Sưng viêm tuyến nước bọt, có mủ trong miệng do đâu?

Sưng viêm tuyến nước bọt, có mủ trong miệng do đâu?
Đau tuyến nước bọt hay sưng viêm tuyến nước bọt có thể gây ra đau đớn và khó chịu, cản trở việc ăn uống hay thở. Viêm tuyến nước bọt không được điều trị có thể dẫn tới áp xe, phì đại tuyến nước bọt, thậm chí là tắc nghẽn đường thở do sưng cổ nghiêm trọng.

Trước khi tìm hiểu nguyên nhân gây sưng viêm tuyến nước bọt là gì hay triệu chứng viêm tuyến nước bọt có gì đặc trưng thì bạn cần nắm được vị trí tuyến nước bọt ở đâu.

1. Tuyến nước bọt là gì?

Trong cơ thể, nước bọt là một hỗn hợp các chất nhầy, hỗn dịch có chứa các enzyme như enzyme ptyalin, enzyme lysozyme có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và bảo vệ vùng miệng khỏi nguy cơ bị viêm nhiễm. Xét về cấu tạo thì tuyến nước bọt bao gồm: Nang tuyến nước bọt và ống tuyến nước bọt.

Công dụng của tuyến nước bọt có thể kể đến như: Hỗ trợ quá trình tiêu hóa bằng cách làm ướt/mềm thức ăn khi tiêu thụ, thủy phân tinh bột; trung hòa axit và tạo pH kiềm, tái khoáng men răng, ức chế hoạt tính của virus bệnh quai bị, hỗ trợ quá trình cầm máu khi khoang miệng bị tổn thương; giúp khoang miệng luôn ẩm ướt và không bị khô;...

Sưng viêm tuyến nước bọt, có mủ trong miệng do đâu? - Ảnh 2.

Tuyến nước bọt nằm ở đâu? Ảnh: ST

Đọc thêm:

+ Sỏi tuyến nước bọt dưới lưỡi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

+ Hiện tượng nuốt nước bọt thấy vướng ở cổ họng là dấu hiệu mắc bệnh gì?

Tuyến nước bọt ở đâu?

Xét về phân loại thì tuyến nước bọt được chia thành 3 loại là tuyến nước bọt mang tai, tuyến nước bọt dưới hàm và tuyến nước bọt dưới lưỡi. Bên cạnh 3 loại này thì cơ thể có các tuyến nước bọt phụ khác nằm rải rác ở niêm mạc miệng, các tuyến nước bọt phụ tập trung nhiều ở môi dưới, hai bên lưỡi và ở dưới lưỡi.

Cụ thể:

- Tuyến nước bọt mang tai: Đây là tuyến nước bọt có kích thước lớn nhất trong số tuyến nước bọt, sản xuất khoảng 1/4 tổng lượng nước bọt hàng ngày. Tuyến này nằm ở góc hàm và kéo dài lên ngang xương má ngay phía trước tai.

- Tuyến nước bọt dưới hàm: Tuyến này là tuyến nước bọt lớn thứ hai, đóng góp khoảng 60 - 67% thể tích nước bọt khi không bị kích thích. Khi được kích thích khả năng tiết nước bọt của tuyến nước bọt hàm dưới giảm xuống và gia tăng khả năng tiết nước bọt của tuyến mang tai lên đến 50%.

- Tuyến nước bọt dưới lưỡi: Đây là tuyến nước bọt hỗn hợp, tuyến này bao gồm rất nhiều các tuyến nước bọt nhỏ nằm ở vị trí dưới lưỡi khu vực khoang miệng. Tuyến này có chức năng tiết dịch chứa ptyalin có tác dụng hỗ trợ phân giải tinh bột thành đường thực phẩm.

2. Sưng viêm tuyến nước bọt do đâu?

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra viêm tuyến nước bọt. Triệu chứng viêm tuyến nước bọt có thể kể đến như: Sốt và ớn lạnh; đau và sưng xung quanh vùng tuyến nước bọt bị ảnh hưởng; có mủ trong miệng; miệng có vị khó chịu; cảm giác khó khăn khi nhai, nuốt hoặc nói chuyện. Ban đầu có những biểu hiện giống như bệnh quai bị cho nên không ít người nhầm lẫn. Tùy từng tình trạng và mức độ viêm mà các triệu chứng viêm tuyến nước bọt có thể sẽ có sự khác biệt.

Một số hình ảnh tuyến nước bọt bị viêm (Ảnh: ST)

Theo Medical News Today, dưới đây là một số nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt mà bạn có thể tham khảo. Lưu ý rằng những thông tin liên quan tới vấn đề sưng viêm tuyến nước bọt do đâu không sử dụng để thay thế cho chẩn đoán của bác sĩ ở bệnh viện.

- Vi khuẩn hoặc virus

Tuyến nước bọt bị viêm, sưng có thể do nhiễm vi khuẩn hoặc virus, trong đó Staphylococcus aureus hay còn gọi là khuẩn tụ cầu vàng là nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt phổ biến nhất.

Ngoài vi khuẩn tụ cầu vàng thì các loại vi khuẩn và virus khác có thể xâm nhập vào tuyến nước bọt và gây viêm bao gồm: Liên cầu khuẩn, vi khuẩn Coliform, virus quai bị, HIV, virus coxsackie, virus Parainfluenza churgn 1 và 2, virus herpes, virus cúm A, virus Epstein-Barr.

Nhiễm trùng do vi khuẩn thường gây sưng tuyến nước bọt một bên. Các triệu chứng khác như sốt và đau sẽ đi kèm với tình trạng sưng. Tùy thuộc vào loại vi khuẩn hay virus gây bệnh là gì mà việc điều trị dứt điểm bệnh sẽ giúp loại bỏ tình trạng đau viêm tuyến nước bọt.

- Sỏi tuyến nước bọt

Sỏi tuyến nước bọt là nguyên nhân phổ biến khiến tuyến nước bọt bị sưng. Đây là hiện tượng tích tụ và lắng đọng các thành phần vô cơ cùng hữu cơ ở trong tuyến nước bọt hay trong các ống dẫn tuyến nước bọt thành các tinh thể cứng (gọi là sỏi) dẫn tới sự tắc nghẽn dòng chảy bình thường của nước bọt.

Sưng viêm tuyến nước bọt, có mủ trong miệng do đâu? - Ảnh 4.

Sỏi tuyến nước bọt là nguyên nhân phổ biến khiến tuyến nước bọt bị sưng (Ảnh: ST)

Sỏi tuyến nước bọt có thể gặp cả ở tuyến nước bọt mang tai, dưới hàm và dưới lưỡi nhưng chủ yếu là sỏi tuyến nước bọt dưới hàm. Dấu hiệu sỏi tuyến nước bọt bao gồm: Khô miệng, đau ở mặt/miệng, khó khăn khi nuốt thức ăn hoặc khi nói chuyện, sưng ở mặt hoặc cổ. Trong đó, cơn đau thường nặng hơn sau khi ăn do nước bọt bị kích thích tiết ra nhiều hơn, sau đó vài giờ thì cơn đau giảm dần.

Điều trị sỏi tuyến nước bọt có thể dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh chống tụ cầu hoặc các biện pháp hỗ trợ chữa sỏi tuyến nước bọt như kích thích tiết nước bọt bằng cách ngậm chanh, massage nặn sỏi, phẫu thuật với sỏi tuyến nước bọt kích thích lớn.

Một số tình trạng cũng có thể gây tắc nghẽn tuyến nước bọt, góp phần gây viêm tuyến nước bọt như: Xoắn tuyến nước bọt, u tuyến nước bọt ác tính, khối u warthin lành tính,...

- Hội chứng Sjögren

Đây là một bệnh tự miễn mãn tính trong đó các tế bào của hệ thống miễn dịch của một người tấn công tuyến nước bọt và các tuyến tạo độ ẩm khác, dẫn đến khô miệng và mắt. Khoảng một nửa số người mắc hội chứng Sjögren cũng bị phì đại tuyến nước bọt ở cả hai bên miệng và thường không đau.

Ngoài các nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt kể trên thì có một vài yếu tố nguy cơ có thể làm tăng rủi ro viêm tuyến nước bọt như:

+ Người lớn tuổi.

+ Người đang phục hồi sau phẫu thuật.

+ Người xạ trị ở miệng.

+ Người bị suy thận.

+ Người bị khô miệng, mất nước, hoặc các tình trạng dẫn tới tình trạng này như thở bằng miệng khi ngủ, tưa miệng, tiểu đường.

+ Người bị suy dinh dưỡng, có hệ miễn dịch suy yếu.

+ Người đang dùng một số loại thuốc có thể gây giảm tiết dịch tiết hoặc mất nước như thuốc kháng hisamin hay thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần.

+ Người bị chứng rối loạn ăn uống, chẳng hạn như cuồng ăn hoặc chán ăn.

Sưng viêm tuyến nước bọt, có mủ trong miệng do đâu? - Ảnh 5.

Bất kỳ ai bị sưng đau tuyến nước bọt đều nên thăm khám bác sĩ (Ảnh: ST)

Viêm tuyến nước bọt kéo dài bao lâu? Viêm tuyến nước bọt có thể kéo dài khoảng 1 tuần, trong khi tình trạng sưng nhẹ ở tuyến nước bọt có thể kéo dài lâu hơn. Bất kỳ ai bị sưng đau tuyến nước bọt đều nên thăm khám bác sĩ. Đặc biệt là khi tình trạng đau đớn trở nên nghiêm trọng hơn, cản trở ăn uống hay thở, các biện pháp khắc phục viêm tuyến nước bọt tại nhà như vệ sinh răng miệng sạch sẽ, uống nước, chườm ấm, ăn kẹo cứng để tăng lượng nước bọt không giúp giảm nhẹ tình trạng viêm.

Nếu nghi ngờ tuyến nước bọt bị viêm do khối u, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện sinh thiết để kiểm tra cùng một số chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp CT, chụp MRI, nội soi tuyến nước bọt,...

Nguồn dịch tham khảo:

1. What to know about a salivary gland infection

2. Salivary Gland Infection (Sialadenitis)

3. Salivary Gland Problems


Tác giả: Allen