Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Bệnh lây sang người thông qua muỗi vằn Aedes. Đối tượng mắc bệnh sốt xuất huyết là tất cả mọi người, đặc biệt là những người có thể trạng yếu và sức đề kháng kém như trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai,...
Một số dấu hiệu thường gặp của bệnh là sốt cao (trên 39 độ) liên tục trong 2-7 ngày, kèm theo các biểu hiện như đau đầu, đau nhức hai hốc mắt, đau mỏi cơ bắp, buồn nôn, nôn, phát ban, mệt mỏi, chán ăn,... Ở các trường hợp bệnh nặng hơn, từ ngày thứ 4 của bệnh, bệnh nhân có thể xuất hiện thêm triệu chứng xuất huyết nội tạng, rối loạn nhịp tim, huyết áp,...
Các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết tiềm ẩn nhiều hệ lụy và nguy cơ xảy ra biến chứng hơn các trường hợp thông thường. Khi có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết khi mang thai, đặc biệt là trong mùa dịch, phụ nữ nên tới các cơ sở y tế để xác định nguyên nhân và được điều trị kịp thời.
Phụ nữ bị sốt xuất huyết khi mang thai cần có phương pháp điều trị đặc biệt, sử dụng các loại thuốc riêng. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, bệnh có thể dẫn tới xuất huyết âm đạo hoặc sảy thai.
Tuy nhiên, các trường hợp sốt xuất huyết khi mang thai thường không được phát hiện sớm vì các dấu hiệu rất dễ gây nhầm lẫn với các loại bệnh thông thường. Ngoài ra, việc chẩn đoán bệnh cũng khó hơn so với người bình thường vì phụ nữ mang thai sẽ gặp tình trạng pha loãng máu sinh lý, khó nhận biết hiện tượng cô đặc máu.
Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết thường gặp nguy hiểm nhất vào giai đoạn đầu của thai kỳ. Trong giai đoạn này, virus sốt xuất huyết có thể tác động đến cơ quan tạo máu của mẹ và bé, dẫn đến tình trạng rối loạn đông máu, nguy hiểm nhất là sự suy giảm chất lượng và số lượng tiểu cầu.
Ngoài ra, tình trạng sốt và mất nước kéo dài cùng các tổn thương ở gan, thận, cũng có thể dẫn tới suy nhược thai, đẻ non hoặc thai chết lưu. Hơn nữa, sốt xuất huyết khi mang thai, đặc biệt là trong thời gian chuyển dạ có thể gây nguy hiểm, thậm chí dẫn tới tử vong ở cả mẹ và bé do tình trạng chảy máu, xuất huyết kéo dài.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Đồng Thu Trang, khoa A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết khi mang thai phụ thuộc vào từng giai đoạn của thai kỳ. Trong đó, hai giai đoạn nguy hiểm nhất là đầu và cuối thai kỳ. Ngoài ra, mức độ nguy hiểm của bệnh còn phụ thuộc nhiều vào thể trạng, sức đề kháng của từng thai phụ và nhiều yếu tố khác.
Các bác sĩ sẽ căn cứ vào giai đoạn của thai kỳ để có các tác động phù hợp đến thai nhi. Thông thường, bác sĩ không chỉ định phá thai đối với các trường hợp bị sốt xuất huyết khi mang thai. Do đó, thai phụ cần giữ tâm lý ổn định, không nên quá lo lắng để tránh làm ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và bé.
Tuy nhiên, sốt xuất huyết là bệnh có nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm rất cao. Vì vậy, bệnh nhân bị sốt xuất huyết khi mang thai cần liên tục theo dõi các triệu chứng bất thường của cơ thể và tuyệt đối tuân thủ sự chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý thêm bớt hoặc ngưng sử dụng các loại thuốc, kể cả khi các triệu chứng đã giảm nhẹ.
Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết cũng cần nghỉ ngơi thường xuyên bù nước và chất dinh dưỡng cho cơ thể bằng nước ép trái cây và các loại thực phẩm dễ ăn, đủ chất. Ngoài ra, nếu chưa sốt quá 38 độ, chỉ nên hạ nhiệt cho cơ thể bằng các phương pháp vật lý như chườm mát, lau người bằng nước ấm vùng trán, nách, bẹn,...