Trên thế giới hiện nay, hiện tượng phơi nhiễm với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm ngày càng trở nên phổ biến hơn. Điều này gây nên các hậu quả xấu cho sức khỏe cả về thể chất và tinh thần. Do đó, một nghiên cứu mới đây đã được thực hiện để đánh tác động sinh học khi phơi nhiễm với ánh sáng có cường độ khác nhau trong lúc ngủ.
Nghiên cứu trên được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Northwestern và công bố kết quả trên Tạp chí PNAS.
Theo nhóm nghiên cứu, phơi nhiễm với ánh sáng có cường độ vừa phải trong khi ngủ vào ban đêm có thể làm giảm khả năng điều hòa hàm lượng glucose và hệ tim mạch. Từ đó dẫn tới hậu quả làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường và các hội chứng chuyển hóa.
Kết quả này đồng quan điểm với những nghiên cứu về chủ đề tương tự đã từng được thực hiện trong quá khứ.
Chẳng hạn một nghiên cứu vào năm 2019 đã chỉ ra tác động tiêu cực của phơi nhiễm với ánh sáng khi ngủ lên quá trình chuyển hóa chất và làm gia tăng nguy cơ béo phì ở phụ nữ. Hay như một số nghiên cứu khác lại cho thấy rằng, phơi nhiễm ánh sáng khi ngủ làm biến đổi quá trình chuyển hóa glucose trong cơ thể, có mối quan hệ mật thiết với tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Đọc thêm:
+ Các chuyên gia cảnh báo: Ngừng làm điều này ngay nếu không muốn bị béo phì
+ Thông tin y học: Tiểu đường tuýp 2 là nặng hay nhẹ?
Để thực hiện đánh giá tác động của phơi nhiễm ánh sáng khi ngủ lên cơ thể, các nhà khoa học đã lựa chọn hơn 20 người thanh niên trưởng thành để tham gia nghiên cứu. Tất cả những người này đều được ghi lại thói quen giấc ngủ thông qua hoạt động ký và nhật ký giấc ngủ trước khi bước vào thí nghiệm thực sự.
Sau đó, một thí nghiệm kéo dài 3 ngày và 2 đêm sẽ được thực hiện. Những người tham gia nghiên cứu được phân chia ngẫu nhiên thành hai nhóm có chế độ tiếp xúc với ánh sáng trong khi ngủ khác nhau.
Cụ thể, nhóm đầu tiên chỉ phải tiếp xúc với cường độ ánh sáng yếu dưới 3 lx khi khi ngủ vào ban đêm. Trong khi đó nhóm thứ 2 sẽ tiếp xúc với ánh sáng yếu dưới 3 lx khi ngủ trong đêm đầu, còn đêm thứ 2 sẽ phải tiếp xúc với ánh sáng có cường độ trên 100 lx.
Cùng với đó thì các nhà khoa học cũng tiến hành thu thập nhiều nội dung khác. Những nội dung này bao gồm đánh giá hàm lượng melatonin và hàm lượng glucose máu, nhịp tim và chỉ số huyết áp, đánh giá chất lượng giấc ngủ thông ghi hình liên tục vào ban đêm, các bảng câu hỏi khảo sát về cảm giác buồn ngủ,...
Sau quá trình phân tích kết quả, họ nhận thấy nhóm phải tiếp xúc với ánh sáng mạnh khi ngủ phải chịu nhiều tác động hơn so với nhóm còn lại. Theo đó, nếu tiếp xúc với ánh sáng có cường độ mạnh hơn 100 lx khi ngủ sẽ khiến nhịp tim và tình trạng đối kháng insulin trong cơ thể tăng lên.
Ngoài ra, chất lượng giấc ngủ ở hai nhóm cũng có sự khác biệt lớn với nhau. Giấc ngủ của những người phải tiếp xúc với ánh sáng mạnh sẽ trải qua giai đoạn N2 nhiều hơn và ít có giai đoạn REM hơn so với những người tiếp xúc với ánh sáng yếu khi ngủ.
