Tác dụng của cây dong riềng đỏ với sức khỏe

Tác dụng của cây dong riềng đỏ với sức khỏe
Cây dong riềng đỏ là loại cây phổ biến ở Việt Nam, có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh lý tim mạch...

Cây dong riềng đỏ (Canna edulis) là một loại cây thân thảo lâu năm có giá trị dinh dưỡng và dược liệu.

1. Cây dong riềng đỏ là cây gì?

Cây dong riềng đỏ có tên khoa học là Canna edulis - Kur thuộc họ Cannaceae, có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Ở nước ta, cây dong riềng được trồng nhiều ở miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Bắc Kạn, Sơn La. 

Cây Dong riềng đỏ tiếng Nùng Cao Bằng gọi đó là cây Slim khỏn, người Nùng Văn quan Lạng sơn gọi là cây Slim tàu tẳng.

Về đặc điểm hình dạng, dong riềng đỏ cao khoảng từ 1- 1.5m, có thân và củ màu đỏ tía, lá đơn, chóp nhọn có màu xanh đậm, hoa nở thành chùm màu đỏ.

Tác dụng của cây dong riềng đỏ với sức khỏe- Ảnh 1.

Cây dong riềng đỏ có nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người.

Đọc thêm:

- Loại cây mọc dại khắp nơi gây ngứa, nổi ban đỏ khi tiếp xúc nhưng lại là vị thuốc quý

15 bài thuốc từ cây kinh giới

2. Tác dụng của cây dong riềng đỏ đối với sức khỏe

Được sử dụng trong cả ẩm thực và y học, cây dong riềng đỏ chứa nhiều dưỡng chất quan trọng như tinh bột kháng, chất xơ và các hợp chất chống oxy hóa.

2.1. Vai trò của tinh bột kháng trong cây dong riềng đỏ

Củ dong riềng đỏ là một trong những bộ phận có lợi ích nổi bật của cây dong riềng đỏ ví củ dong riềng đỏ có chứa hàm lượng cao tinh bột kháng (resistant starch - RS), đặc biệt là RS loại 3.

Tinh bột kháng là một dạng tinh bột không bị phân giải trong ruột non mà đi thẳng đến ruột già, nơi nó được lên men bởi vi khuẩn đường ruột. Quá trình lên men này tạo ra các axit béo chuỗi ngắn (SCFAs) như axit propionic và axit butyric, có lợi cho sức khỏe đường ruột.

Nghiên cứu chỉ ra rằng tinh bột kháng từ dong riềng đỏ không chỉ cải thiện hệ vi sinh đường ruột mà còn giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh như Escherichia-Shigella.

Loại tinh bột này thúc đẩy sự phát triển của Bifidobacterium, một loại vi khuẩn có lợi cho sức khỏe. Điều này làm giảm nguy cơ mắc các bệnh đường ruột như viêm đại tràng, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch tổng thể của cơ thể.

Tinh bột kháng từ củ dong riềng đỏ cũng được chứng minh là có khả năng điều hòa lượng đường trong máu, từ đó giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường type 2. Khi tinh bột kháng không bị tiêu hóa ngay lập tức, nó giúp giảm sự gia tăng đột ngột của đường huyết sau bữa ăn.

Ngoài ra, tinh bột này còn có khả năng cải thiện độ nhạy insulin, giúp cơ thể xử lý đường hiệu quả hơn. Không chỉ dừng lại ở đó, tinh bột kháng còn hỗ trợ giảm cân thông qua việc tạo cảm giác no lâu hơn, từ đó giúp giảm lượng calo tiêu thụ hàng ngày. Điều này rất có lợi cho những người muốn kiểm soát cân nặng hoặc đang điều trị béo phì.

Các nghiên cứu hiện đại cũng chỉ ra rằng tinh bột kháng từ dong riềng đỏ có thể giúp cải thiện tình trạng rối loạn lipid máu và bảo vệ gan khỏi sự tích tụ mỡ, đặc biệt là trong các trường hợp bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Một trong những ứng dụng mới mẻ và tiềm năng của dong riềng đỏ là trong điều trị đái tháo đường. Nghiên cứu chỉ ra rằng tinh bột kháng từ cây dong riềng đỏ khi kết hợp với metformin, một loại thuốc điều trị đái tháo đường, có thể tạo ra hiệu quả tốt hơn trong việc cải thiện sức khỏe đường ruột và điều chỉnh quá trình trao đổi chất.

