Mặc dù bệnh tiểu đường type 1 và type 2 đều có những điểm chung, nhưng có rất nhiều điểm khác biệt. Việc so sánh tiểu đường type 1 và type 2 sẽ giúp mọi người có được cái nhìn tổng qquan nhất về nguyên nhân gây bệnh, chúng ảnh hưởng đến ai và người mắc bệnh nên quản lý tình trạng của mình như thế nào.
Bệnh tiểu đường type 2 là một căn bệnh khá phổ biến, nó chiếm tới 90% số người mắc bệnh. Trong khi đó, số người mắc tiểu đường type 1 chỉ chiếm 8%. Rất nhiều người bị nhầm lẫn giữa bệnh tiểu đường type 1 và type 2. Tuy nhiên điều quan trọng nhất cần phải lưu ý là mức đường huyết cao có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, bất kể bạn mắc bệnh tiểu đường nào.
Trong cả hai loại là type 1 và type 2, bệnh nhân mắc tiểu đường đều có nguy cơ gia tăng đối với một loạt các biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe. Mặc dù có những phương pháp kiểm soát riêng cho từng loại bệnh, nhưng cả hai thể bệnh này đều có thể dẫn đến suy thận và giảm thị lực. Bệnh đái tháo đường type 1 và type 2 cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến đột quỵ, bệnh tim và bệnh mạch chi dưới.
Dưới đây là một số điểm khác biệt khi so sánh tiểu đường type 1 và type 2:
Khi mắc bệnh tiểu đường type 1, cơ thể sẽ tấn công các tế bào trong tuyến tụy. Điều này cũng có nghĩa là cơ thể bệnh nhân không thể tạo ra bất kỳ insulin nào. Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể biết rõ được nguyên nhân chính xác gây ra loại bệnh này.
Tuy nhiên các triệu chứng của tiểu đường type 1 thường xuất hiện nhanh hơn và chúng có thể được điều trị bằng cách sử dụng insulin nhằm kiểm soát lượng đường trong máu. Y học hiện nay vẫn chưa tìm ra cách để chữa khỏi căn bệnh này.
Đọc thêm:
- 10 hiểu lầm về tiểu đường tuýp 1
- Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể thuyên giảm không cần dùng thuốc
Còn đối với bệnh tiểu đường type 2, cơ thể bệnh nhân không thể sản xuất đủ insulin hoặc insulin mà họ tạo ra không hoạt động một cách bình thường. Nguyên nhân gây ra bệnh có thể bao gồm béo phì, thừa cân, lối sống không khoa học cũng như các yếu tố di truyền.
Khác với type 1, các triệu chứng của tiểu đường type 2 có thể dễ bỏ sót hơn vì chúng xuất hiện chậm hơn. Người bệnh cũng có thể kiểm soát bệnh tiểu đường type 2 theo nhiều cách hơn như sử dụng thuốc, insullin, tập thể dục và chế độ ăn uống.
Những người mắc bệnh loại 2 cũng có thể được kê đơn insulin. Tiểu đường type 2 tuy rằng cũng không thể chữa khỏi nhưng có bằng chứng cho thấy trong nhiều trường hợp, nó có thể được ngăn ngừa và thuyên giảm theo thời gian.
Nếu bạn bị tiểu đường type 1 hoặc type 2 đều có nghĩa là bạn có quá nhiều glucose (một loại đường) trong máu. Điều này giống nhau đối với cả hai loại nhưng chúng lại khác nhau ở cách diễn ra.
Trên thực tế, tất cả con người đều cần insulin vì nó giúp đưa glucose từ máu vào các tế bào của cơ thể. Sau đó, cơ thể sẽ sử dụng glucose để làm năng lượng. Nếu không có insulin, lượng glucose trong máu của sẽ quá cao.
Nếu bạn bị bệnh tiểu đường type 1 có nghĩa là bạn có một tình trạng tự miễn dịch. Điều này có nghĩa là cơ thể bạn đã tấn công và phá hủy các tế bào tạo ra một loại hormone gọi là insulin. Do đó cơ thể không thể tự tạo ra insulin nữa.
Nếu bạn mắc phải bệnh tiểu đường type 2, hoặc cơ thể bạn không sản xuất đủ insulin hoặc insulin của bạn không hoạt động bình thường và nó được gọi là kháng insulin. Trong tình trạng kháng insulin, gan, cơ và các tế bào mỡ giảm khả năng sử dụng insulin, tác động này làm cản trở mang glucose vào trong các tế bào của cơ thể. Do đó, cơ thể cần nhiều insulin hơn để thu nhận glucose vào trong tế bào. Tuyến tụy cố gắng đáp ứng nhu cầu bằng cách gia tăng sản xuất thêm insulin. Qua thời gian, tuyến tụy không đáp ứng được đầy đủ sản xuất insulin, khi có sự gia tăng mức đường trong máu. Khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, bạn cần phải điều trị bổ sung để khống chế tốt bệnh đái tháo đường.
Để chẩn đoán phân loại type đái tháo đường người ta có thể dựa vào tuổi phát hiện đái tháo đường, trọng lượng bệnh nhân, yếu tố gia đình, các xét nghiệm như: định lượng Insulin, Cpeptide, kháng thể kháng tiểu đảo tụy...
Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2, nhưng họ vẫn có thể xác định được những yếu tố là nguy cơ dẫn đến mắc bệnh.
Yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường type 1:
Sự khác biệt lớn nhất giữa type 1 và type 2 là tiểu đường type 1 không bị ảnh hưởng bởi lối sống hay cân nặng của bạn. Điều đó có nghĩa là bạn không thể làm giảm nguy cơ phát triển type 1 bằng cách thay đổi lối sống.
