Trước khi tìm hiểu về những sự thật liên quan tới chế độ ăn kiềm hóa thì bạn cần hiểuchế độ ăn kiềm hóa là gì.
Chế độ ăn kiềm hóa (Alkaline Diet) là chế độ ăn dựa trên quan điểm chưa được chứng minh rằng có những lợi ích sức khỏe đạt được bằng cách tiêu thụ các thực phẩm có khả năng thay đổi môi trường trong cơ thể trở nên kiềm hơn dựa theo thang đo độ pH axit hoặc bazo từ 0 - 14 điểm:
- Độ pH từ 0 - 6: môi trường có tính axit
- Độ pH = 7: môi trường trung tính
- Độ pH từ 8 trở lên: môi trường bazo hoặc kiềm.
Nói cách khác, thực phẩm mà ta ăn vào đều để lại “tro”, được gọi là chất thải của quá trình trao đổi chất. Và chất thải này có thể mang tính kiềm, trung tính hoặc axit và ảnh hưởng trực tiếp tới nồng độ axit/kiềm của cơ thể.
Đọc thêm:
- Ăn kiêng và tập luyện không hiệu quả, làm thế nào để giảm cân?
- Ăn đậu phụ có giảm cân không? Tác dụng của đậu phụ đối với sức khoẻ
Giả thuyết cho rằng, nếu bạn tiêu thụ thực phẩm để lại tro axit thì máu của bạn sẽ bị axit hóa, thực phẩm để lại tro kiềm thì máu sẽ kiềm hóa. Tro axit được cho rằng là nguyên nhân khiến một người dễ nhiễm bệnh hơn và tro kiềm được xem là giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật.
Tuy nhiên không có nghiên cứu nào chỉ ra rằng chế độ ăn kiềm hóa có thể làm tăng độ pH của máu. Nên một lần nữa nhấn mạnh rằng, giả thuyết này chưa được chứng minh và những thay đổi lớn về độ pH trong máu thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng, chẳng hạn như một số tình trạng bệnh nhất định bao gồm nhiễm toan ceton do tiểu đường, đói lả, khi uống rượu,...
Độ pH của nước tiểu và nước bọt có thể được thay đổi bằng chế độ ăn uống. Nhưng khi độ pH của các chất lỏng này thay đổi thì độ pH của máu vẫn giữ nguyên. Nguyên nhân là do cơ thể con người có một chế độ tự cân bằng pH rất tuyệt vời gọi là cân bằng nội môi axit kiềm giúp điều chỉnh chặt chẽ sự cân bằng pH. Theo Medical News Today thì cơ thể con người có tính "hơi" kiềm tự nhiên với độ pH của máu khoảng 7,36 - 7,44. Dạ dày thì có tính axit với độ pH từ 2 - 3,5 với chức năng tiêu hóa thức ăn,..
Loãng xương là một bệnh xương tiến triển đặc trưng bởi sự giảm mật độ và khối lượng khoáng trong xương. Loãng xương phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh và thúc đẩy đáng kể nguy cơ gãy xương.
Nhiều người ủng hộ chế độ ăn kiềm cho tin rằng chế độ ăn kiêng tạo tro axit có thể khiến mật độ khoáng xương bị sụt giảm. Tuy nhiên, giả thuyết này đã bỏ qua chức năng của thận - đóng vai trò loại bỏ axit và điều chỉnh độ pH của cơ thể.
Cơ chế như sau: Thận tạo ra ion bicarbonate trung hòa axit trong máu và cho phép cơ thể quản lý chặt chẽ độ pH trong máu. Bên cạnh đó hệ hô hấp cũng tham gia vào hoạt động này ngay từ khi các ion bicarbonate từ thận liên kết với axit trong máu và tạo thành khí CO2 mà bạn thở và nước tiểu ra ngoài.
