Sử dụng chất béo thực vật làm giảm nguy cơ đột quỵ

Sử dụng chất béo thực vật làm giảm nguy cơ đột quỵ
Chất béo là một trong các nhóm dinh dưỡng chính cần thiết với con người. Nó gồm hai nhóm chính là chất béo nguồn gốc từ thực vật và chất béo từ động vật. Nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra, sử dụng chất béo thực vật có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh đột quỵ.

Chất béo thực vật làm giảm nguy cơ đột quỵ

Trong một báo cáo mới đây vào ngày 8/11, các nhà khoa học đã khuyến cáo rằng chất béo là thành phần cần thiết của một chế độ ăn uống lành mạnh. Do đó, không nên loại bỏ hoàn toàn chất béo khỏi chế độ ăn. Nhưng cần phải lưu ý về chủng loại chất béo được sử dụng.

Nghiên cứu cụ thể dự kiến sẽ được trình bày tại Hội nghị Khoa học năm 2021 do Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ tổ chức và cuối tuần này.

Theo các nhà khoa học, các loại chất béo thực vật (dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu đậu nành, các loại hạt,...) có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh nói chung, bao gồm cả nguy cơ mắc đột quỵ. Trong khi đó, nguy cơ bị đột quỵ lại tăng cao lên khi sử dụng các chất béo từ động vật.

Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Fenglei Wang đến từ Trường Y tế Công cộng Harvard T.H Chan cho rằng, "Các phát hiện trong nghiên cứu cho thấy loại chất béo và nguồn gốc chất béo là những yếu tố quan trọng hơn số lượng chất béo sử dụng trong ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch, kể cả giảm nguy cơ đột quỵ."

Khi đánh giá về nghiên cứu này, Chuyên gia dinh dưỡng Kristin Kirkpatrick đến từ Phòng khám Cleveland nhận định, kết quả của nghiên cứu có sự nhất quán với các nghiên cứu trước kia trong so sánh giữa chất béo thực vật và chất béo từ động vật.

Còn theo Trista Best - Thạc sĩ Y tế công cộng và đồng thời là Chuyên gia dinh dưỡng, chất béo bao gồm hai loại chính là chất béo bão hòa và chất béo không bão hòa. Trong đó, chất béo không bão hòa có nguồn gốc từ thực vật, còn chất béo bão hòa có nguồn gốc từ động vật.

Sự khác biệt của hai loại chất béo này nằm ở cấu trúc phân tử của chúng. Chất béo không bão hòa có ít nhất một liên kết đôi giữa hai nguyên từ carbon với nhau. Còn chất béo bão hòa không hề chứa liên kết đôi giữa hai nguyên tử carbon, và chúng thường tồn tại ở dạng rắn ngay tại nhiệt độ phòng. Nên chất béo bão hòa làm tăng nguy cơ các bệnh lý mãn tính như bệnh tim hay đột quỵ.

Sử dụng chất béo thực vật làm giảm nguy cơ đột quỵ - Ảnh 1.

Chất béo thực vật lành mạnh và có ích hơn so với chất béo từ động vật (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

- Các loại chất béo từ thực vật giúp giảm nguy cơ tử vong

- Chất béo là gì? Chất béo có ở đâu, có nguồn gốc và giá trị dinh dưỡng như thế nào?

Nghiên cứu cụ thể được tiến hành như thế nào?

Hai nghiên cứu chính là Nghiên cứu sức khỏe Y tá và Nghiên cứu theo dõi chuyên gia y tế đã được sử dụng làm nguồn dữ liệu chính cho nghiên cứu mới lần này. Đồng thời, 117 136 người tham gia nghiên cứu được lựa chọn phải thỏa mãn tiêu chuẩn không bị bệnh tim hay ung thư tại thời điểm nghiên cứu.

Cứ mỗi bốn năm một lần, các đối tượng tham gia nghiên cứu lại được yêu cầu trả lời các phiếu câu hỏi về việc sử dụng chất béo. Những câu hỏi này bao gồm các vấn đề về số lượng, loại chất béo và nguồn gốc chất béo mà họ đã tiêu thụ.

Sau khi phân tích, các nhà khoa học đã phát hiện một số kết quả bao gồm:

- Nguy cơ đột quỵ ở người ăn nhiều mỡ động vật nhất cao hơn 16% so với người ăn ít mỡ động vật nhất.

