Tâm lý thường gặp của bất cứ người bệnh nào là cứ có bệnh sẽ dùng thuốc ngay và thậm chí dùng với liều lượng cao với tư tưởng sẽ nhanh chóng khỏi bệnh. Các bác sĩ cho biết đây không những là thói quen sai mà còn gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng chẳng hạn như nhờn thuốc, sốc thuốc hay tác dụng phụ không mong muốn.
Đối với bệnh nhân sốt virus cũng vậy. Người bệnh luôn trong tư thế sốt virus có nên dùng kháng sinh để khỏi hẳn không hay nên dùng lúc nào,... Dưới đây là câu trả lời cho câu hỏi sốt virus có nên dùng kháng sinh không?
Trước khi tìm hiểu sốt virus có nên dùng kháng sinh hay không hãy xem sốt virus là gì?
Sốt virus là bệnh lý gây nên do tình trạng virus xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Lý do phổ biến hàng đầu gây nên sốt virus là tình trạng nhiễm virus ở đường hô hấp. Bệnh có thể xuất hiện ở tất cả các đối tượng khác nhau (không phân biệt tuổi tác và giới tính), thường sẽ tự khỏi sau trong 1-2 tuần sau khi khởi phát bệnh.
Bệnh sốt virus có thể được biểu hiện bằng nhiều triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên các triệu chứng thường hay gặp nhất của bệnh bao gồm sốt (sốt trung bình hoặc sốt cao, sốt liên tục), đau nhức mình mẩy, đau đầu, các biểu hiện tại đường hô hấp (ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng,...), viêm kết mạc,...
Sốt virus có nên dùng kháng sinh không? (Ảnh: Internet)
Hiện nay, rất nhiều bệnh nhân khi điều trị sốt virus với mong muốn khỏi bệnh một cách nhanh chóng đã tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh. Vậy sốt virus có nên dùng kháng sinh ngay không?
Việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh trong điều trị sốt virus là một điều không đúng. Bởi thuốc kháng sinh là thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh do vi khuẩn gây nên do có khả năng tiêu diệt vi khuẩn. Nhưng đối với tác nhân gây bệnh là virus, thuốc kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng khi sử dụng để điều trị.
Bên cạnh đó, sử dụng thuốc kháng sinh khi điều trị sốt virus có thể gây nên nhiều nguy cơ sức khỏe khác nhau, kể đến như:
- Tác dụng phụ của thuốc: Khi sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị sốt virus chẳng những không thể tiêu diệt được căn nguyên gây bệnh mà còn khiến bệnh nhân phải chịu nhiều tác dụng phụ khác nhau của thuốc sử dụng.
- Có thể gây nên tình trạng bội nhiễm thứ phát: Tình trạng bội nhiễm thứ phát có thể xảy ra trên bệnh nhân sốt virus sau khi sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị.
- Gia tăng nguy cơ kháng thuốc: Việc sử dụng bừa bãi các loại thuốc kháng sinh hiện nay là một trong các nguy cơ khiến ngày càng có nhiều chủng vi khuẩn kháng thuốc hơn. Điều này gây khó khăn hơn cho các điều trị về sau nếu có nhiễm khuẩn xảy ra.
Vì vậy, sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị sốt virus là điều không cần thiết và không có tác dụng điều trị.
Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để điều trị căn nguyên cho các bệnh nhân sốt virus. Vì vậy, việc điều trị sốt virus cho người bệnh vẫn chủ yếu là điều trị các triệu chứng biểu hiện của bệnh và theo dõi các diễn tiến bất thường của bệnh để có thể xử lý kịp thời.
- Bù nước và điện giải: Bù nước và điện giải trong điều trị sốt virus rất quan trọng bởi bệnh nhân có thể bị mất một lượng nước lớn do sốt. Bệnh nhân có thể bù nước, điện giải bằng đường uống với oresol hoặc bằng các loại dịch truyền.
- Hạ sốt: Bệnh nhân có thể có sốt cao liên tục, kéo dài,... Do đó kiểm soát tốt nhiệt độ cho bệnh nhân là điều rất cần thiết bởi sốt quá cao có thể gây co giật cho người bệnh. Các phương pháp hạ sốt thường được sử dụng trong điều trị sốt virus hiện nay là hạ sốt bằng thuốc và hạ sốt bằng các phương pháp vật lý.
- Chống co giật: Khi bệnh nhân sốt quá cao, tình trạng co giật có thể sẽ xảy ra. Vì vậy trong điều trị sốt virus đôi khi người ta có thể cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc chống co giật nếu bệnh nhân có nhiệt độ quá cao.
Qua đó ta thấy rằng, trong điều trị sốt virus thuốc kháng sinh không thể hiện hiệu quả điều trị mà chỉ làm gia tăng các nguy cơ xấu đến sức khỏe. Do đó, người bệnh sốt virus không được tự ý sử dụng kháng sinh trong quá trình điều trị mà cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ đưa ra.