Mới đây, các nhà khoa học thuộc hai trường Đại học Soroka và Đại học Ben - Gurion, Israel đã công bố cuộc khảo sát về nguy cơ mắc bệnh tim khi sống trong môi trường ô nhiễm không khí trên tờ tạp chí khoa học Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism.
Sống trong môi trường bị ô nhiễm không khí sẽ làm bạn có nguy cơ mắc bệnh tim (Nguồn: Internet)
Theo đó, họ tiến hành phân tích dữ liệu của 73.117 người dân ở miền Nam Israel - nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao. Từ đó sẽ đưa ra kết luận về nguy cơ mắc bệnh tim mạch khi sống trong môi trường nhiều khói bụi. Nhóm nghiên cứu kết hợp hình ảnh vệ tinh về lượng ánh sáng bị bụi ngăn cản cùng với thông tin về thời tiết để tạo ra mô hình giúp họ quan sát và ước lượng được mức độ ô nhiễm mỗi ngày tại đây.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng tiến hành phân tích mẫu máu của hơn 600.000 người để so sánh mức độ phơi nhiễm của bụi trong máu với bệnh tim. Họ phát hiện ra những người bị phơi nhiễm nhiều với bụi trong không khí có lượng đường trong máu, nồng độ Cholesterol xấu và lượng Triglyceride cao hơn so với những người ít bị phơi nhiễm. Và ngược lại, ở người sống trong môi trường nhiều khói bụi lại có lượng Cholesterol tốt thấp hơn những người khác.
Như vậy, có thể thấy môi trường có nhiều khói bụi sẽ làm rối loạn quá trình chuyển hóa của cơ thể, đây cũng chính là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là đau tim. Tuy nhiên, việc một người sống trong bầu không khí bị ô nhiễm sẽ không làm người đó chịu ảnh hưởng xấu ngay mà về lâu dài bệnh tim mới khởi phát. Bằng chứng là các nhà khoa học đã quan sát mẫu máu phơi nhiễm qua 7 ngày nhưng không thấy có thay đổi gì đáng kể. Sau đó 3 tháng, mẫu máu trên mới xuất hiện những yếu tố nguy cơ của bệnh tim, điển hình là việc thay đổi lượng Cholesterol trong máu.
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân hàng đầu khiến bạn bị các bệnh về đường hô hấp (Nguồn: Internet)
Ô nhiễm không khí hiện nay chủ yếu là do các hoạt động công nghiệp của con người gây ra. Ô nhiễm môi trường không khí có tác động xấu đối với sức khoẻ con người, đặc biệt là gây ra các bệnh đường hô hấp; tiếp xúc với không khí độc hại có thể dẫn đến đột quỵ, đau tim, ung thư phổi và bệnh phổi mạn tính.
Đây cũng là nguyên nhân gây chết người nhiều thứ 4 trong số các rủi ro về sức khỏe, đứng sau huyết áp cao, chế độ ăn uống vô độ và hút thuốc lá. Thậm chí môi trường không khí bị ô nhiễm còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái và gây ra biến đổi khí hậu (hiệu ứng "nhà kính", mưa acid và thủng tầng ozon).
Công nghiệp hoá càng mạnh, đô thị hoá càng phát triển thì nguồn khói thải gây ô nhiễm môi trường không khí càng nhiều, nguy cơ làm biến đổi chất lượng không khí theo chiều hướng xấu càng lớn, yêu cầu bảo vệ môi trường không khí càng quan trọng. Việt Nam cũng đang nằm trong Top đầu các nước ô nhiễm không khí trên thế giới.
Tổng hợp