Tác dụng phụ của các loại thuốc chữa viêm dạ dày

Tác dụng phụ của các loại thuốc chữa viêm dạ dày
Điều trị viêm dạ dày bằng thuốc là phương pháp điều trị viêm dạ dày phổ biến nhất hiện nay. Mặc dù các thuốc chữa viêm dạ dày giúp bệnh nhân giảm nhanh các triệu chứng của bệnh nhưng chúng cũng gây nên nhiều nguy cơ tác dụng phụ khác nhau.

Cho đến hiện nay, phương pháp điều trị nội khoa bằng cách sử dụng thuốc vẫn là phương pháp điều trị viêm dạ dày phổ biến nhất. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc chữa viêm dạ dày cũng khiến cho người bệnh phải đối mặt với nhiều nguy cơ tác dụng phụ khác nhau.

Những tác dụng phụ thường gặp của các nhóm thuốc chữa viêm dạ dày hiện nay:

1. Tác dụng phụ của thuốc chữa viêm dạ dày nhóm kháng acid

Các thuốc chữa viêm dạ dày nhóm kháng acid được sử dụng rất phổ biến nhờ khả năng trung hòa acid dịch giúp nâng cao độ pH trong lòng dạ dày và làm giảm các triệu chứng của bệnh.

Do các loại thuốc kháng acid có tác dụng toàn thân (thường chứa gốc HCO3- và CO32-) thường gây nhiều tác dụng phụ trên diện rộng (đặc biệt là sự biến đổi pH của máu), do đó ngày nay người ta thường sử dụng các thuốc kháng acid có tác dụng tại chỗ (chứa gốc base của nhôm hoặc magie) trên các ca bệnh lâm sàng.

Những tác dụng phụ thường gặp ở bệnh nhân sử dụng thuốc chữa viêm dạ dày nhóm thuốc kháng acid có tác dụng tại chỗ kể đến như táo bón, tương tác với nhiều loại thuốc khác nhau,... Nếu dùng thuốc kéo dài, bệnh nhân có thể gặp tình trạng tích lũy nhôm trong cơ thể, gây sự thoái hóa thần kinh hoặc nhuyễn xương,...

Tác dụng phụ của các loại thuốc chữa viêm dạ dày - Ảnh 2.

2. Nhóm kháng histamin H2- Giảm khả năng tiết dịch vị

Thuốc chữa viêm dạ dày nhóm kháng histamin H2 là những thuốc có cấu trúc tương tự với histamin H2. Khi người bệnh sử dụng thuốc, thuốc sẽ cạnh tranh gắn vào các thụ thể của histamin H2 tại dạ dày, khiến dạ dày không thể bài tiết aicd dịch vị.

Thuốc kháng histamin H2 trong điều trị viêm dạ dày cũng được đánh giá khá an toàn và ít khi xảy ra các tác dụng phụ, xảy ra ở khoảng 5% số bệnh nhân sử dụng thuốc. Nhưng trong một số trường hợp bệnh nhân vẫn có nguy cơ gặp một số các tác dụng không mong muốn như tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, đau nhức cơ thể, buồn nôn, vú to ở nam giới, giảm ham muốn,... Tuy nhiên hầu hết các tác dụng phụ này của thuốc có thể được khắc phụ khi ngưng sử dụng thuốc

Hiếm gặp hơn, một số bệnh nhân sử dụng thuốc chữa viêm dạ dày nhóm kháng thụ thể H2 kéo dài còn có thể gặp tình trạng dạ dày giảm khả năng bài tiết acid sau khi ngưng dùng thuốc hoặc thậm chí là ung thư dạ dày.

3. Nhóm ức chế bơm proton

Các loại thuốc ức chế bơm proton làm gián đoạn giai đoạn cuối cùng của quá trình sản xuất acid dịch vị - sự bài xuất acid dịch vị vào lòng dạ dày, nhờ vào sự ức chế các kênh vận chuyển cation H+ trên thành dạ dày. Do đó thuốc làm giảm bài tiết dịch vị do mọi nguyên nhân.

Mức độ an toàn của thuốc được đánh giá tương đối cao khi ít gây nên các tác dụng phụ cho người bệnh. Những tác dụng không mong muốn của thuốc có thể gặp của thuốc kể đến như buồn nôn, nhức đầu, táo bón, rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột, tăng vi khuẩn ở dạ dày,...

Ngoài ra, mặc dù chưa có các bằng chứng cụ thể về sự ảnh hưởng của thuốc chữa viêm dạ dày nhóm ức chế bơm proton lên thai nhi, nhưng các thai phụ được khuyên không nên sử dụng thuốc ức chế bơm proton trong thai kỳ (đặc biệt là trong ba tháng đầu).

4. Tác dụng phụ của nhóm thuốc kháng sinh

Nếu bệnh nhân viêm dạ dày được xác định bị nhiễm vi khuẩn H.pylori thì người bệnh có thể được cho sử dụng các loại thuốc kháng sinh. Các loại kháng sinh thường dùng để diệt H.pylori bao gồm tetracyclin, amoxicillin, metronidazol và clarithromycin.

Các tác dụng phụ khi sử dụng kháng sinh là rất phổ biến và thay đổi nhiều tùy theo phác đồ điều trị H.pylori mà người bệnh đang sử dụng là phác đồ 3 thuốc hay 4 thuốc. Trong trường hợp nặng nề nhất, việc sử dụng kháng sinh có thể đưa đến shock phản vệ ở người bệnh. Do đó bệnh nhân không tự ý sử dụng kháng sinh chữa viêm dạ dày khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Có thể thấy rằng, bên cạnh những lợi ích điều trị thì những nhóm thuốc chữa viêm dạ dày cũng có khả năng gây nên các tác dụng phụ khác nhau. Vì thế, người bệnh cần khai báo đầy đủ về tình trạng bản thân, theo dõi tốt cơ thể khi sử dụng thuốc để bác sĩ có thể đưa ra chỉ định sử dụng thuốc hợp lý và khắc phụ sớm nhất khi tác dụng phụ của thuốc xảy ra.


Tác giả: QN