Hen phế quản và phổi tắc nghẽn mãn tính là hai bệnh thuộc về đường hô hấp, rất phổ biến hiện nay. Ở nước ta, tỷ lệ mắc hen phế quản là 5% và với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là 4,2%. Nhiều người đã nhầm lẫn hai bệnh này và không tìm ra giải pháp điều trị. Vậy hen phế quản và phổi tắc nghẽn mãn tính có gì khác nhau, làm sao để phân biệt?
Nguyên nhân gây hen phế quản hiện nay vẫn chưa được xác định rõ ràng, có nhiều trường hợp là do di truyền, nghĩa bố mẹ nếu bị hen phế quản thì những trẻ rất dễ bị hen phế quản. Ngoài ra, chuyên gia chỉ ra rằng đường hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nhiễm trùng cũng gây nên bệnh này.
Nguyên nhân gây phổi tắc nghẽn mãn tính được xác định là xảy ra nhiều ở những người hút thuốc lá, nó chiếm tới 85-90% các ca tử vong vì bệnh. Ngoài ra, việc tiếp xúc nhiều với khói thuốc, không khí ô nhiễm, khói bụi, hóa chất cũng là nguyên nhân gây bệnh. Có khoảng 2-3% tổng số những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là do thiếu alpha-1 antitrypsin (AAT) - đây là một loại protein thuộc nhóm siêu họ serpin.
Cách phân biệt hen phế quản và phổi tắc nghẽn mãn tính dễ nhất chính là tìm hiểu về độ tuổi mắc bệnh. Hai bệnh thường có độ tuổi mắc bệnh rất khác nhau, nếu chú ý kỹ bạn sẽ dễ dàng có thể nhận biết về tình trạng bệnh của một người.
Theo nghiên cứu, người mắc bệnh hen phế quản xác định được bệnh ngay khi còn nhỏ, bộc phát các triệu chứng trước khi trẻ lên 5 tuổi. Trong khi đó, người bị phổi tắc nghẽn mãn tính thường mãi đến năm 40 tuổi hoặc lâu hơn mới có xuất hiện triệu chứng vì bệnh phát triển âm thầm sau nhiều năm tiếp xúc với các nhân tố gây bệnh, kể cả thuốc lá.
Nếu không phân biệt được hen phế quản và tắc nghẽn phổi mãn tính, người bệnh sẽ điều trị sai cách, thậm chí uống nhầm thuốc, khiến tình trạng bệnh kéo dài hơn. Dưới đây là hướng điều trị cho những người bị hen phế quản và phổi tắc nghẽn mãn tính.
- Bệnh hen phế quản: Bên cạnh việc sử dụng thuốc để điều trị, người bệnh nên tránh tiếp xúc với những tác nhân dễ làm bộc phát cơn hen như lông thú, phấn hoa,.. Trong một số trường hợp nặng hơn, bác sĩ có thể gợi ý bệnh nhân dùng liệu pháp chỉnh hình phế quản bằng nhiệt - nó giúp đốt nóng phế quản, hạn chế tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính: Điều đầu tiên cần làm là bỏ hút thuốc lá, đây là điều nên làm để giảm thiểu tình trạng nguy hiểm của bệnh. Ngoài ra, có thể dùng liệu pháp phục hồi chức năng để điều trị. Nếu tình trạng bệnh nặng, bác sĩ cần phẩu thuật giảm khối lượng phổi (loại bỏ các mô phổi hỏng) cũng như cấy ghép phổi cho người bệnh.
Bệnh hen phế quản và phổi tắc nghẽn mãn tính đều là những căn bệnh về phổi rất nguy hiểm, ảnh hưởng nhiều đến phổi, đường hô hấp của người bệnh, vậy nên cần chú ý để phát hiện bệnh và điều trị đúng cách, tránh tốn thời gian, tiền bạc mà bệnh vẫn không khỏi.
Người bệnh hen phế quản và phổi tắc nghẽn mãn tính cũng nên chú ý giữ gìn sức khỏe, tránh tiếp xúc nhiều với tác nhân gây bệnh, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên, nghỉ ngơi, giữ cơ thể thoải mái tránh để bệnh nặng thêm. Trong trường hợp cần thiết hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn, hướng dẫn điều trị đúng cách để bệnh nhanh chóng khỏi, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống.