Suýt mất mạng vì bỏ thuốc bác sĩ kê, mua thuốc trên Facebook trị tiểu đường, tăng huyết áp

Suýt mất mạng vì bỏ thuốc bác sĩ kê, mua thuốc trên Facebook trị tiểu đường, tăng huyết áp
Nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp kèm theo tiểu đường tuyp 2 nhưng đã không tuân thủ điều trị dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

1. Bỏ thuốc bác sĩ, mua thuốc trên Facebook để điều trị

Bà Trần Thị S. sinh năm 1959 trú Thanh Xuân, Hà Nội được bác sĩ chẩn đoán huyết áp cao kèm theo tiểu đường type 2 được 3 năm nay. Bà S. vẫn thường xuyên vào bệnh viện để khám và theo dõi kèm theo thuốc bác sĩ kê nên đường huyết được kiểm soát khá tốt.

Gần đây, bà S thấy trên facebook có rao bán thuốc trị tiểu đường type 2. Vì e dè thuốc tây y ảnh hưởng tới dạ dày nên bà S đã mua viên thuốc hoàn về uống.

Một tháng sau, bà bị hôn mê phải nhập viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết bà S. bị tăng đường huyết đột ngột.

Nguy kịch hơn trường hợp của bà S, trường hợp ông Vũ Văn M. Thuận Thành, Bắc Ninh bị tăng huyết áp nhưng bỏ không uống thuốc và hàng ngày ông chỉ uống nước "thanh nhiệt, hạ huyết áp" được quảng cáo trên mạng.

Mấy ngày gần đây ông cảm thấy mệt mỏi, hay chóng mặt. Ông M đến bệnh viện khám và ông đi các khoa phòng kiểm tra sau đó bất ngờ ngã quỵ ở bệnh viện rơi vào hôn mê. Bác sĩ cho biết ông bị bóc tách động mạch chủ do biến chứng của tăng huyết áp. Để cứu sống được, bác sĩ đã phải đặt stent chi phí lên tới hơn 300 triệu đồng.

Bác sĩ Vũ Duy Minh - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hàng ngày BV tiếp nhận và xử trí cấp cứu cho hàng trăm người bệnh, trong đó có không ít các trường hợp đến cấp cứu vì những biến chứng của bệnh tăng huyết áp và tiểu đường.

Trường của ông Nguyễn Xuân L., sinh năm 1945, cán bộ hưu trú Hà Nội được bác sĩ chẩn đoán đá tiểu đường và tăng huyết áp 2 năm nay, đã dùng thuốc theo đơn của bác sĩ được hơn 1 năm nay, bệnh ổn định. Gần đây khi có người thân mách bác chuyển sang dùng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc.

Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Sau 1 tuần sử dụng Nguyễn Xuân L. phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng: khó thở vừa, da xanh tái, phù 2 chân, huyết áp tăng cao 220/120 mmHg, đường huyết 9,7mmol/L (không quá cao), tổn thương gan, thận nặng (sGOT: 663U/L; sGPT: 427U/L; Bilirubin TP: 50µmol/L; Ure: 18mmol/L; Creatinin: 224µmol/L). Người bệnh được thở oxy hỗ trợ, hạ huyết áp và điều trị tổn thương gan thận do thuốc Đông y…

Chuyên gia khuyến cáo, việc tăng huyết áp đột ngột có thể cướp đi tính mạng của người bệnh hoặc để lại những di chứng vô cùng nặng nề như liệt nửa người, liệt toàn thân, bại não, biến chứng tâm lý, tâm thần...

2. Không phải cái gì cũng được gọi là thuốc

Bác sĩ Minh cho biết, với các bệnh nhân nhập viện khi khai thác kỹ quá trình dùng thuốc của bệnh nhân đó là: Nhiều người đã không dùng thuốc theo đơn của Bác sĩ để điều trị bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp mà dùng thuốc lá sắc uống hoặc các loại thuốc viên tán.

Theo mô tả từ người thân cho biết người bệnh tin vào lời quảng cáo trên mạng, hoặc do truyền miệng tự ý dùng các loại thuốc lá tự sắc lấy nước uống hàng ngày hoặc thuốc viên hoàn tán không rõ thành phần.

Ảnh 3.

Bệnh nhân tăng huyết áp phải tuân thủ điều trị của bác sĩ

Bác sĩ Minh nhấn mạnh, với những quảng cáo trên mạng xã hội với nhan đề điều trị đái tháo đường, tăng huyết áp không dùng thuốc và đa số trong số đó chưa được kiểm chứng lâm sàng hoặc thực nghiệm tại phòng thí nghiệm. Chủ yếu là các đánh giá chủ quan và dựa vào kinh nghiệm trước đó. Thuốc đó không được cho phép của cơ quan chức năng.

Theo quy trình thông thường để có 1 loại thuốc mới lưu hành trên thị trường, cần trải qua 7 bước như sau:

Bước 1: Nghiên cứu – tìm ra cách tiếp cận mới cho 1 loại bệnh lý.

Bước 2: Khám phá – phát triển.

Bước 4: Thử nghiệm lâm sàng. Đây là giai đoạn thử nghiệm trên người và phải tuân theo các quy định chặt chẽ của hội đồng y khoa, hội đồng đạo đức y khoa cũng như các quy định của pháp luật.

Bước 5: Cấp phép theo quy định.

Bước 6: Cung cấp, sản xuất theo chuẩn.

Bước 7: Giám sát.

Do vậy để có được 1 loại thuốc mới điều trị cho con người đều phải trải qua quá trình nghiêm ngặt chứ không phải các loại thuốc rao bán với những lời có cánh như trên mạng xã hội đang rầm rộ hiện nay.

Hơn nữa bệnh nhân bị tăng huyết áp, đái tháo đường phải điều trị lâu dài và khi đã ổn định huyết áp thì vẫn phải sử dụng thuốc thường xuyên.

Bác sĩ Minh cho biết khi được chẩn đoán bệnh gì đó, người bệnh và người thân khi dùng bất kỳ loại thuốc nào vào cơ thể hãy tìm hiểu thật cụ thể và tỉ mỉ trước khi sử dụng và nguyên tắc tuyệt đối là tuân thủ điều trị của bác sĩ dù là điều trị ngoại trú.

Tác giả: KP