Sưng hậu môn là bệnh gì và cách khắc phục

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Sưng hậu môn là bệnh gì và cách khắc phục
Sưng hậu môn thường không phải là 1 bệnh, mà nó là dấu hiệu cảnh báo 1 căn bệnh nguy hiểm khác, chẳng hạn như bệnh trĩ. Sưng hậu môn do bệnh trĩ gây rất nhiều phiền toái cho bệnh nhân. Vậy có cách khắc phục vấn đề này không?

1. Tại sao bệnh trĩ lại gây sưng hậu môn?

- Trĩ chính là tình trạng các tĩnh mạch ở vùng hậu môn bị sưng phồng lên. Do đó không khó hiểu khi dấu hiệu sưng hậu môn luôn song hành cùng với quá trình hình thành búi trĩ, đặc biệt là trĩ ngoại. Tĩnh mạch nằm sát da, nên khi nó sưng lên sẽ đẩy vùng hậu môn gồ lên, cảm nhận như hậu môn bị sưng. 

- Trĩ và táo bón thường song hành cùng với nhau. Khi bị táo bón, bệnh nhân thường phải dùng nhiều lực để rặn. Vô tình đặt nhiều áp lực lên các tĩnh mạch, khiến chúng bị xung huyết và sưng lên. Trong trường hợp này, dấu hiệu sưng hậu môn sẽ mất đi sau khi đi đại tiện xong.

- Dịch tiết từ búi trĩ khiến cho hậu môn luôn ẩm ướt, dễ bị vi khuẩn tấn công, là nguyên nhân khiến hậu môn viêm nhiễm, lở loét, sưng tấy. Trong trường hợp này, sưng hậu môn thường đi kèm cảm giác ngứa rát, khó chịu.

Bạn có thể dùng tay để kiểm tra dấu hiệu sưng hậu môn do bệnh trĩ. Vùng sưng thường mềm, dùng ngón tay ấn sẽ bị xẹp xuống. Nếu vùng sưng hậu môn có nhiều khác lạ, bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra chính xác nguyên nhân gây sưng hậu môn.

Ngoài bệnh trĩ, gây sưng hậu môn có thể là áp xe hậu môn, nứt hậu môn, hoặc do xuất hiện các u lành hoặc ác tính trong ống hậu môn.

2. Cách khắc phục triệu chứng sưng hậu môn do bệnh trĩ

- Ngâm hậu môn trong nước ấm có tác dụng tăng cường lưu thông máu, giảm sưng tĩnh mạch, từ đó giảm sưng hậu môn. Việc ngâm nước ấm còn giúp vùng hậu môn sạch sẽ hơn, tránh bị viêm nhiễm, sưng tấy. Để tăng hiệu quả kháng viêm, bạn có thể pha thêm vài hạt muối trắng vào nước ngâm. Mỗi lần nên ngâm 15 phút, sau đó lau khô hậu môn bằng khăn mềm.

- Trong trường hợp hậu môn sưng to, gây đau đớn và khó chịu, bạn có thể giảm sưng cấp tốc bằng cách chườm lạnh. Hãy lấy vài cục đá bọc vào trong chiếc khăn sạch, sau đó ngồi lên. Chườm cho đến khi cảm thấy triệu chứng sưng đau đã hạ bớt, bệnh nhân đã cảm thấy dễ chịu hơn.

- Thói quen sử dụng giấy vệ sinh sau khi đi đại tiện có thể gây kích ứng và trầy xước hậu môn, khiến hậu môn dễ bị viêm nhiễm và sưng tấy hơn. Thay vì dùng giấy vệ sinh, bạn có thể dùng nước rửa nhẹ nhàng, hoặc thay bằng khăn ướt. Lưu ý, nên mua khăn ướt không mùi, không chất kích ứng.

- Sưng hậu môn có thể khiến cho bệnh nhân gặp nhiều đau đớn và khó khăn khi ngồi. Do vậy, người bệnh có thể chuẩn bị những tấm đệm êm để lót mông mỗi khi ngồi làm việc, hoặc bất cứ chỗ nào.

- Các dạng kem bôi trĩ không kê đơn bán sẵn ngoài hiệu thuốc thường có chứa các chất kháng viêm, giảm sưng tấy, giảm đau. Bạn có thể sử dụng chúng để thu nhỏ búi trĩ, từ đó giảm sưng hậu môn.

- Tránh ngồi quá lâu một vị trí hoặc làm những việc nặng nhọc, khiến tăng áp lực lên các tĩnh mạch, kích thích sự hình thành của các búi trĩ, dẫn đến sưng hậu môn. 

- Không cố rặn khi đi đại tiện. Năng vận động, ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước để dễ đi vệ sinh. Sử dụng thuốc làm mềm phân nếu cần thiết.

Trên đây chỉ là những cách đối phó tạm thời với triệu chứng sưng hậu môn của bệnh trĩ. Để loại bỏ dứt điểm việc sưng đau hậu môn, bạn cần điều trị bệnh trĩ. Khi không còn bệnh trĩ, sẽ không còn sưng hậu môn. Bạn nên đến bệnh viện hoặc các trung tâm y tế để được bác sĩ tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị bệnh trĩ phù hợp nhất.


Tác giả: Mai Nhung