Một trong các tác giả của nghiên cứu - Tiến sĩ Phyllis C Zee đã có những lý giải cho kết quả mà nghiên cứu thu được. Theo bà, sự tác động của phơi nhiễm ánh sáng khi ngủ lên chuyển hóa glucose và nhịp tim có thể được giải thích thông qua ba cơ chế.
Cơ chế đầu tiên liên quan đến sự kích thích hoặc thức tỉnh do tác dụng của ánh sáng, nhưng dường như đây không phải là cơ chế chính của mối quan hệ này. Bởi những thay đổi được ghi nhận là rất nhỏ và không tương xứng với mức độ đề kháng insulin ở những người tham gia.
Một cơ chế khác được nghĩ đến là do sự ảnh hưởng của ánh sáng lên đồng hồ sinh học của cơ thể. Phơi nhiễm ánh sáng có thể làm thay đổi đồng hồ sinh học và ảnh hưởng đến sự bài tiết hormone melatonin - loại hormone có vai trò quan trọng đối với giấc ngủ. Nhưng kết quả thu được lại cho thấy không có khác biệt đáng kể về hàm lượng hormone melatonin đã được ghi nhận.
Vì thế bà cho rằng có một cơ chế khác dẫn tới mối liên hệ trên, trong đó vai trò của hệ thần kinh tự động được nhấn mạnh. Bởi tiếp xúc với ánh sáng khi ngủ có khả năng kích thích não bộ tác động lên hệ thần kinh tự động. Mà sự hoạt động của hệ thần kinh tự động lại gắn liền với khả năng điều hòa nhịp tim và tình trạng đề kháng insulin của cơ thể.
Còn theo Tiến sĩ Dale Sandler - Chuyên gia đến từ Viện Dịch vụ Y tế Môi trường Quốc gia Hoa Kỳ, ngoài những cơ chế như đã được nêu ở trên thì sự thay đổi tinh tế các giai đoạn của giấc ngủ cũng có thể giữ vai trò nhất định trong mối quan hệ này.
Dù rằng đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng Tiến sĩ Yong-Moon Park đến từ Trường Đại học Arkansas cho rằng nghiên cứu trên vẫn có những hạn chế nhất định.
Theo ông, những người tham gia nghiên cứu mới này đều là những người thanh niên trẻ. Vì thế kết quả của nghiên cứu không bao quát được cho các nhóm đối tượng ở độ tuổi khác hoặc có bệnh lý về di truyền. Ngoài ra, các yếu tố khác có thể tác động lên sức khỏe chuyển hóa tim mạch như giới tính, chủng tộc, dân tộc,... cũng không được đề cập đến trong nghiên cứu lần này.
Ông còn cho biết thêm, nghiên cứu mới cũng chưa đề cập đến các tác động khi thay đổi cường độ ánh sáng, thời gian phơi nhiễm ánh sáng khi ngủ và bước sóng của ánh sáng. Sự liên hệ của ánh sáng xanh với sức khỏe chuyển hóa tim mạch cũng cần phải được làm rõ hơn. Bởi việc sử dụng các thiết bị cá nhân có khả năng phát ra ánh sáng xanh như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay,... đang ngày càng trở nên phổ biến.
Nói về những hạn chế của nghiên cứu, Tiến sĩ Dale Sandler cho rằng, nghiên cứu này mới chỉ đánh giá tác động khi những người tham gia phơi nhiễm ánh sáng trong một đêm duy nhất. Trong khi đó, có những tác động không thể được phát hiện chỉ trong một đêm mà sẽ chỉ phát triển sau khi tiếp xúc kéo dài liên tục.
Cuối cùng bà kết luận rằng, có nhiều yếu tố khác nhau làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, rối loạn chức năng chuyển hóa tim mạch,... Phần lớn các yếu tố này đều rất khó để có thể kiểm soát. Nhưng tắt đèn khi đi ngủ có thể điều đơn giản mà mọi người có thể thực hiện để ngăn chặn những tình trạng trên phát triển.
Nguồn dịch: Sleeping with the light on may increase diabetes risk