Tác dụng của vitamin B12 là gì? Cách bổ sung vitamin B12 đúng cách

Tác dụng của vitamin B12 là gì? Cách bổ sung vitamin B12 đúng cách
Vitamin B12 là dưỡng chất thiết yếu của cơ thể. Cơ thể thiếu vitamin B12 có thể dẫn tới nhiều vấn đề sức khoẻ. Vậy cụ thể tác dụng của vitamin B12 là gì và cách dùng loại vitamin này ra sao?

Vitamin B12 đóng vai trò thiết yếu trong việc hình thành tế bào hồng cầu, chuyển hóa tế bào, chức năng thần kinh và sản xuất ADN. Vậy cụ thể tác dụng của vitamin B12 với sức khỏe con người là gì?

1. Vitamin B12 là gì?

Vitamin B12 hay còn được gọi là cobalamin, là một vitamin tan trong nước, rất quan trọng tới sự phát triển của cơ thể. Cần lưu ý, cơ thể có khả năng lưu trữ vitamin B12 trong vài năm nên bị thiếu hụt loại vitamin này là trường hợp rất hiếm gặp.

Vitamin B12 có nhiều trong những thực phẩm như thịt gia cầm, cá và các sản phẩm từ sữa. Ngoài ra, loại vitamin này cũng được thêm vào một số loại thực phẩm và có sẵn dưới dạng bổ sung đường uống.

Tác dụng của vitamin B12 là gì? Cách bổ sung vitamin B12 khoa học - Ảnh 1.

Vitamin B12 hay còn được gọi là cobalamin, là một vitamin tan trong nước - Ảnh Internet.

Đọc thêm: 

Thiếu vitamin B12 gây bệnh gì? Cách bổ sung vitamin B12 hiệu quả

Trẻ bị tiểu đường là do bà bầu thiếu vitamin B12?

2. Tác dụng của vitamin B12

2.1. Giảm nguy cơ mắc những bệnh về suy giảm trí nhớ

Tác dụng của vitamin B12 là giúp làm giảm nguy cơ mắc những bệnh lý về suy giảm trí nhớ. Nguyên nhân là vì vitamin B12 hỗ trợ khả năng tạo ra hemoglobin của cơ thể, cho phép vận chuyển oxy qua cơ thể trong dòng máu, có lợi cho hệ thần kinh, giúp duy trì myelin khỏe mạnh. Trong khi đó, myelin được biết đến là một chất béo hỗ trợ chức năng thần kinh. 

Với những đối tượng cao tuổi, vitamin B12 có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và chứng mất trí. Không những vậy, loại vitamin này cũng giúp nâng cao khả năng tập trung và suy nghĩ cho những người trẻ tuổi.

2.2. Duy trì sức khỏe tim mạch

Cùng với vitamin B6, vitamin B12 có tác dụng giúp làm giảm mức homocysteine cao, kiểm soát lượng cholesterol và cân bằng huyết áp. Từ đó, giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, tình trạng cao huyết áp, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

2.3. Ngăn ngừa khuyết tật bẩm sinh

Trên thực tế, vitamin B12 rất cần thiết cho những mẹ bầu. Để thai kỳ khỏe mạnh, các mẹ bầu cần tiêu thụ đủ hàm lượng vitamin B12.

Thiếu vitamin B12 trong giai đoạn đầu của thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, đặc biệt là dị tật ống thần kinh. Không những vậy, thiếu vitamin B12 từ người mẹ có thể góp phần dẫn tới  tình trạng sinh non hoặc sảy thai.

2.4. Tác dụng của vitamin B12 với da, tóc và móng tay

Vitamin B12 đóng vai trò lớn trong việc kiểm soát các tế bào sinh sản và phát triển, từ đó giúp cho làn da và mái tóc khỏe mạnh.

Thực tế cho thấy, nồng độ vitamin B12 thấp có thể gây ra các triệu chứng da liễu khác nhau như tăng sắc tố, đổi màu móng, thay đổi tóc, bạch biến và viêm miệng góc cạnh. Vì thế, bổ sung đầy đủ vitamin B12 cho cơ thể là vấn đề cần thiết.

Tác dụng của vitamin B12 là gì? Cách bổ sung vitamin B12 đúng cách - Ảnh 3.

Vitamin B12 có rất nhiều lợi ích đối với sức khoẻ - Ảnh Internet.

