Khi đã mắc bệnh ung thư nghĩa là bệnh nhân sẽ phải đối phó với một loại tác dụng phụ về thể chất, tinh thần, tình cảm. Sau khi xạ trị và hóa trị, bệnh nhân có thể mắc chứng rụng tóc, mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, táo bón/tiêu chảy, thiếu máu, chảy máu rối loạn, nhiễm trùng….
Đặc biệt, về mặt tinh thần có thể bị trầm cảm và suy sụp. Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo bệnh nhân ung thư nên tập yoga để giảm bớt các tác dụng phụ sau điều trị để thúc đẩy sức khỏe và tinh thần. Bởi Yoga giúp:
- Cải thiện giấc ngủ
- Giảm stress
- Giảm mệt mỏi
- Thúc đẩy năng lượng
Cải thiện chức năng thể chất tổng thể
Đối với bệnh nhân ung thư vú phải điều trị phẫu thuật, Yoga đem lại lợi ích cho phụ nữ sau khi bị cắt bỏ mô vú và phần cơ ngực.
Khi cơ ngực – một cơ hô hấp quan trọng bị cắt bỏ sẽ ảnh hưởng đến xương sườn, xương ức khiến việc hô hấp ở bệnh nhân trở nên khó khăn. Việc rèn luyện phương pháp thở bằng cơ hoành trong yoga sẽ giúp đáy phổi giãn nở để chứa nhiều không khí, bù đắp cho sự thiếu hụt oxy do hô hấp bằng ngực.
Ngoài ra, khi cơ ngực bị cắt bỏ cũng làm giảm sức mạnh của đôi tay, nhiều động tác trong yoga có tác dụng tăng cường sức mạnh của tay, giúp bệnh nhân ung thư vú có thể hoạt động cánh tay được bình thường.
Đối với bệnh nhân ung thư vú phải trải qua xạ trị, Yoga cũng có tác dụng lớn trong việc tăng cường sức khỏe.
Các nhà nghiên cứu Đại học Trung tâm ung thư Anderson MD Texas đã tiến hành nghiên cứu đối với nhóm bệnh nhân gồm 163 phụ nữ bị ung thư vú trải qua xạ trị, trong đó chia làm hai nhóm: Một nhóm đăng ký vào lớp học yoga khi bức xạ, với thời gian học là 3 buổi/tuần trong vòng 6 tuần, mỗi buổi kéo dài 01 tiếng. Nhóm còn lại không tham gia. Kết quả cho thấy, những phụ nữ trong nhóm yoga sức khỏe nói chung tốt hơn, ít mệt mỏi hơn và cải thiện được khả năng tham gia vào các hoạt hộng hàng ngày.
Một nghiên cứu khác đến từ Đại học Ohio State Unversity Comprhensive Cancer Center (Mỹ) cũng cho thấy tác dụng của việc luyện tập yoga đối với ung thư vú. Một nhóm bệnh nhân sống sót sau điều trị ung thư vú trong vòng 3 năm đã được chỉ định để tập yoga trong vòng 12 tuần, mỗi tuần 1-2 buổi. Sau 3 tháng, mức độ mệt mỏi trung bình của nhóm tập yoga đã thấp hơn 57% so với nhóm không tập, viêm trong cơ thể khi đo bằng xét nghiệm máu cũng giảm 20%.
Tác dụng của Yoga với bệnh nhân ung thư vú nói chung Yoga có tác dụng giúp bệnh nhân ung thư vú nói riêng và ung thư nói chung giảm thiểu mệt mỏi, kiểm soát căng thẳng.
Sau điều trị, bệnh nhân ung thư thường có nguy cơ suy sụp tâm lý rõ rệt và trầm cảm mãn tính, vỏ thường thận tiết nhiều chất cortisol gây rối loạn chức năng miễn dịch và sự tiến triển của ung thư. Banasik, J. và cộng sự đã công bố kết quả nghiên cứu trên Tạp chí Y học Mỹ ở các bệnh nhân ung thư vú gồm 18 người, chia làm 2 nhóm: Nhóm tập yoga 2 lần/tuần, mỗi lần 90 phút và nhóm tập các môn thể dục khác.
Theo kết quả, sau 8 tuần nhóm tập yoga có hàm lượng cortisol nước bọt buổi sáng thấp hơn và cảm xúc cũng như mệt mỏi đã được cải thiện đáng kể. Điều đó cho thấy, việc tập luyện yoga có tác dụng giúp trong việc cải thiện căng thẳng tâm lý ở bệnh nhân ung thư.
Yogo có tác dụng trong việc giúp cải thiện giấc ngủ cho bệnh nhân ung thư vú.
Trong một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Calgary công bố trên tạp chí "Ung thư-Psycho" năm 2005 cũng đã kết luận yoga giúp bệnh nhân ung thư vú ngủ ngon và sâu hơn sau 7 tuần tập luyện, do việc tập yoga đã kích thích tuyến tùng tăng bài tiết melatonin, nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Bệnh nhân có thể lựa chọn hình thức tự tập ở nhà hoặc tập với huấn luyện viên ở trung tâm thể dục nhưng cần lưu ý:
Hít thở: Cần thực hành các kỹ thuật thở để tâm trí tốt hơn và kiểm soát được cơ thể, các kỹ thuật đó bao gồm thở thông qua một lỗ mũi cùng một lúc và tập trung vào hơi thở cho đến khi oxy xâm nhập vào mũi và đầy phổi của bạn.
Tìm hiểu kỹ các tư thế: Mỗi buổi học sẽ được thiết kế các tư thế khác nhau, trong đó các tư thế khó sẽ được xen kẽ với các tư thế thư giãn. Bạn cần tập trung để tập đúng, chuẩn các động tác để đem lại hiệu quả cao nhất.
Hiểu rõ giới hạn của mình: Nhiều tư thế yoga rất khó, đòi hỏi cơ thể dẻo dai vì vậy bạn phải bắt đầu từ các bài tập cơ bản và rèn luyện dần qua từng ngày, điều hòa cơ thể với các động tác lúc tập để cơ bắp được vững chắc.
Cách tốt nhất, bạn nên luyện tập yoga cơ bản với các hướng dẫn viên đã có kinh nghiệm giảng dạy cho bệnh nhân ung thư vú và cần nói chuyện với họ về tình trạng của bạn trước khi bắt đầu. Bởi nhiều tư thế khó của yoga có thể dẫn đến nguy cơ phù bạch huyết ở những bệnh nhân đã cắt bỏ hạch bạch huyết hoặc nguy cơ gãy xương ở những người ung thư vú đã di căn vào xương. Huấn luyện viên có kinh nghiệm sẽ là người chỉ dẫn cho bạn đâu là tư thế an toàn.