Sốt xuất huyết và sốt phát ban: Triệu chứng tương đồng dễ gây nhầm lẫn

Sốt xuất huyết và sốt phát ban: Triệu chứng tương đồng dễ gây nhầm lẫn
Sốt xuất huyết và sốt phát ban đều có biểu hiện ra bên ngoài là sốt kèm theo các nốt đỏ cùng cảm giác mệt mỏi, đau nhức, nôn mửa,... Vậy làm thế nào để phân biệt hai loại bệnh này?

1. Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết và sốt phát ban

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus Dengue, lây lan từ người sang người qua trung gian là muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn). Sau khi muỗi vằn cái hút máu bệnh nhân nhiễm virus Dengue, mầm bệnh ủ trong cơ thể muỗi khoảng 1 đến 2 tuần. Trong thời gian này, muỗi vằn tiếp tục đốt và truyền bệnh người chưa nhiễm bệnh.

Sốt phát ban lại là bệnh do do nhiễm virus (70 - 80%), trong đó virút đường hô hấp luôn chiếm đa số bao gồm virus sởi, virus gây bệnh rubella, adeno virus, echo virus, nhóm enterovirus… Bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc chảy mũi làm văng những giọt nước li ti nhiễm virus, người lành hít phải sẽ bị nhiễm bệnh.

Như vậy, nguyên nhân gây ra sốt xuất huyết và sốt phát ban là hoàn toàn không giống nhau, dẫn tới việc điều trị cũng khác nhau.

2. Phân biệt sốt xuất huyết và sốt phát ban thông qua các triệu chứng

2.1. Sốt cao

Sốt là biểu hiện chung của cả sốt xuất huyết và sốt phát ban.

Với các trường hợp sốt xuất huyết, bệnh nhân thường có biểu hiện sốt cao đột ngột (trên 39 độ), không rõ nguyên nhân. Các cơn sốt kéo dài và nối tiếp nhau trong suốt 2-7 ngày.

Ở bệnh sốt phát ban, sốt cao (39-40 độ) lại xuất hiện thành từng cơn, thường chỉ kéo dài 2-3 ngày.

2.2. Triệu chứng trong cơn sốt

Các triệu chứng xuất hiện trong cơn sốt là dấu hiệu để phân biệt sốt xuất huyết và sốt phát ban.

Trong cơn sốt xuất huyết, người bệnh thường kèm theo cảm giác đau đầu, đau nhức hai hốc mắt, đau mỏi cơ bắp, buồn nôn, nôn, chảy máu cam, chảy máu chân răng hoặc lợi. Với các trường hợp bệnh nặng hơn, sốt xuất huyết có thể gây chảy máu nội tạng, biểu hiện ra bên ngoài thông qua hiện tượng nôn hoặc đi vệ sinh ra máu, hành kinh bất thường,...

Sốt phát ban lại thường đi kèm với các triệu chứng viêm đường hô hấp như viêm, sưng đỏ họng, ho, ngạt mũi, sổ mũi, hắt hơi hoặc sưng to, nổi cục hạch vùng đầu, mặt, cổ,... Nặng hơn, sốt phát ban có thể gây ra viêm phế quản, viêm phổi hoặc viêm tai, biểu hiện là thở rít, chảy mủ tai,...

2.3. Xuất huyết hay phát ban

Biểu hiện nổi bật của hai loại bệnh này cùng là các nốt đỏ xuất hiện từng vùng trên da. Vậy làm thế nào để phân biệt sốt xuất huyết và sốt phát ban?

Để nhận biết, làm căng vùng da xung quanh nốt phát ban bằng cách sử dụng hai ngón tay cái và trỏ cùng bên. Nếu các nốt đỏ này vẫn là những chấm nhỏ li ti, hoặc màu đỏ mới xuất hiện lại sau 2 giây thì đây là các nốt xuất huyết. Ngược lại, nếu các chấm đỏ này mất đi, nhưng chúng lại phục hồi ngay khi buông tay ra thì đây là dấu hiệu sốt phát ban.

Tuy nhiên, để nhận biết nốt xuất huyết hay phát ban đòi hỏi sự quan sát rất kỹ. Nên kết hợp theo dõi thêm các triệu chứng khác để xác định bệnh. Nên chủ động tới gặp bác sĩ sớm để có phương pháp điều trị chính xác.

3. Lưu ý khi điều trị sốt xuất huyết và sốt phát ban

Khi chưa phân biệt đươc sốt xuất huyết và sốt phát ban, chỉ nên sử dụng paracetamol để hạ sốt. Các loại thuốc hạ sốt khác như aspirin, analgin, ibuprofen,... có thể gây ra xuất huyết đường tiêu hóa hoặc các biến chứng nguy hiểm khác. Đồng thời, khi sử dụng paracetamol, cần lưu ý sử dụng đúng liểu lượng phù hợp với lứa tuổi và đảm bảo thời gian giữa hai liều dùng.

Cả bệnh nhân sốt xuất huyết và sốt phát ban đều không nên tiến hành tự truyền dịch hoặc sử dụng kháng sinh tại nhà. Điều trị sai cách không chỉ gây tác dụng phụ mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra biến chứng như sốc, phù phổi cấp, suy tim,...

Sau khi đã xác định được triệu chứng của sốt xuất huyết và sốt phát ban, cần liên tục theo dõi các biểu hiện lạ của bệnh nhân như tiểu ít, huyết áp không ổn định, vật vã, li bì, mê sảng,... để đề phòng biến chứng.


Tác giả: Thảo Ngân