So sánh bơi sải và bơi ếch - Nên học bơi theo kỹ thuật nào?

So sánh bơi sải và bơi ếch - Nên học bơi theo kỹ thuật nào?
Nhiều người khi bắt đầu bộ môn bơi lội thường sẽ bối rối khi cân nhắc giữa bơi sải và bơi ếch. Nên học bơi theo kỹ thuật nào và lý do tại sao?

Bơi lội là một hoạt động thể thao mang lại nhiều lợi ích hơn hẳn những hoạt động khác. Tác dụng của nó bao không chỉ ở việc tăng cường sức khỏe mà còn làm săn chắc các bộ phận trong cơ thể nhưng không gây tác hại tới các khớp xương cũng như không tạo áp lực quá lớn.

Tuy nhiên những người mới bắt đầu học bơi thường phân vân không biết nên lựa chọn học gì giữa bơi sải và bơi ếch - nên học kiểu bơi nào và tại sao?

1. Điểm khác nhau của bơi sải và bơi ếch

1.1. Bơi sải

Bơi sải là kiểu bơi nhanh nhất, tiết kiệm sức nhất trên cự ly dài. Nó cũng được ứng dụng nhiều nhất trong bơi ngoài sông hồ biển tự nhiên hay các cuộc thi bơi marathon. Ở kỹ thuật bơi sải, phần thân của người tập sẽ như chiếc thuyền và đôi tay có tác dụng như mái chèo tạo lực đẩy người về phía trước.

Các động tác chân và tay trong bơi sải phức tạp hơn so với bơi ếch. Nó đòi hỏi các cơ khớp phải linh hoạt, đặc biệt là khớp vai và cổ chân, hông và cổ. Những người mới học bơi sải thường gặp khó khăn với động tác xoay đầu thở bên. Vì vậy cần thực hành rất nhiều để có thể làm quen với động tác này. Bơi sải cũng là kỹ thuật hỗ trợ nhiều cho bơi bướm và bơi ngửa.

So sánh bơi sải và bơi ếch - Nên học bơi theo kỹ thuật nào? - Ảnh 1.

Động tác xoay đầu thở bên ở bơi sải (Ảnh: Internet)

Một số khó khăn khi học bơi sải là vấn đề về thể lực với nữ và tình trạng cứng người với nam giới. Những yếu tố trên có thể khiến quá trình học bơi kéo dài và khó khăn hơn nhiều.

    1.2. Bơi ếch

    Khác với bơi sải, động tác của bơi ếch đơn giản, dễ học và nhanh thuần thục hơn. Các động tác tay và chân đối xứng nhau và hoàn toàn hoạt động ở dưới nước. Bên cạnh đó, với bơi ếch, lực đẩy cơ thể phần lớn đến từ động tác chân, còn động tác tay chủ yếu để nhấc đầu lên thở.

    So sánh bơi sải và bơi ếch - Nên học bơi theo kỹ thuật nào? - Ảnh 2.

    Nhấc đầu lên thở bằng lực tay ở bơi ếch (Ảnh: Internet)

    Hơn nữa, động tác lấy hơi của bơi ếch cũng dễ thực hiện hơn nhiều so với bơi sải. Việc quan sát đường bơi cũng dễ dàng hơn và không đòi hỏi quá nhiều thể lực cũng như sự linh hoạt của các khớp. Chính vì vậy đây là kiểu bơi thích hợp với cả những người bị hạn chế về thể lực. Tuy nhiên, bơi ếch để thi đấu lại là kiểu bơi đòi hỏi kỹ thuật khó nhất.

    2. So sánh về tác dụng của bơi sải và bơi ếch

    2.1. Bơi sải

    Là kiểu bơi nền tảng, vì vậy khi đã bơi sải giỏi, bạn có thể học bơi ngửa và bơi bướm dễ dàng, nhanh chóng. Hơn thế nữa, khi đã có kỹ năng bơi thì bơi sải là kiểu bơi ít tốn sức và duy trì lâu nhất.

    Đây cũng là kiểu bơi hữu hiệu nhất trong trường gặp tai nạn đuối nước ngoài sông, hồ, ao. Lúc này, kỹ thuật đứng nước và quan sát là vô cùng quan trọng. Bơi sải giúp bạn ít mất sức hơn. Nếu bơi ếch trong trường hợp này, sóng sẽ đánh thẳng vào mặt khi nhấc người lên thở khiến bạn không di chuyển được nhanh và xa.

    Bên cạnh đó, bơi sải còn có tác dụng hữu hiệu đối với bệnh nhân mắc bệnh cột sống, thoát vị đĩa đệm, các bệnh xương khớp. Nó còn có tác dụng cải thiện hoạt động của hệ hô hấp do cách thở đặc trưng là nín 3 nhịp thở 1 nhịp khi bơi sải.

    2.2. Bơi ếch

    Bơi ếch lại có tác dụng tốt cho hoạt động tim mạch do nhịp thở khi bơi đều, chậm và sâu. Nhịp thở đều và chu kỳ ngắn khiến người bơi thoải mái, ít sặc nước hơn các kỹ thuật bơi khác. Ngoài ra bơi ếch cũng rất tốt với phụ nữ mang thai. Động tác bơi ếch giúp mở rộng phần đáy chậu, giúp mẹ bầu có cơ chậu khỏe mạnh dễ sinh hơn. Tuy nhiên từ tháng thứ 4 của thai kỳ, các mẹ bầu mới nên bắt đầu luyện tập với cường độ vận động vừa phải.

    Khác với bơi sải, bơi ếch không tốt cho những bệnh nhân mắc bệnh thoát vị đĩa đệm, khớp gối hay mắc các bệnh về cột sống. Luyện tập bơi ếch khi đang gặp tình trạng trên sẽ khiến tình trạng bệnh càng xấu và cơn đau trầm trọng hơn. Lưu ý chỉ nên bơi từ 400 - 500m trong 1 buổi tập nếu là người bơi bình thường.


    Tác giả: Anh Dũng