2.5. Giúp làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng

Thoái hóa điểm vàng là bệnh lý về mắt chủ yếu ảnh hưởng đến thị lực vùng trung tâm. Trong khi đó, duy trì mức vitamin B12 đầy đủ có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác.

Không những vậy, bổ sung vitamin B12 có thể làm giảm homocysteine, một loại axit amin có trong máu. Mà nồng độ homocysteine tăng có liên quan đến tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng liên quan đến vấn đề tuổi tác.

2.6. Hỗ trợ tiêu hóa

Vitamin B12 là loại vitamin có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất enzyme tiêu hóa, tham gia vào quá trình trao đổi chất và sự phân hủy của thực phẩm trong dạ dày. Vì vậy, đây là loại vitamin tốt cho những người bị viêm dạ dày, thiếu máu, loét dạ dày và rối loạn hệ miễn dịch.

2.7. Ngăn ngừa bệnh ung thư

Vitamin B12 có lợi cho hệ thống miễn dịch và đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tạo ra các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Từ đó, giúp ngăn ngừa bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tiền liệt hay ung thư đại tràng.

Mặc dù có nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe nhưng để phát huy hết tác dụng của vitamin B12, mọi người cần dùng vitamin B12 đúng cách.

3. Hướng dẫn bổ sung vitamin B12 đúng cách

Liều dùng vitamin B12 khuyến cáo là 2,4 microgram/ngày với những đối tượng từ 14 - 50 tuổi. Tuy nhiên, lượng cung cấp loại vitamin này cho cơ thể có thể tăng hơn tùy vào độ tuổi, giới tính, …

Cụ thể:

- Những người trên 50 tuổi là đối tượng dễ gặp phải tình trạng thiếu vitamin B12. Vì thế, người cao tuổi nên bổ sung vitamin này qua các nguồn khác nhau như thực phẩm, sản phẩm hỗ trợ.

- Phụ nữ mang thai: Các mẹ bầu cần đáp ứng nhu cầu Vitamin B12 nhiều hơn bình thường để đảm bảo sức khỏe cơ thể cũng như nuôi dưỡng thai nhi tốt nhất. Thiếu Vitamin B12 ở mẹ bầu có thể làm tăng nguy cơ sinh non, dị tật bẩm sinh hoặc tình trạng nhẹ cân ở trẻ sơ sinh. Liều bổ sung vitamin B12 khuyến nghị với nhóm đối tượng này là 2.6 microgram/ngày. Cần lưu ý, trong trường hợp chế độ ăn hàng ngày không đáp ứng được cần bổ sung thêm.

- Phụ nữ đang cho con bú: Mẹ đang cho con bú nên cung cấp 2.8 microgram Vitamin B12 mỗi ngày.

Tác dụng của vitamin B12 là gì? Cách bổ sung vitamin B12 đúng cách - Ảnh 4.

Mọi người có thể bổ sung vitamin B12 qua nguồn thực phẩm - Ảnh Internet.

- Người ăn chay: Những đối tượng ăn chay thường thiếu Vitamin B12 do không sử dụng thực phẩm giàu dinh dưỡng này. Do đó, để đáp ứng lượng Vitamin B12 khuyến nghị là 2.4 microgram mỗi ngày, ngoài chế độ ăn uống khoa học thì nên bổ sung tăng cường bằng đường uống trực tiếp hoặc thực phẩm chức năng bổ sung.

- Đối tượng bị suy dinh dưỡng: Những đối tượng này cần bổ sung 1mg Vitamin B12 mỗi ngày và duy trì liên tục trong 1 tháng đầu. Trong những tháng tiếp theo, chỉ cần duy trì liều 125 - 250 microgram vitamin B12.

Lưu ý, nếu bổ sung vitamin B12 theo đường uống, cần tham khảo ý kiến và dùng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. 

Trên đây là những thông tin về tác dụng của vitamin B12 đối với sức khỏe con người. Cần lưu ý, để không bị thiếu hụt vitamin B12, các bạn nên xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học. Ngoài ra, khi có những biểu hiện thiếu vitamin B12, cần đi thăm khám để được tư vấn và bổ sung kịp thời. Tốt nhất, khi có những băn khoăn về chế độ dinh dưỡng, nên tới gặp chuyên gia để được tư vấn chính xác nhất.


Tác giả: Ngọc Điệp