Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ nhỏ. Các khuyến cáo hiện nay ủng hộ việc cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh, và tiếp tục cho bú đến khi trẻ đủ 24 tháng.
Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng bận rộn hoặc do một số lý do đặc biệt về sức khỏe khiến nhiều bà mẹ không thể luôn cho trẻ bú sữa mẹ trực tiếp. Do đó nhiều người đã vắt sữa mẹ và tiến hành bảo quản ở ngoài môi trường để trẻ có thể sử dụng ngay cả khi không có mẹ bên cạnh. Nhưng sữa mẹ để ngoài được bao lâu và cần lưu ý những gì khi bảo quản sữa mẹ ở bên ngoài lại là điều mà không phải ai cũng biết.
Thời gian bảo quản sữa mẹ để ngoài được bao lâu phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố khác nhau như lượng sữa, nhiệt độ khi vắt sữa, sự dao động nhiệt độ nơi bảo quản,... Trong đó, yếu tố then chốt phải kể đến chính là nhiệt độ mà sữa được tiến hành bảo quản. Nhiệt độ càng thấp thì thời gian bảo quản sữa sẽ càng kéo dài, ngược lại nhiệt độ càng cao thì thời gian sữa có thể sử dụng được sẽ càng ngắn.
Để dễ dàng hơn cho các bà mẹ trong bảo quản sữa cho trẻ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ đã đưa ra một số khuyến nghị về thời gian bảo quản sữa như sau:
- Khi sữa mẹ mới được vắt ra:
Nếu sữa mẹ mới được vắt ra, nó có thể được bảo quản an toàn ở nhiệt độ phòng (25 độ C) trong khoảng 4 giờ. Còn nếu sữa mới vắt được cho ngay vào ngăn mát tủ lạnh (4 độ C) thì thời gian bảo quản tối đa sẽ là 4 ngày, và thời gian này có thể kéo dài lên đến 6-12 tháng nếu được bảo quản ngay lập tức bằng cách đông lạnh.
- Sữa mẹ sau khi rã đông:
Sữa mẹ sau khi rã đông chỉ nên để ở nhiệt độ phòng tối đa trong khoảng 1-2 tiếng, và bảo quản không quá 24 tiếng trong ngăn mát của tủ lạnh. Cần lưu ý rằng tuyệt đối không tái làm đông lượng sữa mẹ đã từng được rã đông trước đó.
- Sữa mẹ còn dư sau cữ bú của trẻ:
Sau khi trẻ bú và sữa còn dư lại, lượng sữa dư thừa này cần được sử dụng nốt sau đó tối đa 2 giờ. Nếu quá 2 giờ mà vẫn chưa được sử dụng hết thì phải đem đổ bỏ chứ không nên tiếp tục bảo quản để cho trẻ sử dụng.
Sữa mẹ khi bảo quản quá lâu so với thời gian khuyến nghị có thể dẫn đến các vấn đề như sự xâm nhập của vi khuẩn, biến tính hoặc giảm hàm lượng dinh dưỡng,... Vì thế, với những phần sữa đã bảo quản quá lâu thì các bà mẹ nên vứt bỏ để tránh gây hại cho trẻ khi sử dụng.
Đọc thêm:
+ 9+ cách gọi sữa về sau sinh mổ hiệu quả, dễ thực hiện tại nhà
+ Mách mẹ cách ngăn sữa chảy nhiều khi cho con bú
Để tăng thời gian và sự an toàn khi bảo quản sữa mẹ bên ngoài, các bà mẹ hãy lưu ý một số điều sau đây:
- Đảm bảo vệ sinh khi vắt sữa:
Bản chất của sữa mẹ là vô khuẩn, do đó cần phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ nhất khi vắt sữa để tránh sự xâm nhập của vi khuẩn vào sữa mẹ và gây hại khi trẻ sử dụng. Tay, dụng cụ vắt sữa, bình đựng sữa sau khi vắt,... đều cần phải được vệ sinh sạch sẽ trước khi vắt sữa để bảo quản.
- Sử dụng dụng cụ bảo quản an toàn:
Dụng cụ tốt nhất được khuyến cáo để bảo quản sữa mẹ là các chai, lọ bằng thủy tinh có nắp đậy kín. Nếu không có các bình bằng thủy tinh để bảo quản sữa mẹ bên ngoài thì có thể thay thế bằng các túi nhựa hoặc bình nhựa, nhưng cần phải tuyệt đối tránh các sản phẩm nhựa có chứa Bisphenol A (BPA).
- Lựa chọn nhiệt độ phù hợp để bảo quản sữa mẹ:
Tùy thuộc vào thời gian dự kiến trẻ sẽ sử dụng sữa và điều kiện có thể của người mẹ mà tiến hành lựa chọn nhiệt độ phù hợp để bảo quản. Nếu trẻ sẽ sử dụng sữa ngay sau đó trong một vài tiếng, sữa mẹ có thể để trực tiếp ở bên ngoài môi trường. Nhưng nếu sữa được dự trữ để dùng cho trẻ trong vài ngày thì chúng nên được cất trong ngăn mát, và hãy dùng ngăn đá nếu sữa cần được bảo quản lâu hơn nữa.
- Ghi đầy đủ thông tin của sữa mẹ khi bảo quản:
Cần ghi nhãn đầy đủ các thông tin về sữa khi bảo quản như thời gian vắt sữa, tình trạng sữa được bảo quản trước đó, tên tuổi của mẹ hoặc trẻ nếu có nhiều người cùng sử dụng chung dụng cụ bảo quản,... Điều này giúp loại bỏ các phần sữa đã hết hạn và tránh việc sử dụng nhầm lẫn các phần sữa với nhau.
- Hạn chế tối đa sự dao động nhiệt tại nơi bảo quản sữa:
Sự dao động nhiệt độ liên tục tại nơi bảo quản sữa do đóng mở tủ lạnh quá nhiều khiến sữa bị hư hỏng nhanh hơn so với dự kiến. Vì vậy cần giữ nhiệt độ nơi bảo quản sữa mẹ ổn định nhất có thể.
Trên đây là trả lời sơ lược cho vấn đề sữa mẹ để ngoài được bao lâu đang nhận được rất nhiều sự quan tâm hiện nay. Mặc dù sữa mẹ có thể để bên ngoài môi trường, nhưng cần nhớ rằng bú mẹ trực tiếp vẫn là sự lựa chọn tốt nhất và nên ưu tiên nếu có thể. Bởi cho trẻ bú không chỉ là việc cung cấp nguồn sữa cho trẻ mà đó còn là sợi dây giúp gắn kết thêm tình cảm mẹ con.
Nguồn tham khảo
1. Proper Storage and Preparation of Breast Milk
2. How Long Can Breast Milk Sit Out?