Theo thống kê vào năm 2019, bệnh đột quỵ được cho là phải chịu trách nhiệm cho khoảng 11% số các ca tử vong trên toàn thế giới. Điều này khiến nó trở thành nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ 2, chỉ xếp sau bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Bệnh đột quỵ có nhiều dạng, tuy nhiên hay gặp nhất là ba dạng chính bao gồm đột quỵ thiếu máu cục bộ, đột quỵ xuất huyết não và cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA).
- Bệnh đột quỵ thiếu máu cục bộ: Là dạng đột quỵ xảy ra khi con đường lưu thông máu qua một động mạch nào đó của não bị gián đoạn. Dẫn đến không thể cung cấp oxy và dinh dưỡng cho một khu vực não nhất định. Đây là dạng đột quỵ phổ biến nhất, chiếm khoảng 87% tổng số các trường hợp mắc đột quỵ.
- Bệnh đột quỵ xuất huyết não: Khi một động mạch trong não bị vỡ ra làm tổn thương các mô và tổ chức xung quanh sẽ được gọi là đột quỵ xuất huyết não.
- Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA): Dạng bệnh đột quỵ này còn thường được gọi là đột quỵ nhỏ, xảy ra do sự gián đoạn tạm thời (không quá 5 phút) của dòng máu tới não.
Mặc dù bệnh đột quỵ là căn bệnh rất phổ biến nhưng thực tế thì người ta lại thường hiểu sai về nó. Để đính chính cho những quan niệm này, Tiến sĩ Rafael Alexander Ortiz đến từ Bệnh viện Lenox Hill đã có những chia sẻ hết sức hữu ích xoay quanh các lầm tưởng về bệnh đột quỵ.
Theo Tiến sĩ Ortiz, một số người nghĩ rằng về tim mạch và bị nhầm lẫn giữa bệnh đột quỵ với nhồi máu cơ tim. Quan niệm này không chính xác và là lầm tưởng về đột quỵ rất nghiêm trọng.
Bởi bệnh đột quỵ là một vấn đề của não bộ. Nó xảy ra do các động, tĩnh mạch trong não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ ra. Trong khi đó, nhồi máu cơ tim là vấn đề xảy ra do bất thường dòng máu đến tim chứ không phải xảy ra ở não. Do đó, đây là hai tình trạng hoàn toàn khác biệt với nhau.
Có nhiều yếu tố khác nhau được cho là có thể thúc đẩy sự xuất hiện của bệnh đột quỵ. Một số yếu tố phổ biến nhất có thể kể đến bao gồm tăng huyết áp, hút thuốc, mỡ máu cao, béo phì, tiểu đường, chấn thương đầu cổ, rối loạn nhịp tim,...
Khi can thiệp và làm giảm các yếu tố nguy cơ sẽ giúp giảm khả năng mắc bệnh đột quỵ xuống mức thấp hơn. Do đó, quan niệm cho rằng không thể dự phòng bệnh xảy ra thực sự là một lầm tưởng về bệnh đột quỵ.
Bởi Tiến sĩ Ortiz cho rằng, nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ có thể được giảm đi nhờ thay các thay đổi lối sống. Ví dụ việc tập luyện thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh hơn sẽ làm giảm các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, mỡ máu cao, béo phì và bệnh tiểu đường. Hoặc khi cố gắng để loại bỏ, giảm bớt uống rượu và căng thẳng cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh đột quỵ của một người.
Đọc thêm: Điểm danh các dấu hiệu đột quỵ trước 1 tuần và cách xử lý khi bị đột quỵ
Một lầm tưởng về đột quỵ khác khá thường gặp là quan niệm cho rằng căn bệnh này không phải là một bệnh lý mang tính chất gia đình.
Trên thực tế, các bệnh lý xảy ra do bất thường đơn gen như bệnh hồng cầu hình liềm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ. Hoặc khả năng mắc bệnh đột quỵ cũng có thể gián tiếp tăng lên thông qua tăng huyết áp và những yếu tố nguy cơ tim mạch khác. Mà những yếu tố này đều có mối liên hệ nhất định với di truyền và mang tính chất gia đình.
