Sốc nhiệt và đột quỵ là hai bệnh lý phổ biến thường gặp trong mùa hè. Xét về tính chất, cả hai bệnh đều gây ra nguy hiểm đối với sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Vừa bước vào đợt nóng nhưng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận hàng chục bệnh nhân/ngày bị đột quỵ tới điều trị. Bác sĩ làm việc từ sáng đến tối, số lượng bệnh nhân đột quỵ tăng khoảng 20%.
Theo PGS TS Nguyễn Văn Chi thời tiết nắng nóng bất thường là yếu tố tạo thuận, khiến các yếu tố nguy cơ đột quỵ tiến triển ở một số nhóm người có yếu tố nguy cơ cao như: huyết áp, rối loạn mỡ máu, loạn nhịp tim, bệnh lý máu, người hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, hội chứng rối loạn chuyển hóa….
Nếu bệnh nhân không dự phòng tốt thì yếu tố nguy cơ cao khiến cho bệnh nhân rất dễ bị đột quỵ. Trong những ngày nắng nóng, người có yếu tố nguy cơ cần phải cẩn trọng để phòng tránh đột quỵ.
"Hiện nay, mô hình bệnh tật của Việt Nam giống các nước phát triển, các bệnh không nhiễm trùng tăng lên và người trẻ cũng mang các yếu tố nguy cơ không khác so với người lớn tuổi. Trước tỷ lệ người lớn tuổi đột quỵ cao, giờ tỷ lệ người trẻ cao hơn.
Quan niệm mùa đông người bệnh lo lắng quan tâm tới huyết áp hơn mùa hè là sai lầm. Vì mùa nào cũng phải kiểm soát huyết áp. 3 yếu tố: ăn uống/sinh hoạt nghỉ ngơi/thuốc điều trị - đạt mục tiêu đạt huyết áp ổn định", PGS. Chi nói.
PGS Chi cho biết để phân biệt đột quỵ và sốc nhiệt cần lưu ý đến những dấu hiệu dưới đây.
Sốc nhiệt, bệnh nhân sẽ kích thích vật lộn, thân nhiệt tăng cao, dấu hiệu mất nước, đau đầu, nôn mửa. Ngoài ra, nạn nhân có các triệu chứng rối loạn tim mạch, rối loạn hô hấp, rối loạn thần kinh trung ương… Yếu tố nguy cơ do bệnh nhân làm việc trong điều kiện nắng nóng, ngoài trời mùa hè.
Khi bị sốc nhiệt, đưa nạn nhân ra khỏi môi trường nóng, cởi bỏ quần áo, chuyển tới nơi bóng râm. Cho nạn nhân uống nước mát nếu như nạn nhân uống được. Nếu nạn nhân mất ý thức, không thấy có dấu hiệu tuần hoàn như tự thở, ho và cử động tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR).
Đột quỵ, người bệnh sẽ bị liệt mặt 1 bên, yếu tay chân 1 bên, bất thường ngôn ngữ, mất thị lực 1-2 bên, mất thăng bằng…. dấu hiệu sớm phát hiện đột quỵ.