Những người chưa đến 40 tuổi có nhiều khả năng được chẩn đoán mắc bệnh này hơn, đặc biệt là trẻ em. Trên thực tế, hầu hết trẻ em mắc bệnh tiểu đường đều mắc bệnh tiểu đường type 1. Tuy nhiên, mặc dù ít phổ biến hơn nhưng những người trên 40 tuổi cũng có thể được chẩn đoán mắc bệnh này.
Yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường type 2:
Đối với bệnh tiểu đường loại 2 thì khác. Các nhà khoa học đã chỉ ra được cụ thể một số yếu tố là nguyên nhân dẫn đến khả năng mắc bệnh cao hơn như:
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh.
- Tuổi. Bệnh thường xảy ra ở người lớn tuổi > 40 tuổi, nhưng đôi khi cũng xảy ra ở trẻ nhỏ, có tính gia đình.
- Thừa cân hoặc béo phì. Đa số trường hợp mắc tiểu đường type 2 đều có kèm béo phì và bản thân béo phì lại làm trầm trọng thêm tình trạng đề kháng insulin.
- Ít hoạt động thể lực, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu,...
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng có những điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 như ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng hợp lý có thể giúp bạn ngăn ngừa tiểu đường type 2.
Bạn cũng có nhiều khả năng mắc type 2 hơn nếu bạn trên 40. Tuy nhiên hiện nay type 2 cũng đang trở nên phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi. Ngày càng có nhiều trẻ em và thanh niên được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 2 ở Anh mỗi năm.
Bệnh tiểu đường type 1 và type 2 đều có các triệu chứng chung như:
- Đi vệ sinh nhiều, đặc biệt là vào ban đêm.
- Thường xuyên cảm thấy khát và cơ thể cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường.
- Sụt cân không rõ lý do.
- Các vết thương mất nhiều thời gian hơn để chữa lành.
- Mờ mắt.
Đọc thêm:
- Phác đồ điều trị tiểu đường type 1
- Có những phương pháp điều trị tiểu đường type 2 nào?
Tuy nhiên, các triệu chứng của tiểu đường type 1 thường có thể xuất hiện khá nhanh. Điều đó khiến bệnh nhân dễ phát hiện và khó bỏ qua hơn. Điều này rất quan trọng vì các triệu chứng bị bỏ qua có thể dẫn đến nhiễm toan ceton do tiểu đường (DKA).
Thế nhưng các triệu chứng ở bệnh tiểu đường type 2 có thể dễ bỏ sót hơn. Điều này là do bệnh phát triển chậm hơn, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Từ đó làm cho việc phát hiện các triệu chứng trở nên khó khăn hơn.
Việc kiểm soát và điều trị bệnh tiểu đường như thế nào là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp bạn tránh các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng có thể xảy ra. Dù cho bệnh nhân mắc type 1 hay type 2 thì việc điều trị cũng đóng vai trò vô cùng đặc biệt và không thể thay thế trong cuộc sống hàng ngày.
Nếu mắc bệnh tiểu đường type 1, bạn sẽ cần dùng insulin để kiểm soát lượng đường trong máu. Bệnh nhân cũng cần kiểm tra mức đường huyết thường xuyên cũng như quản lý số lượng carbs (carbohydrate) hấp thu vào cơ thể. Đếm số lượng carbs sẽ giúp bệnh nhân biết lượng insulin mình nên dùng khi tiêm trong bữa ăn.
Những người mắc tiểu đường type 2 cũng cần phải dùng thuốc thường xuyên như các thuốc điều trị tiểu đường hoặc insulin, hoặc các phương pháp điều trị khác. Thuốc uống có thể được sử dụng để làm tăng sản xuất insulin và ngăn ngừa kháng insulin.
Chỉ khi sản xuất insulin không đáp ứng đủ thì sẽ cần liều insulin bổ sung. Người bệnh có cần phải kiểm tra mức đường huyết của mình như người mắc bệnh type 1 hay không còn tùy thuộc vào phương pháp điều trị mà họ thực hiện.
Nhìn chung, dù cho bệnh nhân mắc type 1 hay type 2 thì vẫn nên cố gắng có một lối sống lành mạnh. Điều đó bao gồm hoạt động thể chất thường xuyên và một chế độ ăn uống cân bằng, khoa học. Những điều này sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng của bệnh tiểu đường.
Thật không may, hiện không có phương pháp chữa khỏi vĩnh viễn cho bệnh tiểu đường type 1 và type 2. Nhưng có những bằng chứng khoa học cho thấy một số người mắc bệnh tiểu đường type 2 có thể thuyên giảm bệnh tiểu đường của mình bằng cách giảm cân.
Bên cạnh đó, việc thực hiện theo một chế độ ăn uống rất ít calo dưới sự giám sát y tế hoặc phẫu thuật là một số cách bạn có thể làm thuyên giảm bệnh tiểu đường loại 2 của mình.
Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc tiểu đường type 2 có thể ngăn ngừa bằng cách lựa chọn lối sống lành mạnh. Việc tiêu thụ thực phẩm lành mạnh có nhiều chất xơ và ít calo như trái cây là điều cần thiết. Tập thể dục thường xuyên hoặc vận động cơ thể vừa phải trong 30 phút mỗi ngày cũng sẽ giúp ích.
Nguồn tham khảo: https://www.diabetes.org.uk/diabetes-the-basics/differences-between-type-1-and-type-2-diabetes