Ngoài ra, những thành viên trong cùng một nhà thường sinh hoạt với nhau trong cùng một môi trường và có cùng lối sống nhau. Do đó yếu tố nguy cơ bệnh đột quỵ đến từ lối sống không lành mạnh giữa các thành viên là tương tự như nhau. Điều này củng cố thêm về tính chất liên quan đến gia đình của bệnh đột quỵ, đặc biệt khi đem nó kết hợp với những yếu tố nguy cơ di truyền khác.
Không như người ta vẫn nghĩ rằng các triệu chứng của đột quỵ thường không khó khăn để có thể phát hiện. Ngược lại, chúng có thể được nhận biết tương đối dễ dàng.
Để nhận biết nhanh các dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh đột quỵ, người ta gọi tắt nó là F.A.S.T. Các triệu chứng này bao gồm:
- F (Face): Người bệnh bị liệt mặt với biểu hiện thường thấy là sự tê liệt 1/2 mặt, cùng với đó là một nụ cười không cân xứng giữa hai bên.
- A (Arm): Một cánh tay của bệnh nhân có thể trở nên yếu đi, nó sẽ từ từ tự hạ xuống không phải do người bệnh cố ý sau khi được nâng lên trước đó.
- S (Speech): Người bị đột nhiên bị nói khó, hoặc nói lắp.
- T (Time): Thời gian tính từ lúc bắt đầu cho đến khi gọi cấp cứu y tế.
Ngoài ra, người bệnh còn có thể biểu hiện bệnh đột quỵ bằng các triệu chứng khác như đau đầu nhiều không xác định được nguyên nhân, giảm thị lực ở một hoặc hai mắt, chóng mặt, mất thăng bằng, nhầm lẫn hoặc khó khăn trong vấn đề nghe hiểu, tê yếu ở một bên mặt hoặc một bên của cơ thể,...
Tuổi tác thực sự là một yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh đột quỵ. Từ 55 tuổi trở đi, nguy cơ đột quỵ được ước tính tính rằng sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 10 năm. Nhưng điều này không có nghĩa bệnh đột quỵ chỉ xảy ra ở người già.
Một nghiên cứu đã phát hiện rằng, có đến 34% số bệnh nhân đột quỵ được ghi nhận vào năm 2009 là những người có độ tuổi dưới 65 tuổi. Còn theo một báo cáo khác, lứa tuổi thanh thiếu niên chiếm đến khoảng 15% tổng số bệnh nhân bị đột quỵ thiếu máu não cục bộ vào năm 2013.
Do đó, bệnh đột quỵ không chỉ có thể xảy ra ở người già mà nó còn có thể xuất hiện cả ở những người trẻ tuổi. Tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn lipid và hút thuốc lá là những yếu tố nguy cơ chủ yếu thúc đẩy đột quỵ ở lứa tuổi này.
Những triệu chứng đặc trưng có thể giúp nhận biết bệnh đột quỵ dễ dàng hơn, nhưng không phải tất cả các trường hợp bị đột quỵ đều sẽ có sự xuất hiện của các triệu chứng này.
Một nghiên cứu đã phát hiện, trong tổng số hơn 11 triệu trường hợp bị đột quỵ vào năm 1998 chỉ có khoảng 770 000 trường hợp có biểu hiện triệu chứng đột quỵ. Trong khi đó các trường hợp đột quỵ diễn ra âm thầm chiếm tới gần 11 triệu trường hợp còn lại. Điều này cho thấy các trường hợp đột quỵ không triệu chứng phổ biến hơn rất nhiều so với đột quỵ có triệu chứng trên thực tế.
Những trường hợp đột quỵ không triệu chứng thường được phát hiện thông qua bất thường trên phim chụp cộng hưởng từ (MRI). Hình ảnh tổn thương gợi ý là các điểm trắng đại diện cho các mô sẹo hình thành sau tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu não.
Về mặt điều trị, bệnh đột quỵ không triệu chứng nên được xử trí giống như một trường hợp đột quỵ có triệu chứng thông thường. Bởi đột quỵ không triệu chứng ở hiện tại có thể diễn tiến thành đột quỵ có triệu chứng trong tương lai, hoặc làm gia tăng nguy cơ bị suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ,...
Theo Tiến sĩ Ortiz, cách gọi "đột quỵ nhỏ" khiến một số người cho rằng nó có liên quan đến nguy cơ thấp, nhưng điều này là không chính xác. Cách gọi đột quỵ nhỏ là để chỉ một cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA).
