Tác dụng của nước sấu và cách làm nước sấu ngâm đường

Tác dụng của nước sấu và cách làm nước sấu ngâm đường
Quả sấu từ lâu đã quen thuộc với người dân Việt Nam, giống như quả bàng, sấu là một loại quả gắn liền với biết bao kỷ niệm tuổi thơ của nhiều đứa trẻ ở vùng quê. Món ăn được tạo ra từ sấu phổ biến nhất là nước sấu. Dưới đây là tác dụng của nước sấu và cách làm nước sấu ngâm đường.

1. Đặc điểm và thành phần của quả sấu

Quả sấu có tên tiếng Anh là dracontomelon, có hình tròn, đường kính từ 1,5 đến 2 cm. Khi chưa chín, quả sẽ có màu xanh và vị rất chua và hơi chát, khi chín quả ngả màu vàng và có vị chua ngọt và mùi thơm đặc trưng. 

 Theo Đông Y, quả sấu có tính mát, có thể giúp giảm ho, tiêu đờm, giảm nhiệt miệng, khô đau họng, ngứa cổ, nôn do thai nghén, nổi mẩn, sưng tấy, say rượu,..

Tác dụng của nước sấu và cách làm nước sấu ngâm đường - Ảnh 1.

Sấu có tính mát, khi chưa chín quả sẽ có màu xanh và vị rất chua và hơi chát (Nguồn: Internet)

Thành phần có chứa trong một quả sấu chín chiếm phần lớn là nước với 86%, axit hữu cơ là 1%, protit 1,3%, gluxit 8,2%, xenluloza 2,7%, canxi 100mg, phốt pho 44mg, sắt 3mg và vitamin C là 3mg.

Sấu thường xuất hiện trong bữa ăn hằng ngày, để nấu canh, làm thành nước giải khát, mứt hay nhiều món khác. Không chỉ tạo ra món ăn ngon, mà nó có rất nhiều tác dụng tốt với sức khỏe con người.

2. Nước sấu có tác dụng gì?

Tác dụng của nước sấu và cách làm nước sấu ngâm đường - Ảnh 2.

Nước sấu có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe con người (Nguồn: Internet)

2.1. Trị ốm nghén

Những bà bầu trong thời kỳ mang thai sẽ xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, ốm nghén. Tình trạng ốm nghén kéo dài sẽ gây ra mệt mỏi, khó chịu. Để hạn chế các tình trạng do ốm nghén gây ra, các bà bầu có thể sử dụng các món ăn được làm từ quả sấu như canh nước sấu hay sấu ngâm đường để uống.

Với vị chua sẵn có của quả sấu sẽ giúp bà bầu giảm cơn nghén đáng kể và quên đi các cơn nghén. Do đó, tâm trạng sẽ cảm thấy thoải mái hơn, sức khoẻ cũng được cải thiện, không bị mệt mỏi. Mặc dù có tác dụng tốt như vậy, chị em cũng không nên lạm dụng uống quá nhiều, sẽ gây ra tình trạng tăng huyết áp hoặc gây tiểu đường.

Đọc thêm:

 - Ăn thanh long có tác dụng gì? Ăn nhiều thanh long có sao không?

Tác dụng của tỏi ngâm giấm và những lưu ý cần biết về sức khỏe 

2.2. Trị lở miệng, nhiệt miệng, thanh lọc cơ thể

Ngoài tác dụng giảm cơn ốm nghén , nước sấu ngâm còn có tác dụng trị nhiệt miệng và thanh lọc cơ thể do có vị chua, tính mát. Đặc biệt là vào mùa hè nóng bức, với một cốc nước sấu ngâm đường không chỉ giúp bạn có thể giải khát mà còn giúp thanh lọc cơ thể. Khi cơ thể được thanh lọc sẽ trị nhiệt miệng, lở miệng,...

Nước canh rau muống, rau dền với sấu là món ăn khoái khẩu vào những ngày hè nóng nực, có vị thơm, chua dịu mát có tác dụng thanh nhiệt và kích thích tiêu hoá. Ngoài ra, sấu có thể được nấu với thịt băm, thịt bò, cá vừa giải độc lại giảm nóng rất hiệu quả.

2.3. Hỗ trợ giảm cân hiệu quả

Nhiều câu hỏi được đặt ra là " khi ngâm sấu với đường liệu có gây ra tăng cân không?". Do trong nước sấu ngâm có chứa rất nhiều đường, mà đường lại là tác nhân gây tăng cân, béo phì. Giải đáp thắc mắc này, các chuyên gia dinh dưỡng đã trả lời rằng nước sấu ngâm không gây tăng cân mà ngược lại có thể hỗ trợ giảm cân.

Thành phần của quả sấu có chứa các axit hữu cơ, khi ăn có vị chua sẽ tác động đến hệ tiêu hoá, giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn, thúc đẩy sự trao đổi chất. Canxi hấp thụ từ thức ăn và lượng canxi có trong quả sấu được lưu trữ trong tế bào, giúp đốt cháy và tiêu huỷ các chất béo. Điều này sẽ hỗ trợ bạn trong việc giảm cân, làm giảm thiểu hàm lượng mỡ thừa tích trữ bên trong cơ thể con người. Từ đó, giúp cho chị em có một vóc dáng đáng mơ ước, không gây tăng cân hay lộ bụng mỡ.

