Bệnh học tiểu đường type 1

Bệnh học tiểu đường type 1
Đái tháo đường type 1 thường là hậu quả của sự phá hủy tế bào Beta tuyến tụy do nguyên nhân tự miễn ở những cá nhân có gen dễ mắc bệnh. Có tới 90% bệnh nhân sẽ có tự kháng thể kháng ít nhất một trong 3 kháng nguyên...

Một số hiện tượng đa hình gen kháng nguyên bạch cầu ở người (HLA)-DR/DQ, đặc biệt là các alen HLA-DR và HLA-DQ, làm tăng độ nhạy hoặc giúp phòng tránh bệnh. Ở những cá nhân nhạy cảm, các yếu tố môi trường có thể kích hoạt phá hủy các tế bào Beta tuyến tụy qua trung gian hệ miễn dịch. 

Mặc dù khác biệt về mặt địa lý ở tỷ lệ hiện mắc bệnh nhưng tỷ lệ mắc mới đái tháo đường type 1 trên toàn thế giới tăng cho thấy môi trường góp phần lớn vào quá trình sinh bệnh, các yếu tố cụ thể tham gia vẫn chưa được xác định. 

Trong số các vi-rút, người ta thấy rằng hội chứng Rubella bẩm sinh và nhóm Enterovirus ở người có nhiều mối liên quan nhất. Trong số các yếu tố dinh dưỡng, bổ sung vitamin D cho trẻ sơ sinh có thể giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh. 

Cần phải tiến hành thêm nghiên cứu để xác định xem sữa bò, cho ăn ngũ cốc sớm hoặc mẹ dùng vitamin D có làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 1 không. 

Bệnh Coeliac có chung kiểu gen HLA-DQ2 với đái tháo đường type 1 và phổ biến hơn các kiểu gen khác ở những người mắc đái tháo đường type 1. Tỷ lệ mắc mới đái tháo đường type 1 cũng có thể cao hơn ở những người mắc bệnh Coeliac, mặc dù không có mối quan hệ nhân quả.

1. Sinh lý bệnh học

Đái tháo đường type 1 thường là hậu quả của sự phá hủy tế bào Beta tuyến tụy do nguyên nhân tự miễn ở những cá nhân có gen dễ mắc bệnh. Có tới 90% bệnh nhân sẽ có tự kháng thể kháng ít nhất một trong 3 kháng nguyên: Glutamic Acid Decarboxylase; Insulin; và một phân tử giống như Tyrosine-Phosphatase, tự kháng nguyên tế bào đảo tụy 2 (IA-2). 

Hơn 25% cá nhân không có một trong những tự kháng thể này hoặc không có tự kháng thể bào tương sẽ có kháng thể dương tính với ZnT8, một chất vận chuyển kẽm dành riêng cho tế bào Beta tuyến tụy.

Phá hủy tế bào Beta xảy ra về mặt cận lâm sàng từ vài tháng đến vài năm ở dạng viêm đảo tụy (viêm tế bào Beta). Khi 80% đến 90% tế bào beta đã bị phá hủy, tăng đường huyết sẽ phát triển. Kháng insulin không có vai trò trong sinh lý bệnh học của tiểu đường type 1. Tuy nhiên, với tỷ lệ hiện mắc bệnh béo phì tăng, một số bệnh nhân mắc tiểu đường type 1 có thể kháng insulin ngoài tình trạng bị thiếu hụt insulin.

Bệnh nhân thiếu hụt insulin không thể sử dụng glucose trong mô cơ và mô mỡ ngoại biên. Điều này kích thích bài tiết các hoóc môn điều hòa ngược như Glucagon, Adrenaline (Epinephrine), Cortisol và hoóc môn tăng trưởng. 

Các hoóc môn chống điều hòa này, đặc biệt là glucagon, thúc đẩy sản sinh gluconeogenesis, glycogenolysis và ketogenesis trong gan. Do đó, bệnh nhân biểu hiện tăng đường huyết và nhiễm toan chuyển hóa có tăng khoảng trống anion.

Tăng đường huyết kéo dài dẫn đến biến chứng mạch máu do kết hợp các yếu tố bao gồm Glycozyl hóa các Protein trong mô và huyết thanh, sản xuất Sorbitol và tổn thương gốc tự do. Các biến chứng vi mạch bao gồm bệnh võng mạc, bệnh thần kinh và bệnh thận. 

Các biến chứng mạch máu lớn bao gồm bệnh tim mạch, mạch máu não và mạch máu ngoại biên. Tăng đường huyết được xác định là gây ra stress oxy hóa và viêm. Stress oxy hóa có thể gây rối loạn chức năng nội mạc bằng cách vô hiệu hóa Nitric Oxit. Rối loạn chức năng nội mạc tạo điều kiện cho Lipoprotein tỉ trọng thấp xâm nhập vào thành mạch, gây quá trình viêm chậm và dẫn đến hình thành mảng vữa động mạch. 

2. Phân loại

2.1. Tự miễn hay kinh điển

Có đặc điểm là thiếu hụt Insulin tuyệt đối và xuất hiện các kháng thể kháng các tế bào beta tuyến tụy.

2.2. Tự phát

- Dạng không thường gặp có đặc điểm là không có các kháng thể.

- Bệnh hay gặp ở bệnh nhân gốc châu Phi hoặc châu Á vào có khả năng di truyền cao.

- Biểu hiện của tiểu đường type 1 tự phát không khác với bệnh tiểu đường type 1 tự miễn.

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ đã tạo ra một hệ thống phân giai đoạn cho tiểu đường type 1 dựa trên các đặc điểm lâm sàng và sự hiện diện của tự kháng thể. 

Sự hiện diện dai dẳng của hai hoặc nhiều tự kháng thể là một dự báo gần như chắc chắn về tăng đường huyết và đái tháo đường trên lâm sàng và tốc độ tiến triển phụ thuộc vào độ tuổi phát hiện kháng thể đầu tiên, số lượng kháng thể, độ đặc hiệu của kháng thể và chuẩn độ kháng thể.  

Mức Glucose và HbA1C (Haemoglobin đã Glycozyl hoá) tăng lên cao trước khi khởi phát đái tháo đường trên mặt lâm sàng, vì vậy có thể chẩn đoán sớm. Giai đoạn này có thể giúp cho nghiên cứu và sàng lọc trong tương lai.


>> Biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường, nhập viện ngay khi có những dấu hiệu này

Tác giả: MN