Sữa mẹ hâm nóng để được bao lâu? Cần lưu ý gì khi hâm nóng sữa mẹ?

Sữa mẹ hâm nóng để được bao lâu? Cần lưu ý gì khi hâm nóng sữa mẹ?
Làm ấm sữa mẹ trước khi cho con bú là việc làm cần thiết, đặc biệt là với những sữa mẹ được bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. Vậy sữa mẹ hâm nóng để được bao lâu? Lưu ý gì khi hâm sữa mẹ cho trẻ.

Việc bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh là việc làm phổ biến hiện nay nhằm duy trì bé được bú sữa mẹ trong thời gian dài. Khi vắt sữa và trữ trong tủ lạnh, bé có thể bị tổn thương răng nướu và hệ tiêu hóa nếu uống sữa chưa được hâm nóng. Lúc này, mẹ cần hâm nóng sữa 40 độ trước khi cho bé bú.

Vậy sữa mẹ hâm nóng để được bao lâu? Cần lưu ý gì khi hâm nóng sữa mẹ để con được hưởng nguồn dinh dưỡng tốt nhất?

1. Sữa mẹ hâm nóng để được bao lâu?

Trên thực tế, sữa mẹ có thể giữ được nhiệt độ ổn định khá lâu, có thể là sau 4-5 tiếng đồng hồ sữa mẹ vẫn còn ấm. Vì thế, trong khoảng thời gian này, mẹ cho con bú thì chất lượng sữa mẹ không thay đổi.

Tuy nhiên, nếu sữa mẹ sau khi hâm nóng nếu không dùng trong thời gian cho phép thì sữa sẽ bị hỏng rất nhanh và trẻ không dùng được sữa này. Nguyên nhân là vì nhiệt nóng ẩm tạo ra môi trường lý tưởng để các vi khuẩn gây bệnh phát triển, khi trẻ bú sữa này sẽ bị tiêu chảy, ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.

Các chuyên gia khuyến cáo, sữa mẹ sau khi hâm nóng nên cho bé dùng ngay để đảm bảo giữ nguyên các chất dinh dưỡng của sữa. Trong trường hợp còn dư thì mẹ có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và dùng được tối đa trong vòng 24 giờ. Còn sữa mẹ đã hâm nóng để ở nhiệt độ thường thì chỉ để được 1 giờ đồng hồ.

Sau khoảng thời gian này, nếu bé bú không hết thì mẹ tuyệt đối không được cho bé bú mà phải bỏ lượng sữa thừa này đi. Các mẹ lưu ý cũng không được tận dụng sữa này làm sữa chua cho trẻ mà bắt buộc phải đổ bỏ.

Một lưu ý khác khi hâm nóng sữa mẹ là tuyệt đối không được hâm đi hâm lại nhiều lần bởi việc làm này sẽ khiến sữa mẹ mất chất, tác động tiêu cực tới hệ tiêu hóa của trẻ. Chính vì vậy, các mẹ nên lấy vừa đủ lượng sữa con bú rồi hâm nóng để không gây lãng phí nguồn dinh dưỡng tuyệt vời này.

Sữa mẹ hâm nóng để được bao lâu? Những lưu ý khi hâm nóng sữa mẹ  - Ảnh 1.

Sữa mẹ sau khi hâm nóng chỉ để được 1 giờ ở điều kiện nhiệt độ thường - Ảnh Internet.

Đọc thêm:

Hướng dẫn bảo quản sữa mẹ đúng và cách rã đông sữa mẹ đúng chuẩn

Túi trữ sữa mẹ là gì? Túi trữ sữa có tái sử dụng được không?

2. Hâm nóng sữa mẹ đúng cách

Trên thực tế, sữa mẹ vẫn giữ được trọn các chất dinh dưỡng và khoáng chất khi trữ đông. Tuy nhiên, nếu hâm nóng sai cách, các chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ sẽ bị mất đi. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng lượng kháng thể và các vitamin sẽ bị hao hụt khi tiếp xúc với nhiệt độ cao hay lắc sữa quá mạnh.

