Sự nguy hiểm của nấm thức thần: Thứ ma túy giới trẻ vẫn lầm tưởng là an toàn và không gây nghiện

Sự nguy hiểm của nấm thức thần: Thứ ma túy giới trẻ vẫn lầm tưởng là an toàn và không gây nghiện
Sự thật là nấm thức thần có thể gây ra những tác hại khôn lường, và nó cũng có thể khiến bạn bị nghiện.

Ngày 18/6, lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an cho biết mới đây Công an quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã bắt giữ Nguyễn Trần Tuấn Phương, một nam thanh niên 19 tuổi vì hành vi sản xuất, mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy.

Điều đáng nói là Phương từng nhiều năm là học sinh giỏi của một trường cấp 3 nổi tiếng và đang theo học ngành công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Theo thông tin điều tra ban đầu, thứ ma túy mà Phương đã sản xuất, sử dụng và buôn bán là nấm thức thần, hay còn gọi là nấm ma thuật (magic mushrooms).

Từ năm 2018, Phương đã tìm hiểu và sử dụng nấm thức thần như một công cụ xả stress. Sau đó, Phương đã tự nghiên cứu tài liệu bằng tiếng Anh trên mạng để học trồng, sản xuất nấm thức thần để sử dụng và để bán.

Sự nguy hiểm của nấm thức thần: Thứ ma túy giới trẻ vẫn lầm tưởng là an toàn và không gây nghiện - Ảnh 1.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không khó để có thể tìm thấy các bài hướng dẫn trồng và sử dụng nấm thức thần trên internet bằng tiếng Anh. Có nhiều bài viết tập trung miêu tả những trải nghiệm hấp dẫn khi sử dụng nấm thức thần, bao gồm cảm giác hạnh phúc, bình yên và thức tỉnh.

Một trang tin khoa học thường thức gọi nấm thức thần là loại ma túy "an toàn nhất" vì nó gửi ít người sử dụng đến phòng cấp cứu nhất so với các loại ma túy khác. "Nó không gây nghiện, ít khi bị quá liều và bạn có thể tự trồng", Popular Science viết.

Những thông tin sơ sài này có lẽ đã khiến nhiều người trẻ hiểu lầm về nấm thức thần, coi đó là một loại ma túy an toàn để sử dụng. Tuy nhiên, sự thật là nấm thức thần có thể gây ra những tác hại khôn lường, và nó cũng có thể khiến bạn bị nghiện.

1. Nấm thức thần là gì?

Sự nguy hiểm của nấm thức thần: Thứ ma túy giới trẻ vẫn lầm tưởng là an toàn và không gây nghiện - Ảnh 2.

Nấm thức thần hay nấm ma thuật là các loại nấm mọc hoang dã hoặc được trồng chứa một hợp chất gọi là psilocybin. Đây là một hợp chất gây ảo giác tự nhiên, được phân loại vào ma túy nhóm I. Nghĩa là nó có khả năng bị lạm dụng cao và không được sử dụng trong y tế.

Trong tự nhiên, nấm có chứa psilocybin trông giống như nấm khô thông thường với thân dài, mảnh, có màu trắng xám và mũ màu nâu sẫm với màu nâu nhạt hoặc trắng ở trung tâm. Chúng thường được hái về hoặc trồng để sử dụng bằng cách sấy khô rồi trộn vào thức ăn, đồ uống, hoặc thuốc hút.

Hợp chất psilocybin trong nấm thức thần cũng có thể được chiết xuất dưới dạng lỏng có màu nâu để pha hoặc thậm chí tiêm.

2. Điều gì sẽ xảy ra sau khi sử dụng nấm thức thần?

Sau khi ăn ấm thức thần, người sử dụng thường bắt đầu cảm thấy các hiệu ứng của nó trong khoảng 20 phút đến 2 giờ. Các hiệu ứng thường kéo dài 3 -6 tiếng đồng hồ, cá biệt có trường hợp lên tới 3 ngày bao gồm:

- Ảo giác thính giác hoặc thị giác

- Cảm giác bóp méo thời gian, không gian

- Cảm giác hạnh phúc

- Tăng nhịp tim, huyết áp, thân nhiệt

- Nhức đầu

- Buồn ngủ

- Rối loạn vận động

- Đổ mồ hôi, ớn lạnh

- Mặt đỏ

- Buồn nôn

Những người sử dụng nấm thức thần thường nhằm mục đích khai thác cảm giác hạnh phúc và ảo giác mà nó mang lại. Tuy nhiên, dùng nấm thức thần còn có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khôn lường.