- Nguy cơ đột quỵ giảm 12% ở những người ăn nhiều nhất các chất béo không bão hòa đa hoặc chất béo thực vật.

- Không tăng nguy cơ đột quỵ khi ăn nhiều chất béo có nguồn gốc từ sữa (pho mát, bơ, sữa, kem,...)

- Nguy cơ đột quỵ tăng lên 8% khi ăn nhiều thịt đỏ. Thậm chí có thể tăng lên thêm 12% nếu ăn nhiều thịt đỏ đã qua chế biến (xúc xích, thịt xông khói,...)

Trista Best cho rằng, chế độ ăn nhiều thịt đỏ liên quan chủ yếu đến bệnh tim mạch, béo phì và đột quỵ. Các loại thịt đỏ chứa hàm lượng chất béo bão hòa cao, làm tăng cholesterol và khiến các động mạch bị tắc nghẽn.

Trong khi đó, chất béo thực vật hay các loại chất béo không bão hòa lại tốt cho sức khỏe tim mạch. Đặc biệt phải kể đến Omega-3, một loại chất béo mà cơ thể không có khả năng tự tổng hợp. Sử dụng Omega-3 giúp chống lại phản ứng viêm và giảm cholesterol trong máu, vì thế có lợi cho tim.

Tiến sĩ Wang thông tin thêm, họ đã đưa ra một số khuyến nghị dựa trên các phát hiện thu được. Những khuyến nghị này bao gồm giảm tiêu thụ thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn, giảm sử dụng hoặc thay thế mỡ động vật bằng các loại chất béo thực vật (dầu ô liu, dầu ngô, dầu đậu nành),... Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ đột quỵ.

Sử dụng chất béo thực vật làm giảm nguy cơ đột quỵ - Ảnh 2.

Ăn chất béo thực vật làm giảm nguy cơ bị đột quỵ (Ảnh: Internet)

Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh

Theo lời khuyên của Trista Best, phải sử dụng nhiều loại thực vật hơn trong chế độ dinh dưỡng có thể gây ra cảm giác khó khăn. Tuy nhiên, điều này sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bắt đầu thay thế thịt hoặc các sản phẩm từ thịt bằng rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt,...

Cô lưu ý thêm rằng, điều cần làm là phải tăng sử dụng thực vật trong chế độ ăn và giảm sử dụng thịt. Nhưng không cần thiết loại bỏ hoàn toàn thịt ra khỏi chế độ dinh dưỡng hằng ngày.

Trong Hướng dẫn dinh dưỡng cải thiện sức khỏe tim mạch do Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ phát hành, những phương pháp thay đổi chế độ dinh dưỡng để giảm nguy cơ đột quỵ đã được đề cập đến. Các nguyên tắc này bao gồm:

- Ăn nhiều trái cây và các loại rau, củ, quả hơn.

- Ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt.

- Nguồn cung cấp protein nên lựa chọn là thực vật, cá, hải sản, sữa ít béo hoặc không béo.

- Sử dụng chất béo thực vật thay cho mỡ động vật.

- Nếu ăn thịt, nên ăn phần thịt nạc và chọn sử dụng thịt chưa chế biến.

- Các loại thực phẩm chế biến tối thiểu nên được ưu tiên hơn các loại thực phẩm chế biến quá nhiều.

Kirkpatrick giải thích, các thay đổi nên được bắt đầu từ những điều nhỏ. Chẳng hạn như sử dụng dầu ô liu thay cho bơ, sử dụng các thực phẩm thay thế thịt,...Điều quan trọng là phải đảm bảo được các thành phần và hạn chế thực phẩm chế biến sẵn.

Đồng thời, sức khỏe tim mạch không chỉ phụ thuộc vào một yếu tố duy nhất. Mà nó bao gồm rất nhiều các yếu tố đa dạng như tập luyện thể lực, kiểm soát căng thẳng, chế độ dinh dưỡng, giấc ngủ và cân nặng,... Các yếu tố này tác động cùng với nhau, cũng như là với yếu tố di truyền.

Nguồn tham khảo: https://www.healthline.com/health-news/vegetable-fat-may-reduce-stroke-risk-while-animal-fat-can-increase-it?fbclid=IwAR1cDrQLY_1pXY-JaA2WOyZj9xr47trfLkl9LyBRx2GeqLTlCiYSrRDzeDM


Tác giả: QN