Điều này cho thấy tiềm năng của dong riềng đỏ trong các liệu pháp điều trị bệnh đái tháo đường thông qua việc kết hợp dinh dưỡng và thuốc.

Tác dụng của cây dong riềng đỏ với sức khỏe- Ảnh 2.

2.2. Các hợp chất chống oxy hóa trong củ dong riềng đỏ

Các nghiên cứu về củ dong riềng đỏ cũng chỉ ra rằng nó chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa như flavonoid và polyphenol, giúp ngăn chặn sự hình thành các gốc tự do trong cơ thể. Những gốc tự do này là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh mạn tính, bao gồm ung thư, tim mạch và lão hóa.

Ngoài ra, các hợp chất kháng viêm có trong cây dong riềng đỏ có thể giúp giảm viêm nhiễm trong cơ thể, đặc biệt là các vấn đề viêm mạn tính liên quan đến tiêu hóa, như viêm loét dạ dày.

Một số nghiên cứu cho thấy dong riềng đỏ có thể giảm chỉ số loét và ngăn ngừa tổn thương dạ dày do rượu gây ra.

Theo Y học cổ truyền và những nghiên cứu hiện đại cho thấy, cây dong riềng đỏ được sử dụng như một loại thuốc hỗ trợ điều trị các bệnh về tim mạch. Điều này chủ yếu nhờ vào khả năng cải thiện sự tuần hoàn máu và giảm cholesterol xấu (LDL) trong máu. Nhờ đó, cây dong riềng đỏ có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tăng huyết áp.

Tác dụng của cây dong riềng đỏ với sức khỏe - Ảnh 4.

Củ dong riềng đỏ hỗ trợ điều trị bệnh lý tim mạch.

Không chỉ là một loại dược liệu quý giá, cây dong riềng đỏ còn là một nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng với hàm lượng tinh bột cao (từ 70 - 80%). Ở nhiều nước, củ của dong riềng đỏ được sử dụng để chế biến thành các món ăn như bánh, súp, hoặc thậm chí là thức uống.

Với khả năng sinh trưởng mạnh mẽ và không cần điều kiện canh tác khắt khe, cây dong riềng đỏ còn được trồng rộng rãi trong nông nghiệp, đặc biệt là ở những khu vực có điều kiện khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Điều này làm cho cây dong riềng đỏ trở thành một nguồn lương thực tiềm năng, đồng thời giúp nâng cao thu nhập cho nông dân tại các nước đang phát triển.

Tóm lại: Cây dong riềng đỏ là một loại cây đa năng với nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người. Từ việc hỗ trợ tiêu hóa, kiểm soát đường huyết, giảm cân, đến các tác dụng chống oxy hóa và kháng viêm, cây dong riềng đỏ đang thu hút sự chú ý từ giới khoa học nhờ những giá trị về dinh dưỡng và dược liệu của nó.

Nghiên cứu sâu hơn về dong riềng đỏ hứa hẹn sẽ mang lại nhiều ứng dụng mới mẻ trong y học hiện đại, đặc biệt là trong điều trị các bệnh mạn tính như đái tháo đường và tim mạch.

Với tiềm năng to lớn này, cây dong riềng đỏ có thể trở thành một loại thực phẩm chức năng quan trọng, góp phần cải thiện sức khỏe con người trong tương lai gần.

3. Món ăn bài thuốc hỗ trợ chữa suy tim có dong riềng đỏ

Dong riềng đỏ hỗ trợ chữa suy tim, hạ huyết áp, điều hòa nhịp tim... Vì vậy ở những bệnh nhân có nhịp tim chậm do suy tim hoặc không rõ nguyên nhân có thể sử dụng vị thuốc dong riềng đỏ hầm cùng tim lợn.

- Có thể dùng 30-50g dong riềng đỏ tươi cả lá cây, thân cây hoặc củ dong riềng đỏ cùng với 1 nửa quả tim lợn để nấu. Hầm đến khi nhừ là có thể ăn được. Nên uống nước hoặc ăn cả cái 3 lần/tuần để thấy được hiệu quả.

- Với những bệnh nhân bị gout hoặc mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ có thể ăn 1 bữa 1 tuần để tránh tăng nặng tình trạng bệnh lý khác.

4. Những lưu ý khi dùng dong riềng đỏ

Trong dong riềng đỏ có tanin dễ gây táo bón cho một số người nhạy cảm khi ăn khoai riềng. 

 Phụ nữ mang thai, cho con bú, và những người có tình trạng sức khỏe đặc biệt cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

BSNT Phan Bích Hằng

Khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Y Hà Nội


Tác giả: SK