Tác dụng phụ của thuốc điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính: Dấu hiệu và cách kiểm soát

Tác dụng phụ của thuốc điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính: Dấu hiệu và cách kiểm soát
Phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là căn bệnh ở cơ quan hô hấp được điều trị thường xuyên bằng thuốc kết hợp với lối sống lành mạnh. Người bệnh cần biết các tác dụng phụ của thuốc điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính để có phương án kiểm soát chúng.

Mục đích của việc dùng thuốc là mong muốn giúp người bệnh COPD kiểm soát được các triệu chứng của bệnh cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống. Thế nhưng các loại thuốc có tác dụng mạnh này thường đi kèm với các tác dụng phụ, là một số tác dụng còn khiến bạn khó chịu về tinh thần lẫn thể chất.

Tìm hiểu kĩ các tác dụng phụ của thuốc điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính thường gặp nhất dưới đây.

Tác dụng phụ của thuốc điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính: Dấu hiệu và cách kiểm soát - Ảnh 1.

Người bệnh cần biết các tác dụng phụ của thuốc điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính - Ảnh: Healthline

1. Nhận biết tác dụng phụ của thuốc điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính

1.1. Thuốc giãn phế quản

Thuốc giãn phế quản được kê đơn để giúp điều trị chứng khó thở. Những loại thuốc này giúp mở đường thở trong phổi và thường được dùng ở dạng hít. Thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn được kê đơn khi cần giảm các triệu chứng bệnh COPD nhanh chóng, trong khi thuốc giãn phế quản tác dụng dài được kê đơn thường xuyên để kiểm soát các triệu chứng hàng ngày.

Có 2 loại thuốc giãn phế quản chính: thuốc chủ vận beta và thuốc kháng cholinergic.

Thông thường, thuốc giãn phế quản có ít tác dụng phụ. Ở một số bệnh nhân COPD, tác dụng phụ của thuốc giãn phế quản có thể gây dị ứng hoặc phát ban. Trường hợp này cần ngừng dùng thuốc ngay và báo với bác sĩ.

Ngoài ra, tác dụng phụ của thuốc điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính dạng hít có tác dụng giãn phế quản có thể bao gồm: hồi hộp, tim đập nhanh, run, đau đầu, chuột rút, khô miệng, nấm miệng và đau họng.

Tác dụng phụ của thuốc điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính: Dấu hiệu và cách kiểm soát - Ảnh 2.

Tác dụng phụ của thuốc giãn phế quản có thể gây dị ứng hoặc phát ban - Ảnh: Medicalnewstoday

1.2. Corticosteroid

Corticosteroid (còn gọi là steroid) là loại hormone tổng hợp có tác dụng giảm viêm đường thở. Chúng là những loại thuốc mạnh hơn và có tác dụng phụ nhiều hơn thuốc giãn phế quản. Các liệu trình corticosteroid ngắn hạn được kê đơn để điều trị các đợt bùng phát COPD, trong khi các liệu trình dài hạn được kê đơn cho bệnh nhân bị COPD nặng.

Steroid thường quy thường được kê đơn như một phần của thuốc hít kết hợp có cả thuốc giãn phế quản và corticosteroid.

Corticosteroid dạng hít có ít tác dụng phụ hơn và nhẹ hơn dạng uống. Các tác dụng phụ có thể xảy ra cũng giống như đối với thuốc giãn phế quản. Tuy nhiên, sử dụng corticosteroid lâu dài hoặc sử dụng liều cao trong thời gian ngắn có thể gây ra những thay đổi thể chất đáng kể, bao gồm:

- Sưng phù mặt.

- Xuất hiện một cục tròn giữa hai vai - được gọi là "bướu trâu".

- Tăng cân do giữ nước.

- Sưng bàn tay, bàn chân và mắt cá chân.

- Da mỏng dễ bị bầm tím.

Ngoài ra, việc sử dụng corticosteroid kéo dài có liên quan đến chứng loãng xương. Loãng xương làm cho xương của bạn yếu và mỏng đi, có thể làm tăng nguy cơ gãy xương. Đây được xem là những tác dụng phụ của thuốc điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính lớn nhất mà bệnh nhân có thể gặp phải.

1.3. Daliresp (Roflumilast)

Daliresp là một chất ức chế phosphodiesterase-4 (PDE4), là một nhóm thuốc tương đối mới được dùng để điều trị COPD. Nó hoạt động bằng cách ngăn chặn tình trạng viêm trong tế nào.

Tác dụng phụ của thuốc điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính: Dấu hiệu và cách kiểm soát - Ảnh 3.