Các thử nghiệm lâm sàng cũng đã chứng minh rằng chế độ ăn tạo tro axit không ảnh hưởng tới mức độ canxi trong cơ thể bạn mà còn cải thiện sức khỏe của xương bằng cách tăng khả năng giữ canxi và kích hoạt hormone IGF-1, kích thích quá trình sửa chữa cơ và xương. Hay nói cách khác, chế độ ăn tạo tro axit giàu protein có liên quan tới hỗ trợ chức năng xương tốt hơn chứ không phải tệ đi.
Nhiều người cho rằng tế bào ung thư chỉ phát triển trong môi trường axit và nếu áp dụng chế độ ăn giàu kiềm có thể điều trị hoặc thậm chí là chữa khỏi bằng chế độ ăn kiêng. Tuy nhiên, theo Healthline thì các đánh giá toàn diện đều cho thấy không có mối liên hệ trực tiếp của chế độ ăn giàu axit gây tăng axit trong máu và tăng sinh tế bào ung thư bởi:
- Thức ăn không ảnh hưởng đáng kể tới độ pH của máu
- Ngay cả khi bạn cho rằng thực phẩm có thể làm thay đổi đột ngột giá trị pH của máu hoặc các mô khác thì tế bào ung thư không bị hạn chế trong môi trường kiềm. Trên thực tế, rất nhiều thí nghiệm đã nuôi cấy tế bào ung thư thành công trong môi trường kiềm với độ pH hơi kiềm là 7,4. Và trong khi đó các khối u thậm chí còn tạo ra môi trường axit chứ không phải môi trường axit tạo ra tế bào ung thư.
Theo Healthline, các thành phần thực phẩm để lại tro axit bao gồm chất đạm (protein), phốt-phát (phosphate) và sun-phua (sulfur), trong khi các thành phần thực phẩm để lại tro kiềm bao gồm can-xi (calcium), ma-nhê (magnesium) và potassium.
Một số nhóm thực phẩm được xem là mang tính axit, tính kiềm hay là trung tính:
- Nhóm thực phẩm mang tính axit: thịt, cá, thịt gia cầm, trứng (đặc biệt là lòng đỏ), sữa, phô mai, ngũ cốc và thức uống có cồn như rượu bia, nước ngọt, cafein và các thực phẩm chế biến
- Nhóm thực phẩm trung tính: chất béo tự nhiên (mỡ bò, mỡ heo, bơ…), tinh bột, đường
- Nhóm thực phẩm mang tính kiềm: các loại hạt, rau, củ, quả, nước ép trái cây không đường, sữa hạnh nhân, quả hạnh
Tuy chế độ ăn giàu kiềm không giúp bạn thay đổi được độ pH của máu nhưng một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn này có một số lợi ích nhất định đối với sức khỏe - mặc dù không phải theo cách mà giả thuyết đưa ra. Chế độ ăn giàu kiềm giúp giảm mức tiêu thụ thịt mỡ và thịt chế biến đồng thời khuyến khích mọi người ăn nhiều trái cây và rau củ hơn nên đem lại các công dụng sau:
Mặc dù giảm cân không phải là mục tiêu chính của chế độ ăn kiềm và không có nghiên cứu nào chứng minh đây là kết quả chính, nhưng bất kỳ chế độ ăn kiêng nào hạn chế các nhóm thực phẩm đều có xu hướng hạn chế lượng calo tổng thể.
Việc giảm cân phụ thuộc vào cách mà bạn tiêu thụ ít calo hơn so với calo mà bạn đốt cháy. Chế độ ăn ít béo và calo có thể thúc đẩy quá trình giảm cân. Và chế độ ăn giàu kiềm có xu hướng ít calo nên có thể giúp bạn giảm cân khi kết hợp với hoạt động thể chất.
Theo Healthline, tăng pH nước tiểu có thể cải thiện sức khỏe của một số trường hợp. Đối với người mắc bệnh thận, chế độ ăn ít axit có thể cải thiện cái triệu chứng hoặc thậm chí là giúp làm chậm quá trình tiến triển bệnh.
