Lười uống nước và nhịn tiểu, coi chừng phải chịu đau đớn vì căn bệnh nguy hiểm này

Tham vấn chuyên môn: -
Lười uống nước và nhịn tiểu, coi chừng phải chịu đau đớn vì căn bệnh nguy hiểm này
Thói quen lười uống nước, nhịn tiểu và ăn nhiều muối là những nguyên nhân gây sỏi thận điển hình nhất. Bệnh sỏi thận tuy có thể điều trị dứt điểm, tuy nhiên những đau đớn mà căn bệnh gây ra khiến cuộc sống của người bệnh gặp nhiều khó khăn.

Sỏi thận có thể gây ra những đau đớn, tiểu buốt, tiểu khó khiến người bệnh bứt rứt. Sỏi thận nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. 

Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây sỏi thận, trong đó thói quen lười uống nước và nhịn tiểu là nguyên nhân chính.

1. Tại sao lười uống nước và nhịn tiểu lại là nguyên nhân gây sỏi thận?

Sỏi thận có thể là những tinh thể có kích thước nhỏ hoặc rất lớn. Khi bạn uống không đủ nước, lượng nước tiểu ít không đủ hòa tan muối, khoáng chất và chất khác trong cơ thể dẫn đến hình thành sỏi thận. 

Mặt khác, thói quen nhịn tiểu khiến sỏi thận ứ đọng trong bàng quang, gây ra triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc viêm bàng quang.

Ảnh 1.

Lười uống nước, nhịn tiểu là nguyên nhân gây sỏi thận - Ảnh: Internet

Nhiễm trùng đường tiết niệu là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ảnh hưởng đến đường tiết niệu. Vi khuẩn xâm nhập niệu đạo, bàng quang lây lan đến thận. Phụ nữ thường xuyên bị nhiễm trùng niệu đạo hơn đàn ông do cấu trúc sinh học đặc trưng. 

Chính vì vậy, khi bị sỏi thận, bệnh nhân được khuyên là không nên nhịn tiểu và uống đủ nước từ 2,5l đến 3l mỗi ngày giúp làm loãng nước tiểu, khiến các chất khoáng tan ra, không có điều kiện để đóng cặn trong cơ thể.

2. Những nguyên nhân gây sỏi thận khác

- Bệnh gout: Căn bệnh làm tăng acid uric trong máu và nước tiểu có thể dẫn đến sự hình thành sỏi thận.

- Tăng calci niệu (mức canxi cao trong nước tiểu). Đây ra căn bệnh di truyền có thể dẫn đến sự hình thành sỏi thận trong khoảng hơn ½ trường hợp bệnh nhân mắc bệnh. Những người mắc căn bệnh này thường thường hấp thụ quá nhiều canxi từ thức ăn và bài tiết qua nước tiểu – nơi có thể hình thành các muối không tan calci photphat hoặc sỏi calci oxalat.

- Hội chứng tăng năng tuyến cận giáp, bệnh thận và các chứng bệnh chuyển hóa di truyền khác, tiểu đường và huyết áp cao cũng liên quan đến nguy cơ cao phát triển sỏi thận.

- Những người bị bệnh viêm ruột, từng phẫu thuật cắt bỏ đường ruột hoặc dạ dày cũng có nhiều khả năng bị sỏi thận.

Ảnh 2.

Phòng tránh sỏi thận và các bệnh nguy hiểm khác bằng việc uống đủ nước mỗi ngày - Ảnh minh họa

- Chế độ ăn quá nhiều protein động vật, nhiều muối, nhiều đường, bổ sung quá lượng vitamin D và ăn quá nhiều thực phẩm có chứa oxalat như rau bina cũng góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh. Chính vì vậy, người bị sỏi thận hoặc muốn phòng tránh sỏi thận thì nên tránh một số thực phẩm như rau bina, cà chua (hạt cà chua), hải sản...

Bệnh sỏi thận hoàn toàn có thể phòng tránh nhờ thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học. Ngay từ bây giờ, hãy xây dựng cho mình và gia đình thói quen ăn uống thanh đạm, hạn chế các chất kích thích, từ bỏ thuốc lá và cố gắng dành tối thiểu 30 phút để tập luyện mỗi ngày.

Tác giả: MN