2.4. Tăng cường hệ tiêu hoá

Sấu khi được hấp với đường dùng làm nước để uống trong ngày hoặc dùng sấu tươi để nấu với canh chua ăn hằng ngày giúp tăng cường khả năng tiêu hoá.

2.5. Chữa cơn say rượu

Bạn nên dùng sấu khô để ngâm với đường và dùng khi say rượu. Hoặc cũng có thể ngâm chung với gừng để tăng hiệu quả hơn.

2.6. Giúp trị ho

Sấu ngâm đường thường được dùng để điều trị ho. Để tăng hiệu quả và công dụng của nó, bạn nên sử dụng vào buổi sáng và trước khi đi ngủ. Nên dùng 2 lần/ ngày để giảm thiểu và ngăn chặn các cơn ho.

3. Cách làm nước sấu ngâm đường

- Nguyên liệu cần chuẩn bị:

1kg sấu tươi: Bạn nên chọn những quả sấu có độ già vừa phải, không bị sâu, thối hay dập nát.

1kg đường: Có nhiều loại đường khác nhau, bạn có thể tuỳ ý chọn loại ưa thích, nhưng để có màu và mùi thơm hơn, bạn nên chọn đường vàng.

Từ 2 đến 3 củ gừng: Gừng cũng nên chọn những củ tươi và có độ già vừa phải, không nên dùng gừng quá non sẽ làm giảm đi mùi vị của nước.

Chuẩn bị 1 hộp để đựng hỗn hợp: Nên chọn bình thuỷ tinh và cần phải làm sạch, để khô trước khi sử dụng.

- Sơ chế:

Làm sạch các nguyên liệu. Sử dụng dao cạo hết vỏ sấu tránh bị chát và cho vào 1 chậu nước muối pha loãng để ngâm tránh bị thâm. Sau đó đi rửa sạch và khía các cạnh để đường được thẩm nhanh và đều các mặt. Tiếp tục đem đi rửa sạch và có thể trần qua nước sôi để lưu trữ được lâu hơn, sau đó vớt ra để ráo nước.

Gừng cũng được rửa sạch và đem đập dập hoặc thái lát.

- Cách chế biến:

Cho sấu vào trong lọ một cách từ từ. Cứ một lớp sấu sẽ kèm theo một lớp đường, tiếp tục làm cho đến khi hết.

Sau đó đóng chặt nắp để trong tầm một ngày cho đường thấm một phần vào quả. Rồi mở ra chắt lấy nước đem đun sôi cùng với số gừng đã chuẩn bị trước đó và một chút muối để cân bằng vị. Cuối cùng, đậy chặt nắp, tránh để oxy lọt vào sẽ gây sủi bọt. Để sau một thời gian và có thể đem ra sử dụng.

Tác dụng của nước sấu và cách làm nước sấu ngâm đường - Ảnh 3.

Ssau khi ngâm xong, có thể mang ra pha với nước để uống giúp giải nhiệt cơ thể (Nguồn: Internet)

4. Một số lưu ý khi sử dụng nước sấu

Mặc dù nước sấu có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người, tuy nhiên cần phải lưu ý một số trường hợp không nên dùng nước sấu và dùng một một liều lượng nhất định:

- Trong nước sấu có chứa một loại axit tốt cho tiêu hoá, tuy nhiên đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi, hệ tiêu hoá rất yếu và nhạy cảm, loại axit từ quả sấu có thể gây ra các ảnh hưởng không tốt đối với trẻ em.

- Có nhiều người có quan điểm chưa đúng, có suy nghĩ sai là với những tác dụng mà quả sấu mang lại thì càng sử dụng nhiều càng có lợi nhiều. Nên đã dùng vượt mức cho phép, thay nước sấu để sử dụng như nước uống hằng ngày. Điều đó sẽ gây ra nguy hiểm hoặc có hại cho sức khỏe. Với lượng đường trong nước sấu khi sử dụng quá nhiều làm tăng đường trong máu. 

Tuỵ cần phải hoạt động nhiều hơn để giải phóng insulin điều chỉnh đường huyết. Điều đó có thể dẫn đến việc suy giảm chức năng của tuỵ, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, huyết áp. Và với lượng axit cao từ quả sấu khi vào cơ thể quá nhiều cũng dễ gây ra bệnh liên quan đến dạ dày.

Nước sấu mang lại rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe của con người. Cần sử dụng một lượng vừa đủ để đảm bảo sức khoẻ và không nên sử dụng quá nhiều. Ngoài việc sử dụng quả sấu để làm nước sấu thì các bộ phận khác của cây sấu cũng mang lợi nhiều lợi ích như dùng lá sấu giã nát đắp lên mụn để trị mụn nhọt, ngứa lở, hoa sấu hấp cùng mật ong để chữa ho hiệu quả ở trẻ em.

https://suckhoehangngay.vn/tac-dung-cua-nuoc-sau-va-cach-lam-nuoc-sau-ngam-duong-20220122153903529.htm
Tác giả: Phạm Trang