Tình trạng đột quỵ nhỏ có thể dự báo cho một đột quỵ lớn có thể xảy ra sau đó. Khi có bất kỳ triệu chứng nào của đột quỵ, bất kể là thoáng qua hay kéo dài thì người bệnh đều cần được điều trị và xử lý cấp cứu. Từ đó giúp phòng tránh các tổn thương lớn có thể gây ra do một tình trạng đột quỵ nghiêm trọng hơn.
Một lầm tưởng về bệnh đột quỵ khác phải nhắc đến là quan niệm cho rằng căn bệnh này không thể đảo ngược và không thể điều trị được.
Nhưng Tiến sĩ Ortiz cho biết, đột quỵ có thể được điều trị cấp cứu bằng các thuốc tiêu huyết khối, loại bỏ huyết khối cơ học hoặc phẫu thuật,... Những biện pháp này có thể giúp nghịch chuyển các triệu chứng đột quỵ ở người bệnh.
Những bệnh nhân đến bệnh viện đủ sớm (trong vài phút hoặc vài giờ sau khi có triệu chứng) là những người nhận được nhiều lợi ích nhất từ việc điều trị. Càng bắt đầu điều trị muộn thì kết cục của người bệnh sẽ càng xấu. Do đó, nên gọi cấp cứu để chuyển bệnh nhân tới bệnh viện ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ đột quỵ xảy ra khó nói, nhìn đôi, yếu liệt,...
Mặc dù bệnh đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế lâu dài, nhưng không phải tất cả các bệnh nhân đột quỵ đều sẽ bị yếu, liệt. Một nghiên cứu ở các bệnh nhân lớn hơn 65 tuổi cho thấy, chỉ có khoảng 1/2 số người bệnh bị giảm khả năng vận động sau đột quỵ.
Sự ảnh hưởng lâu dài của đột quỵ lên người bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Những yếu tố này có thể kể đến như khu vực não bị ảnh hưởng bởi đột quỵ, số lượng mô não bị tổn thương,...
- Đột quỵ xảy ra ở bên trái: Yếu liệt nửa người bên phải, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm trí nhớ, phản ứng chậm,... là các ảnh hưởng thường thấy khi người bệnh bị đột quỵ ở não trái.
- Đột quỵ xảy ra ở bên phải: Nếu đột quỵ xảy ra ở não phải có thể sẽ dẫn đến các hậu quả gồm yếu liệt nửa người bên trái, rối loạn thị lực, tăng phản ứng, suy giảm trí nhớ,....
Đọc thêm: Làm thế nào để có thể phục hồi chức năng ngôn ngữ sau đột quỵ não?
Nếu cho rằng bệnh nhân đột quỵ có thể hồi phục nhanh chóng sau khi điều trị thì đây chắc chắn là một quan niệm sai lầm. Người bệnh có thể mất vài tháng hoặc cần đến nhiều năm để có thể bình phục. Thậm chí một số người phải sống chung với các hậu quả của đột quỵ suốt đời.
Các nghiên cứu khuyến cáo rằng, thời điểm từ 2-3 tháng sau khi bị đột quỵ là khoảng thời gian quan trọng nhất để người bệnh phục hồi. Khả năng bình phục của người bệnh sẽ khả quan hơn nếu có các can thiệp phục hồi vận động chuyên sâu trong giai đoạn này. Còn trong các giai đoạn muộn hơn, người bệnh vẫn có thể bình phục dần nhưng tốc độ sẽ chậm hơn nhiều.
Theo thống kê từ Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ cho biết, chỉ có khoảng 10% trong tổng số bệnh nhân còn sống sót sau đột quỵ được ghi nhận phục hồi gần như hoàn toàn. Trong khi đó, những người bị khiếm khuyết chức năng nhẹ hoặc khiếm khuyết chức năng từ trung bình tới nặng lần lượt chiếm tỷ lệ lên đến 25% và 40%.
Có thể thấy rằng, một số quan niệm mà chúng ta vẫn thường coi là đúng lại thực sự sự là những lầm tưởng về bệnh đột quỵ hết sức tai hại. Do đó mỗi người cần nắm bắt thông tin một cách chính xác và đầy đủ để có cái nhìn đúng đắn đối với căn bệnh nguy hiểm này.
Nguồn dịch: Medical Myths: All about stroke