Vào mỗi dịp giao mùa, bệnh sốt xuất huyết lại có xu hướng tăng nhanh về số lượng người mắc. Điều này khiến các vấn đề liên quan đến triệu chứng của bệnh cũng được mọi người quan tâm. Trong đó, bệnh sốt xuất huyết có ho không, ho do nguyên nhân gì và làm cách nào để giảm ho là những câu hỏi thường được đặt ra.
Thông thường khi nhắc đến bệnh sốt xuất huyết, mọi người thường nghĩ đến các triệu chứng như sốt, chảy máu, mất nước, suy phủ tạng, sốc,... ho là biểu hiện ít được đề cập đến. Nhưng trên thực tế, ho là một trong những triệu chứng có thể xuất hiện ở các bệnh nhân sốt xuất huyết.
Có nhiều cơ chế khác nhau khiến bệnh nhân sốt xuất huyết bị ho, chẳng hạn có thể kể đến như:
- Ngứa cổ, kích thích vùng hầu họng: Vào giai đoạn cuối của bệnh - giai đoạn hồi phục, dịch từ các khoảng gian bào sẽ được tái hấp thu vào trong lòng mạch. Khi sự tái hấp thu này xảy ra ở các mô vùng hầu họng của đường hô hấp, bệnh nhân thường cảm thấy ngứa cổ, ngứa họng. Từ đó khiến người bệnh bị kích thích và gây ho. Ho do nguyên nhân tái hấp thu dịch trong giai đoạn hồi phục của bệnh sốt xuất huyết thường là ho khan.
- Tràn dịch màng phổi: Trong những giai đoạn đầu của bệnh, dịch từ huyết tương thoát ra các khoang ngoại bào của cơ thể, trong đó có khoang màng phổi. Hiện tượng tràn dịch màng phổi có thể khiến lá thành và lá tạng của màng phổi bị kích thích, ho sẽ trở thành một biểu hiện có thể gặp phải. Cũng giống như ho do bị kích thích vùng hầu họng, ho do tràn dịch màng phổi trong bệnh sốt xuất huyết là ho khan.
- Phù phổi cấp: Phù phổi cấp là hiện tượng dịch bị thoát quá nhanh vào lòng các phế nang, khiến các phế nang bị tràn ngập nước. Do đó, phù phổi cấp còn được gọi là hiện tượng chết đuối trên cạn. Đây là một biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết, thậm chí đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Ho ở những bệnh nhân sốt xuất huyết bị phù phổi cấp thường là ho đột ngột, có đờm, kèm theo đó là hiện tượng suy hô hấp cấp.
- Viêm phổi: Một số bệnh nhân sốt xuất huyết có thể gặp phải biến chứng viêm phổi trong quá trình điều trị bệnh. Tỷ lệ nguy cơ tăng lên ở các bệnh nhân nặng, bệnh nhân phải nằm điều trị dài ngày tại các khoa hồi sức tích cực. Phổi viêm dẫn đến việc người bệnh có biểu hiện ho và khạc đờm.
Có thể thấy, sốt xuất huyết có thể gây ho nhưng thường sẽ không gây nguy hiểm. Nếu trường hợp ho mãi không khỏi, ho kèm với các triệu chứng khác như đau, ho đột ngột, ... nên đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác.
Đọc thêm:
- Diễn biến sốt xuất huyết: Giai đoạn nào là nguy hiểm nhất
- Sốt xuất huyết: Cách phân biệt triệu chứng, điều trị và lưu ý về chế độ dinh dưỡng
Vấn đề điều trị ho ở bệnh nhân sốt xuất huyết như thế nào sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra triệu chứng này là gì?
Trong đa phần các trường hợp, bệnh nhân sốt xuất huyết chỉ có biểu hiện ho khan do nguyên nhân tăng tái hấp thu dịch gây ngứa, kích thích vùng hầu họng hoặc do tình trạng tràn dịch màng phổi,... Lúc này, ho được xác định là một triệu chứng trong quá trình diễn tiến tự nhiên của bệnh và hoàn toàn có thể tự khỏi khi bệnh thoái lui hẳn mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, nếu ho quá nhiều khiến người bệnh khó chịu, sinh hoạt bị đảo lộn thì vấn đề điều trị cần được đặt ra. Các loại thuốc kháng histamin H1 thường là lựa chọn được các bác sĩ sử dụng để giảm ho cho những trường hợp bệnh nhân ho khan do cảm giác ngứa họng hoặc kích thích.
Còn khi bệnh nhân ho kèm theo có đờm, dấu hiệu này cảnh báo tình trạng nghiêm trọng hơn nên cũng yêu cầu việc can thiệp diễn ra tích cực hơn. Chẳng hạn đối với những bệnh nhân bị phù phổi cấp, hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân ngay lập tức là điều cần thiết, bởi biến chứng này có thể dẫn đến tử vong một cách nhanh chóng. Hay những trường hợp ho do biến chứng viêm phổi, bệnh nhân cần phải được sử dụng kháng sinh liệu pháp để xử lý tình trạng viêm nhiễm đang xảy ra.
Trên đây giải đáp cho câu hỏi: "Sốt xuất huyết có ho không?" và một số vấn đề liên quan. Nếu gặp tình trạng ho kéo dài hay có những bất thường khác, các bạn nên đến bệnh viện để được tư vấn và chẩn đoán chính xác.