Dưới đây là những lưu ý để hâm nóng sữa mẹ đúng cách:

- Đối với sữa mẹ được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, hâm nóng sữa mẹ khá đơn giản. Theo đó, các mẹ chỉ cần lấy sữa trong tủ lạnh ra và ngâm trong nước ấm với nhiệt độ nước khoảng 40 độ. Sau một lúc, mẹ kiếm tra sữa không còn quá lạnh các mẹ lấy ra cho bé thưởng thức.

Lưu ý tuyệt đối không ngâm sữa trong nước quá nóng vì điều này sẽ làm mất khoáng chất có trong sữa mẹ.

- Đối với sữa mẹ bảo quản ở ngăn đông tủ lạnh thì việc hâm nóng sữa mẹ có phần phức tạp hơn. Trước khi sử dụng 1 ngày, tốt nhất mẹ nên cho sữa xuống ngăn mát tủ lạnh để rã đông. Khi sữa đã không còn lớp đá đóng xung quanh và hoàn toàn chuyển sang dạng lỏng thì nhẹ nhàng lắc để lớp sữa nhiều chất béo và lớp sữa trong được hòa đều với nhau.

Sau đó, chỉ cần cho sữa vào bình hâm ở nhiệt độ 40 độ C trước khi bé bú.

- Khi hâm nóng sữa mẹ, các mẹ lưu ý tuyệt đối không lắc mạnh bình sữa hay làm nóng sữa đột ngột ở nhiệt độ cao vì việc làm này sẽ làm đứt gãy cấu trúc của các kháng thể trong sữa, từ đó làm mất tính năng tự nhiên của sữa mẹ.

- Sau khi đã hâm nóng, nên cho trẻ bú ngay sau khi thấy sữa đã ấm theo đúng yêu cầu. Không nên tận dụng sữa đã hâm nóng bị thừa, tránh ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của trẻ.

3. Sữa mẹ đun nóng hay đun sôi ở 70 độ có tốt không?

Rất nhiều mẹ băn khoăn không biết sữa mẹ đun nóng hay đun sôi ở 70 độ có tốt không trong khi nhiều loại sữa công thức, điển hình là sữa Nhật thường pha sữa ở nhiệt độ 70 độ. Dưới đây là khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng các mẹ nên biết.

- Sữa mẹ đun sôi:

Việc đun sôi sữa mẹ sẽ làm cho các vitamin có trong sữa mẹ bị bay hơi đồng thời khiến sữa mẹ bị mất đi kháng thể và nhiều chất dinh dưỡng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng sữa mẹ chỉ cần đun sôi ở nhiệt độ 70 độ C là đã không còn giá trị dinh dưỡng.

Sữa mẹ hâm nóng để được bao lâu? Những lưu ý khi hâm nóng sữa mẹ  - Ảnh 2.

Đun sối sữa mẹ sẽ làm sữa mẹ mất hết chất dinh dưỡng - Ảnh Internet.

- Hâm nóng sữa mẹ ở 70 độ C:

Khi hâm nóng sữa mẹ, các mẹ không nên hâm nóng ở một nhiệt độ quá cao, việc làm này không những không cần thiết mà còn có thể làm sữa mẹ mất đi những chất dinh dưỡng quý giá. Trẻ hoàn toàn có thể bú được sữa mẹ ở nhiệt độ 37 – 40 độ C.

Vì thế, nếu hâm sữa ở 70 độ C, mẹ không chú ý kiểm tra lại nhiệt độ sữa trước khi cho con bú sẽ rất dễ làm bé bị bỏng sữa.

Ngoài ra, khi hâm nóng sữa mẹ ở 70 độ, mẹ sẽ phải để sữa ở môi trường ngoài để làm nguội sữa, điều này có thể khiến vi khuẩn xâm nhập.

Vì thế, tốt nhất mẹ nên hâm sữa bằng bình hâm sữa chuyên dụng hay hâm sữa bằng cách ngâm nước ấm khoảng 40 độ. Như vậy vừa không làm sữa bị mất chất vừa cho trẻ bú được ngay mà không cần thời gian chờ sữa nguội.

Trên đây là những thông tin cho câu hỏi sữa mẹ hâm nóng để được bao lâu cũng như những lưu ý để hâm nóng sữa mẹ đúng cách. Hi vọng những thông tin trong bài viết trên sẽ hữu ích với các mẹ, giúp mẹ nuôi các con bằng sữa mẹ nhàn tênh.


Tác giả: Ngọc Điệp