Tác dụng phụ của thuốc điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính liên quan đến chất ức chế PDE4 là gây giảm cân mạnh - Ảnh: Healthline

Giống như corticosteroid, thuốc ức chế PDE4 được kê đơn cho những người thường xuyên bị COPD bùng phát hoặc bệnh ngày càng nặng hơn mà không thể kiểm soát bằng thuốc giãn phế quản.

Một tác dụng phụ của thuốc điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính liên quan đến chất ức chế PDE4 là gây giảm cân mạnh. Ngoài ra, các tác dụng phụ tiềm ẩn khác bao gồm đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và gặp các vấn đề về đường tiêu hóa.

2. Có thể kiểm soát tác dụng phụ của thuốc điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính không?

Những người bị COPD có thể bị một loạt các triệu chứng như ho liên tục, tăng sản xuất chất nhầy, khó thở, thở khò khè và mệt mỏi. Và thuốc điều trị COPD được dùng để ngăn chặn các triệu chứng này và các đợt bùng phát.

Các tác dụng của thuốc nghe có vẻ đơn giản thế nhưng sự tương trợ cũng đi kèm tác dụng phụ. Tuy nhiên thật may mắn là có thể quản lý được tác dụng phụ của thuốc điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính.

Trước tiên, điều quan trọng là người bệnh cần nắm được các loại thuốc được bác sĩ kê đơn. Sau đó cần theo dõi chặt chẽ phản ứng của thuốc đối với cơ thể mình. Các loại thuốc bác sĩ thường kê sẽ là: thuốc giãn phế quản; Corticosteroid; thuốc kháng sinh; thuốc chống lo âu.

Mỗi loại thuốc thường được kê với các cấp độ bệnh khác nhau; thuốc giãn phế quản thường được kê dưới dạng hít giúp hỗ trợ giảm khó thở cho người bệnh; thuốc kháng sinh được kê cho các bệnh liên quan đến viêm đường hô hấp; thuốc chống lo âu dành cho bệnh nhân COPD giai đoạn nặng có tâm lý lo lắng.

Có thể bạn sẽ bất ngờ nhưng một trong những cách dễ nhất để kiểm soát các tác dụng phụ của thuốc điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính là học cách sử dụng ống hít đúng cách. Khi bạn sử dụng thuốc dưới dạng ống hít không đúng cách, bạn sẽ dùng không đủ lượng thuốc cần thiết. Đó sẽ là cơ hội cho các tác dụng phụ xảy ra.

Corticoid có khá nhiều tác dụng phụ như tăng cân, giữ nước, làm xương yếu đi và hệ miễn dịch bị tổn hại. Người bệnh có thể quản lý cân nặng và giảm thiểu tình trạng giữ nước bằng một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng; không ăn quá nhiều muối.

Tác dụng phụ của thuốc điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính: Dấu hiệu và cách kiểm soát - Ảnh 4.

Chế độ ăn uống lành mạnh góp phần quản lý được tác dụng phụ của thuốc điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính - Ảnh: Everydayhealth

Ngoài ra, bạn hãy cố gắng giữ sức khỏe cho xương bằng cách nạp đủ lượng canxi cần thiết cho xương; hãy thử các bài tập phù hợp với tình trạng bệnh theo lời khuyên của bác sĩ. Và hệ thống miễn dịch của bệnh nhân COPD có thể được củng cố bởi sự thay đổi một số trong sinh hoạt hàng ngày như:

- Ngủ nhiều, ngủ đủ giấc.

- Bỏ thuốc lá.

- Rửa tay thường xuyên.

- Hạn chế uống rượu.

- Giảm căng thẳng với bài tập yoga hoặc thiền.

Tùy thuộc vào loại thuốc kháng sinh, tác dụng phụ đôi khi có thể xảy ra và từ rối loạn tiêu hóa đến chóng mặt. Nếu nghiêm trọng, hãy báo ngay cho bác sĩ điều trị của bạn.

Và với thuốc chống lo âu, người bệnh có thể gặp tác dụng phụ gây buồn ngủ và mệt mỏi, vì vậy điều quan trọng là không lái xe khi gặp các triệu chứng này. Không nên sử dụng thuốc quá liều, cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Nếu bạn không điều trị một bác sĩ cố định, điều cực kỳ quan trọng đó là các bác sĩ cần biết được những loại thuộc mà bạn đã được kê đơn để điều trị. Đây là điều cần thiết để các bác sĩ có kế hoạch quản lý được tác dụng phụ của thuốc điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính; bởi các loại thuốc có thể tương tác với nhau và gây ra nhiều tác dụng phụ hơn.

Nguồn tham khảo: https://lunginstitute.com/blog/physical-side-effects-of-copd-medications/

https://lunginstitute.com/blog/manage-copd-medication-side-effects/


Tác giả: Tiểu Quyên