Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra bởi virus Dengue. Loại virus này được truyền sang cơ thể người qua loài muỗi vằn (muỗi Aedes aegypti). Bệnh luôn thường trực nguy cơ lây lan rộng và bùng phát thành dịch, đặc biệt là vào thời điểm mùa mưa, khi muỗi và các loại virus, vi khuẩn sinh sôi và phát triển mạnh.
Ở Việt Nam, mỗi năm ghi nhận từ 50.000 đến 100.000 ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước. Cùng với đó, tỉ lệ tử vong do các biến chứng sốt xuất huyết cũng ngày một tăng. Nguyên nhân gây tử vong của bệnh chủ yếu là do sốc Dengue và suy tạng.
Không phải trường hợp nào mắc sốt xuất huyết cũng xảy ra biến chứng. Đối với các trường hợp nhẹ, bệnh nhân thường sốt cao (trên39 độ) liên tục trong 2-7 ngày, kèm theo các triệu chứng đau đầu, đau nhức hốc mắt, phát ban,... Các triệu chứng này có thể biến mất nếu được điều trị đúng cách. Ngược lại, bệnh cũng có thể trở nặng hơn khi không được chăm sóc và điều trị phù hợp.
Ở các trường hợp sốt xuất huyết nặng, chủ yếu gặp ở trẻ em, bệnh nhân sẽ xuất hiện một số triệu chứng đặc biệt như xuất huyết trên da, niêm mạc, chảy máu lợi, chân răng, đi vệ sinh hoặc nôn ra máu, chân tay lạnh, người vật vã, li bì, đau bụng vùng gan,...
Đây được xác định là thể bệnh có nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng với tỉ lệ tử vong cao, lên tới 30-40%. Đáng lưu ý, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sốt xuất huyết nặng có thể tử vong trong vòng 5-6 giờ kể từ thời điểm bắt đầu xảy ra biến chứng. Đặc biệt, hai biến chứng thường gặp và nguy hiểm nhất của bệnh là sốc Dengue và suy tạng, có thể dẫn tới tử vong rất nhanh.
Sốc Dengue và suy tạng là hai biến chứng sốt xuất huyết nguy hiểm ở mức báo động đỏ. Khi có các biểu hiện dưới đây, bệnh nhân sốt xuất huyết cần được cấp cứu và điều trị sớm nhất có thể để hạn chế nguy cơ tử vong.
Sốc Dengue là tình trạng gây ra do sự rối loạn phân bố nước giữa các khu vực lòng mạch và khoảng gian bào. Biến chứng sốc Dengue thường xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh, khi bệnh nhân bắt đầu bước vào giai đoạn lui sốt, nhiệt độ cơ thể dần hạ. Đây cũng chính là thời điểm nhiều bệnh nhân chủ quan, không chú ý tới các biểu hiện của biến chứng sốt xuất huyết.
Sốc Dengue thường biểu hiện ra ngoài qua các dấu hiệu như cơ thể mất nước, người mệt lả, li bì, tiểu ít, lượng tiểu giảm, đau tức vùng gan... Thời gian xảy ra sốc Dengue thường kéo dài từ 12-24 giờ.
Khi có các biểu hiện này, bệnh nhân cần nhập viện để tiến hành truyền dịch và điều trị. Bệnh nhân có thể sớm hồi phục khi được cấp cứu kịp thời. Ngược lại, sốc Dengue có thể trở nên trầm trọng và gây tử vong chỉ trong vòng 5-6 giờ nếu không được điều trị.
Một biến chứng sốt xuất huyết vô cùng nguy hiểm khác là suy đa phủ tạng (suy tạng). Đây là biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ, người già hoặc người có thể trạng yếu bị sốt xuất huyết.
Suy tạng có thể gây ra tình trạng viêm não, viêm cơ tim, phù phổi, tràn dịch màng phổi, viêm gan nặng, chảy máu dạ dày, viêm dạ dày,... Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở bệnh nhân sốt xuất huyết khi không được điều trị kịp thời.
Sốc Dengue và suy tạng chỉ là hai trong nhiều biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây ra tình trạng giảm tiểu cầu, thoát huyết tương,... Đây đều là các biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong. Do đó, bệnh nhân sốt xuất huyết nên theo dõi các biểu hiện lạ của bệnh để hạn chế các nguy cơ xảy ra biến chứng.