Và đối với hầu hết người mắc bệnh thận mãn tính thì không cần tuân theo một chế độ ăn kiềm cụ thể mà chỉ cần giảm lượng protein nạp vào chẳng hạn như sữa, thịt và pho mát là có thể đem lại một số tác động tích cực.
Một số người ủng hộ chế độ ăn giàu kiềm cho rằng có thể đẩy lùi hoặc hỗ trợ hóa trị hiệu quả nhưng không có bằng chứng khoa học hỗ trợ cho những giả thuyết này cũng như không có nghiên cứu nào thực hiện các thử nghiệm về tác dụng này.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên NCBI thì việc giảm tiêu thụ thịt và tăng lượng trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt có thể ngăn ngừa ung thư. Vì thế mà hiệp hội Ung thư Hoa kỳ (ACS) có đề xuất chế độ ăn kiêng tương tự nhưng không giống hoàn toàn với chế độ ăn giàu kiềm. ACS khuyên mọi người nên tránh thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt và các thực phẩm giàu chất béo. Thay vào đó là ăn một chế độ ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc.
Một trong những nguyên nhân gây bệnh tim bao gồm lối sống kém lành mạnh, dinh dưỡng kém và mức độ vận động thấp. Trong đó, thịt đỏ và thịt đã qua chế biến được biết là nguyên nhân chủ yếu về mặt dinh dưỡng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Chế độ ăn giàu kiềm có thể tự nhiên nâng ca hormone tăng trưởng của cơ thể và giảm đi các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Hơn nữa chế độ ăn này cũng có xu hướng ít chất béo và calo nên giúp trọng lượng cơ thể ở mức khỏe mạnh.
Loãng xương là một yếu tố nguy cơ chính gây mất xương, gãy xương ở người lớn tuổi và phụ nữ. Mặc dù những người ủng hộ chế độ ăn nói rằng có thể giảm lượng canxi bị mất trong nước tiểu giúp giảm nguy cơ loãng xương - nhưng không có bằng chứng khoa học nào ủng hộ tuyên bố này.
Tuy vậy thì chế độ ăn nhiều trái cây và rau củ - một phần của chế độ ăn giàu kiềm có thể cải thiện sức khỏe của xương. Lưu ý rằng chế độ ăn giàu kiềm cực ít protein cũng có thể là yếu tố tăng nguy cơ loãng xương nên bạn cần bổ sung protein nạc để được hưởng các lợi ích mong muốn.
Tóm lại, một chế độ ăn uống phong phú và đa dạng thực phẩm luôn được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị là tốt cho sức khỏe. Sự phong phú của thực phẩm bao gồm chế độ ăn nhiều loại protein, ngũ cốc, trái cây, rau, chất béo,... khác nhau. Việc loại bỏ bất kỳ một nhóm thực phẩm hoặc loại thực phẩm nào khỏi chế độ ăn có thể khiến bạn kém khỏe mạnh hơn, trừ khi đó là khuyến cáo của bác sĩ.
Chế độ ăn giàu kiềm rất ít protein mặc dù có thể giúp bạn giảm cân nhưng cũng góp phần làm tăng nguy cơ các vấn đề sức khỏe khác chẳng hạn như xương và cơ yếu hơn; cơ thể khó có đủ chất dinh dưỡng cần thiết; thiếu máu,... Nếu muốn thử chế độ ăn giàu kiềm, bạn vẫn cần đảm bảo ăn đủ chất đạm cần thiết. Và mặc dù chế độ ăn này không thực sự làm thay đổi độ pH của máu nhưng nó khuyến khích bạn ăn nhiều loại thực phẩm giúp cải thiện sức khỏe tổng thể.
Nguồn dịch:
1. Does the alkaline diet work?
2. The Alkaline Diet: An Evidence-Based Review