3. Các tác dụng phụ của nấm thức thần

Sự nguy hiểm của nấm thức thần: Thứ ma túy giới trẻ vẫn lầm tưởng là an toàn và không gây nghiện - Ảnh 3.

Tác dụng phụ tiêu cực thường thấy nhất của nấm thức thần là "bad trip". Đó là một trạng thái với hàng loạt triệu chứng khó chịu về mặt thể chất như buồn nôn, ớn lạnh, nôn hoặc đau đầu. Các triệu chứng tâm thần trong "bad trip" cũng rất tồi tệ, bao gồm hoang tưởng, lo lắng hoặc sợ hãi cùng cực.

Dùng quá liều nấm thức thần thậm chí có thể gây ra các hiệu ứng đáng sợ hơn nữa bao gồm:

- Kích động

- Nôn

- Tiêu chảy

- Hoảng loạn

- Rối loạn tâm thần

- Co giật

- Hôn mê

4. Nguy cơ dùng phải nấm độc, nấm giả

Hiện có nhiều bạn trẻ cố gắng đi săn nấm thức thần chứa psilocybin trong tự nhiên. Nhưng một trong những tai nạn đáng tiếc nhất có thể xảy ra khi đó là bạn sẽ ăn phải các loại nấm độc. Các triệu chứng khi ăn phải nấm độc bao gồm: yếu cơ, lú lẫn, rối loạn tiêu hóa và mê sảng.

Nhiều loại nấm thức thần bán bất hợp pháp thực ra là nấm giả, không chứa psilocybin mà được pha các chất ma túy gây ảo giác khác như PCP và LSD. Điều này có thể đặt bạn vào nguy cơ sử dụng quá liều, bad trip và thậm chí tử vong.

5. Nấm thức thần có gây nghiện

Sự nguy hiểm của nấm thức thần: Thứ ma túy giới trẻ vẫn lầm tưởng là an toàn và không gây nghiện - Ảnh 5.

Psilocybin và nấm thức thần không giống nicotine hoặc heroin, nó không gây nghiện về mặt hóa học. Tuy nhiên, nấm thức thần vẫn có thể gây nghiện về mặt tâm lý, nếu nó khiến bạn sử dụng thường xuyên và khao khát các cảm giác mà nó mang lại.

Nếu bạn cảm thấy mình thường bị ám ảnh bởi cảm giác thôi thúc dùng nấm thức thần, bỏ dở công việc để sử dụng nó hoặc lạm dụng nó nhiều lần, đó là một dấu hiệu cho thấy bạn đã nghiện nấm thức thần.

6. Các tác hại lâu dài của nấm thức thần

Tùy thuộc vào số lượng và tần suất sử dụng nấm thức thần, bộ não của bạn có thể bị tổn thương vĩnh viễn khi sử dụng nó. Các nghiên cứu xác nhận nấm thức thần có thể khiến bạn mắc phải chứng loạn thần, giống những bệnh nhân tâm thần phân liệt.

Bạn cũng có thể bị rối loạn nhận thức kéo dài nhiều năm sau khi thử dùng nấm. Nó sẽ quấy rầy não bộ bạn với những hồi tưởng về trải nghiệm và ảo giác mà nấm mang lại, ngay cả khi bạn chỉ dùng nấm một lần duy nhất.

Các ảo giác có thể đặt bạn vào những tình huống nguy hiểm như giảm chú ý, nhầm lẫn, giảm khả năng phối hợp vận động, có thể dẫn đến tai nạn giao thông. Ngoài ra, việc sử dụng nấm cũng có thể khiến bạn rơi vào một "con dốc không phanh", tiếp tục sử dụng các chất kích thích và ma túy khác như cần sa, LSD hoặc heroin…


Tác giả: zknight