào khổng lồ của xương tái phát. Các tác dụng phụ của Interferon khá khó chịu, bao gồm: đau cơ, đau xương, sốt, nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn và nôn, giảm số lượng tế bào máu.

Ngoài ra, bệnh nhân dùng Interferon còn có thể có vấn đề về tập trung và suy nghĩ. Những tác dụng phụ này có xu hướng được cải thiện hơn trong những đợt điều trị sau. Tuy nhiên,  một số bệnh nhân cảm thấy khó đối phó với các tác dụng phụ này mỗi ngày thì có thể cần phải ngừng điều trị.

Bài gốc: https://www.cancer.org/cancer/bone-cancer/treating/targeted-therapy.html


Tác giả: Mai Nhung