Sum họp gia đình cuối năm nhưng đừng quên 4 nguyên tắc phòng tránh COVID-19 ngay trong bữa ăn

Sum họp gia đình cuối năm nhưng đừng quên 4 nguyên tắc phòng tránh COVID-19 ngay trong bữa ăn
Với tình hình dịch bệnh vẫn còn phát triển phức tạp, lại vào thời điểm cuối năm, các gia đình sum họp ăn uống nhiều hơn. Việc đảm bảo an toàn phòng tránh COVID-19 ngay trong bữa ăn vẫn cần phải nghiêm túc thực hiện.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, để phòng tránh COVID-19 hiệu quả thì không chỉ cần tránh tụ tập đông người mà còn cần những lưu ý ngay cả trên mâm cơm gia đình.

1. "Mỗi người nên có 1 bát nước chấm riêng để tránh lây virus"

GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia trong buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Tăng sức đề kháng phòng chống dịch Covid-19" cho biết:

Ngay cả trong vấn đề nội trợ cũng cần lưu ý, nên dùng thớt riêng cho thực phẩm chín và thực phẩm sống - mục đích là để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo với nhau. Khi đi chợ hay siêu thị về, nên nhanh chóng bỏ thực phẩm mua ra khỏi túi nilong và thay bằng các dụng cụ đựng ở nhà rồi mới cho vào tủ lạnh lưu trữ.

Sum họp gia đình cuối năm nhưng đừng quên 4 nguyên tắc phòng tránh COVID-19 ngay trong bữa ăn - Ảnh 2.

Nên chuẩn bị nước chấm riêng, không nên chấm chung (Ảnh: Internet)

Ông cũng nhấn mạnh, tốt nhất là nên dùng thìa, bát canh riêng và bát nước chấm riêng. Nguyên tắc này không chỉ giúp phòng tránh COVID-19 mà còn giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh khác như viêm gan B hay vi khuẩn HP gây viêm dạ dày,...

Bạn có thể tìm hiểu thêm về Những bệnh dễ lây nhiễm qua đường ăn uống theo thống kê sau.

2. Tuyệt đối không được ăn uống chung mâm với người đang cách ly, nghi ngờ mắc bệnh

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, để phòng tránh Covid-19 hiệu quả thì mỗi người nên có ý thức bảo vệ sức khoẻ của chính mình và những người xung quanh.

Nếu bạn đang thuộc diện cách ly hay đang có những biểu hiện và nguy cơ lây nhiễm thì nên ăn riêng, ngủ phòng riêng, sinh hoạt riêng.

3. Đừng quên nước sát khuẩn giúp phòng tránh COVID-19

Trước khi bắt đầu vào các bữa ăn, nhất là với những người đi làm về, đi ở ngoài về thì nên rủa tay thật sạch bằng xà phòng theo Hướng dẫn của WHO và Bộ Y tế về việc rửa tay đúng cách phòng tránh COVID-19.

Nếu không có thể sử dụng nước sát khuẩn để thay thế.

Sum họp gia đình cuối năm nhưng đừng quên 4 nguyên tắc phòng tránh COVID-19 ngay trong bữa ăn - Ảnh 3.

Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh (Ảnh: Internet)

"Đây là thói quen tốt trong việc bảo vệ sức khỏe không chỉ trong mùa dịch Covid-19 mà ngay cả trong cuộc sống hàng ngày bởi lẽ chúng giúp diệt mọi loại virus, vi khuẩn... rất hiệu quả", chuyên gia khẳng định.

4. Không nên ngồi ăn quá lâu, trò chuyện kéo dài

Vào thời điểm cuối năm, 23 Tháng Chạp, tất niên,... rất khó tránh khỏi các bữa tụ tập gia đình. Mọi người có thể vì thế mà sẽ nói chuyện trên bàn ăn lâu hơn, lai rai nhậu nhẹt. Tuy nhiên điều này lại là việc tối kị, cần hạn chế để phòng tránh COVID-19 hiệu quả.

Sum họp gia đình cuối năm nhưng đừng quên 4 nguyên tắc phòng tránh COVID-19 ngay trong bữa ăn - Ảnh 4.

Hạn chế các buổi tụ tập ăn uống kéo dài (Ảnh: Internet)

"Chúng ta đều biết, nguyên nhân chính khiến Covid-19 lây lan rộng trong cộng đồng chính là thông qua những giọt bắn trong quá trình nói chuyện, hắt hơi... cũng như đồ dùng ăn uống như bát đĩa, cốc chai của người nhiễm bệnh. Do đó càng hạn chế nói chuyện với nhau trên mâm cơm bao nhiêu càng tốt, đồ dùng như bát đĩa, cốc uống... tốt nhất là riêng rẽ, tránh uống chung với nhau để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm bệnh", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.

5. Chú trọng tới vấn đề dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng

Theo PGS.TS Bùi Thị Nhung, Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ:

Nếu như có một hệ vi khuẩn đường ruột tốt sẽ góp phần tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả. Do vậy mà một chế độ ăn khoa học cần phải cung cấp đầy đủ chất xơ cần thiết cho cơ thể.

Sum họp gia đình cuối năm nhưng đừng quên 4 nguyên tắc phòng tránh COVID-19 ngay trong bữa ăn - Ảnh 5.

Có chế độ dinh dưỡng khoa học, giàu chất xơ tăng cường hệ miễn dịch (Ảnh: Internet)

 "Chúng ta cũng nên sử dụng đủ lượng rau khuyến cáo cho người trưởng thành, đó là 3-4 đơn vị rau mỗi ngày, tương đương với 3-4 lần ăn rau, để vừa cung cấp các vitamin và khoáng chất, cũng như là thức ăn do hệ vi khuẩn đường ruột. Ngoài ra nên thường xuyên sử dụng lượng vừa phải một số thực phẩm/gia vị chứa các hoạt chất đặc biệt giúp tăng cường miễn dịch như: tỏi, hành, nghệ, sả, nấm, tảo biển… giúp kích thích hệ thống miễn dịch"- PGS.TS Bùi Thị Nhung nói thêm.

Ngoài ra, chuyên gia cũng khuyên rằng, cần ăn chín uống sôi, ăn uống đảm bảo vệ sinh tránh nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm dịp cuối năm sẽ góp phần phòng tránh COVID-19 hiệu quả.


Tác giả: Kim Phụng