Sưng hạch cổ - cẩn thận vì có thể là ung thư amidan giai đoạn muộn

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Sưng hạch cổ - cẩn thận vì có thể là ung thư amidan giai đoạn muộn
Ung thư amidan ở giai đoạn muộn thường có các triệu chứng rõ ràng như sưng đau họng, chảy máu amidan, khó thở, khó nuốt, sờ thấy hạch cổ bất thường,....

1. Tại sao sưng hạch cổ có thể là dấu hiệu của ung thư amidan giai đoạn muộn?

Xuất hiện hạch cổ có thể là do các hạch bạch huyết sưng lên. Hạch bạch huyết là một phần của hệ thống miễn dịch. Bình thường các hạch bạch huyết không sưng, không thể nhìn cũng như sờ thấy. Nếu sưng hạch bạch huyết làm xuất hiện u hạch ở cổ có thể là triệu chứng cảnh báo cơ thể đang bị nhiễm trùng. 

Sưng hạch cổ lành tính có thể là do cảm lạnh, viêm nhiễm họng, nhiễm trùng tai,.... Sưng hạch cổ ác tính có thể là do ung thư vùng đầu và cổ. Vậy khi nào thì sưng hạch cổ là dấu hiệu của ung thư amidan giai đoạn cuối:

- Hạch cổ có kích thước trên 3 cm, nằm dưới góc hàm hoặc cổ, không tự biến mất, hạch kéo dài trên 6 tuần. 

- Xuất hiện hạch cổ kèm mệt mỏi, sốt cao, sụt cân.

- Các khối u làm amidan sưng lên, đè vào các tổ chức khác, khiến bệnh nhân đau liên tục, khi nuốt có thể đau nhói bên tai. Đa số các trường hợp phải kiểm soát cơn đau nhờ thuốc.

- Khối u ung thư amidan cũng thường gây ra lở loét, bội nhiễm vùng miệng, không chỉ làm bệnh nhân đau đớn mà còn khiến hơi thở có mùi khó chịu, phát âm giọng mũi, nghe như ngậm 1 hạt gì đó trong miệng.

Ngoài lý do hạch bạch huyết sưng, nguyên nhân gây ra các u ở cổ còn là do các tế bào ung thư đang trong giai đoạn tiến triển, tăng sinh nhanh, tạo nên các mô và khối u lớn. 

Những khối u ung thư amidan thường ở dạng kén vì amidan xuất phát từ túi mang thứ hai. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, virus gây u nhú ở người HPV có thể là nguyên nhân làm gia tăng khối u ung thư amidan.

Không phải tất cả các bệnh nhân ung thư amidan đều có hạch cổ, nhưng có tới 80% ca bệnh ung thư amidan được phát hiện khi đã xuất hiện khối u hạch. Bệnh nhân thường chỉ đi khám vì cổ nổi hạch. Đôi khi ung thư amidan cũng được phát hiện nhờ khám sức khỏe định kỳ mà ngẫu nhiên sờ thấy hạch.

2. Kỹ thuật sờ nắn để phát hiện sớm khối u ung thư amidan

Bởi vì amidan có nhiều hốc rộng và ít có cảnh báo về tổn thương hoặc loét mô cho đến khi ung thư amidan tiến triển. Nhưng việc sờ nắn thường có thể phát hiện các nút hạch bạch huyết đã bị xâm chiếm, các nút này thường cứng dễ cảm nhận.

Theo thống có thì có khoảng 1/3 bệnh nhân ung thư amidan có hạch cổ mà chưa có các triệu chứng rõ rệt về họng khác. Do vậy, đôi khi việc phát hiện các khối u ở cổ cũng có thể giúp phát hiện ung thư amidan ở giai đoạn sớm hơn, trước khi các dấu hiệu khác kịp xuất hiện.

Hạch cổ thường được phát hiện ở dưới góc hàm hoặc dãy hạch cảnh trên. Các hạch thường có thể di động, sau thời gian dài thì sẽ dính vào cơ hoặc da, ít di động hơn. Bạn có thể tự sờ nắn cổ để kiểm tra cho bản thân mình. Tuy nhiên, khi có nghi ngờ, việc sờ nắn để phát hiện sớm khối u ung thư amidan nên được thực hiện bởi bác sĩ nha khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa ung thư :

- Trước khi bắt đầu sờ nắn, bác sĩ lâm sàng nên yêu cầu bệnh nhân báo cáo bất kỳ cảm giác đau hoặc cảm thấy sự khác biệt bất thường giữa các khu vực. 

- Sờ và cảm nhận sự thay đổi nhiệt độ của các cấu trúc. Nhiệt độ tăng có thể cho thấy lượng máu cung cấp cho khu vực đó tăng lên và có thể liên quan đến những bất thường, chẳng hạn như dị tật mạch máu hoặc nhiễm trùng.

- Sờ và cảm nhân sự khác biệt (kích thước, hình dạng, tính nhất quán và kết cấu với những người khỏe mạnh khác) giữa các cấu trúc xảy ra ở hai amidan đối diện.

-  Bác sĩ lâm sàng nên chú ý đến bất kỳ âm thanh nào được tạo ra khi các mô được sờ nắn. Sự di chuyển của chất lỏng từ một phần của tổn thương sang phần khác có thể gây ra âm thanh lách tách hoặc tiếng kêu nhỏ.

- Sờ nắn đồng thời cả 2 phía trong và ngoài miệng để cảm nhận sự bất thường trong các tuyến dưới lưỡi gần amidan.

- Sờ nắn chuỗi các hạch dọc theo cổ, yêu cầu bệnh nhân quay sang phải rồi sang trái để các hạch được kiểm tra kỹ càng hơn.

Xác định các bất thường trong quá trình sờ nắn chỉ là bước đầu tiên. Xây dựng một phác đồ chẩn đoán phân biệt là bước tiếp theo. Quá trình chẩn đoán có thể là sinh thiết và/hoặc xét nghiệm bổ sung.


Tác giả: Minh Vy