Hóa trị liệu là những thứ thuốc rất mạnh đã được chế tạo để tiêu diệt, phá vỡ những tế bào đang phát triển nhanh như các tế bào ung thư. Hóa trị ảnh hưởng đến khắp cơ thể nên nó có thể gây ảnh hưởng đến các vùng cơ quan khỏe mạnh khác trên cơ thể. Chính các tác hại trên những tế bào bình thường là nguyên nhân đưa đến các phản ứng phụ.
Mặc dù không phải bệnh nhân nào cũng gặp những tác dụng phụ của hóa trị, phụ thuộc vào liều lượng, sức khỏe cá nhân, giai đoạn mắc bệnh...mà các phản ứng ở mỗi người cũng khác nhau. Tuy nhiên, tác dụng phụ của hóa trị chủ yếu xảy ra trên các cơ quan bao gồm:
Tác dụng lên máu và thành phần máu
– Thiếu hồng cầu: khi bị thiếu hồng cầu, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi nhiều, khó thở, da nhợt nhạt… Nếu thiếu máu nặng, có cảm giác hoa mắt, chóng mặt, chân tay lạnh.
– Thiếu bạch cầu: Bạch cầu là tế bào miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
– Thiếu tiểu cầu: tiểu cầu tham gia vào quá trình đông máu nên khi thiếu dễ bị xuất huyết dưới da hoặc nội tạng. Do vậy người bệnh đang hóa trị ung thư sẽ dễ bị chảy máu cam, xuất hiện các nốt xuất huyết dưới da, nặng hơn là nôn ra máu, đi ngoài phân đen, kinh nguyệt thất thường, có thể bị rong kinh hoặc lượng kinh ra nhiều hơn bình thường...
Tác dụng phụ của hóa trị lên hệ miễn dịch
- Hóa trị liệu có thể khiến bệnh nhân suy giảm hệ thống miễn dịch do các tế bào miễn dịch bị tiêu diệt và tủy xương không sản xuất các tế bào miễn dịch mới.
Bệnh nhân điều trị ung thư bằng hóa trị rất dễ bị nhiễm khuẩn, virus, viêm, cụ thể là viêm phổi, viêm đường tiết niệu, nấm, lở loét... Do vậy người nhà cần chú ý chăm sóc và vệ sinh đúng cách cho người bệnh, cho người bệnh ăn uống nhiều rau xanh và hoa quả để tăng cường sức đề kháng.
Bệnh nhân có thể phải trải qua rất nhiều đau đớn khi hóa trị, hãy giữ vững tinh thần lạc quan
Tác dụng phụ của hóa trị lên hệ tiêu hóa (gan, đường ruột)
- Gan là bộ phận đầu tiên bị ảnh hưởng bởi hóa trị liệu vì đây được coi là bộ máy khử độc của cơ thể. Việc đưa một lượng hóa chất nhất định vào người bệnh sẽ làm suy giảm chức năng gan, men gan cao, gây tổn thương gan và tăng nguy cơ nhiễm độc cho cơ thể. Người bệnh lúc này thường xuyên cảm thấy nóng gan, chán ăn, da vàng vọt xanh xao, sụt cân nghiêm trọng...
– Đường ruột: Tế bào niêm mạc đường ruột cũng là loại tế bào nhạy cảm với hóa chất. Chúng bị tiêu diệt và suy giảm nặng nề nên các chức năng của dạ dày, ruột non, đại tràng đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người bệnh có thể bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón thất thường, đi ngoài ra phân đen...
Tác dụng phụ của hóa trị lên da, lông, tóc, móng
Hóa trị khiến bệnh nhân bị rụng tóc - điều này dễ thấy nhất ở các bệnh nhân ung thư là nữ giới. Khi hóa chất vào cơ thể, chúng sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận khỏe mạnh, dễ thấy nhất là da, tóc và móng, cụ thể như sau:
- Rụng tóc trên đầu, lông mày, lông mi. Tuy nhiên, tình trạng rụng tóc chỉ là tạm thời, tóc tăng trưởng mới thường bắt đầu một vài tuần sau đợt điều trị cuối cùng.
- Khô da, ngứa, phát ban, tăng sự nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.
- Móng tay, móng chân chuyển vàng hoặc nâu, dễ bị giòn vỡ, nhiều trường hợp bị bong tróc...
Tác dụng phụ trên hệ tuần hoàn
Một số loại thuốc hóa trị có thể làm suy yếu cơ tim, dẫn đến bệnh cơ tim, hoặc ảnh hưởng đến khả năng bơm máu hiệu quả của cơ tim. Một số loại thuốc hóa trị có thể làm tăng nguy cơ đau cơ tim.
Ngoài ra, hóa trị liệu còn ảnh hưởng đến hệ bài tiết (thận và bàng quang) khiến bệnh nhân dễ bị viêm cầu thận cấp, giảm đi tiểu, người bị phù nề và đau đầu. Tác dụng phụ ở hệ thần kinh với các triệu chứng; suy giảm trí nhớ, đau đầu, mệt mỏi, run lẩy bẩy, kỹ năng phản xạ kém dần.
Tùy thuộc vào thể trạng và liều lượng hóa trị mà mỗi người có thời gian phục hồi khác nhau. Có những bệnh nhân chịu rất ít tác dụng phụ và chỉ chịu đựng trong thời gian ngắn, có những người lại kéo dài dai dẳng, gây đau đớn và suy sụp tinh thần nghiêm trọng.
Phần lớn các phản ứng phụ sẽ biến mất đi dần dần sau khi dừng thuốc vì những tế bào bình thường trong cơ thể hồi phục rất nhanh chóng. Thời gian cần thiết để cơ thể hồi phục hoàn toàn khả năng hoạt động sẽ tùy thuộc vào nền tảng sức khỏe của bệnh nhân và phương pháp hỗ trợ đang sử dụng. Song một số tác dụng phụ lại kéo dài trong vài năm, thậm chí cả đời như những phản ứng phụ lên cơ quan sinh sản, tim mạch…
Hóa trị ung thư là một con đường gian nan, đòi hỏi người bệnh và cả người thân, gia đình nỗ lực hết sức mình giúp bệnh nhân vượt qua và vững tin sau một đợt hóa trị liệu.
– Hãy trao đổi với bác sĩ, điều dưỡng về tất cả những thắc mắc, lo lắng về loại thuốc mà mình sẽ dùng, các nguy cơ không mong muốn có thể gặp, cách theo dõi và phát hiện…
– Lường trước được các tác dụng phụ của hóa trị liệu, sẵn sàng đối mặt và tìm cách khắc phục các tác dụng phụ này bằng ăn uống và luyện tập
– Nếu thấy bắt gặp dấu hiệu bất thường nào hãy báo cho các nhân viên y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời. Các bác sĩ có thể cân nhắc thay đổi thuốc, liều dùng và thời gian điều trị; cũng như đưa ra các biện pháp điều trị giảm nhẹ.
– Lạc quan, suy nghĩ tích cực, cố gắng rèn luyện và hướng về phía trước
Khi đã bị ung thư, đừng nghĩ đến cái chết, nếu bệnh ung thư không chữa được, bạn hãy nghĩ rằng mình nên sống chung với ung thư, tuyệt đối không được từ bỏ và cố gắng vượt qua bệnh hiểm nghèo để thực hiện những dự định trong tương lai.
Theo VTV News