Siêu âm phổi và ứng dụng trong chẩn đoán bệnh đường hô hấp

Siêu âm phổi và ứng dụng trong chẩn đoán bệnh đường hô hấp
Siêu âm phổi là một trong những phương pháp xét nghiệm hình ảnh rất phổ biến hiện nay. Phương pháp này có nhiều ưu điểm và được ứng dụng rộng rãi trong chẩn đoán bệnh lý về phổi.

Các bệnh lý về phổi thường được chẩn đoán bằng nhiều loại xét nghiệm khác nhau. Trong xét nghiệm hình ảnh, siêu âm phổi là phương pháp thường được sử dụng do có nhiều ưu điểm. Cùng tìm hiểu thêm về phương pháp siêu âm phổi trong bài viết sau đây.

1. Ưu điểm của siêu âm phổi

So với các phương pháp xét nghiệm kiểm tra phổi, siêu âm phổi mang đến những ưu điểm sau đây:

- Chi phí hợp lý: Siêu âm phổi có mức phí khá rẻ và phù hợp với nhiều đối tượng.

- An toàn: Siêu âm phổi không sử dụng các loại bức xạ ion hóa. Do đó, phương pháp này tương đối an toàn với phụ nữ đang mang thai.

- Hiệu quả cao: Siêu âm phổi có thể cung cấp ngay lập tức các thông tin cần thiết về phổi cho bác sĩ. Vì thế, siêu âm phổi được nhận định là nhanh chóng và tiện dụng hơn so với chụp X-quang.

- Là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các phương pháp kiểm tra thể chất.

- Giảm các biến chứng iatrogenic (do bác sĩ tạo ra).

2. Các ứng dụng phổ biến của siêu âm phổi

Siêu âm màng phổi

Từ lâu, siêu âm phổi đã được ứng dụng trong thăm khám thành ngực, màng phổi, trung thất và nhu mô phổi. Bên cạnh đó, kỹ thuật này còn được dùng để chẩn đoán tràn dịch màng phổi. Mặt khác, đây cũng là công cụ quan trọng để hướng dẫn chọc và sinh thiết màng phổi.

Ảnh 2.

Siêu âm màng phổi có các chức năng như sau:

- Xác định bản chất của các tổn thương ở thành ngực hoặc màng phổi như khối u và dịch.

- Chẩn đoán phân biệt tràn dịch màng phổi và dịch khu trú dưới cơ hoành.

- Đánh giá tình trạng di động của cơ hoành.

- Nhận biết và đánh giá các tình trạng: dày màng phổi, khối u màng phổi, khối u phổ xâm lấn vào thành ngực.

- Hướng dẫn chọc dò, dẫn lưu dịch và sinh thiết màng phổi.

- Phát hiện tình trạng tràn khí màng phổi.

Siêu âm màng phổi sẽ được tiến hành theo 2 tư thế phổ biến như sau:

- Tư thế ngồi: Đầu dò được đặt ở các khoang liên sườn. Tư thế này sẽ giúp phát hiện các bệnh lý liên quan đến màng phổi, thành ngực và tràn dịch màng phổi lượng ít.

- Tư thế nằm: Tư thế này giúp thăm khám phần sườn hoành bên và sau, nhu mô phổi phần đáy của màng phổi. Ở tư thế nằm, gan sẽ được dùng làm cửa số siêu âm để đánh giá cơ hoành, màng phổi.

Siêu âm phổi trong chẩn đoán u phổi

Siêu âm phổi là kỹ thuật không phổ biến trong chẩn đoán các bệnh lý u phổi. Vì phổi là nhu mô chứa khí nên dẫn truyền âm sẽ bị hạn chế hơn các cấu trúc khác. Tuy nhiên, siêu âm phổi cũng sẽ được chỉ định trong một số trường hợp. Chẳng hạn như nhu mô phổi tổn thương đặc hoặc màng phổi sát thành ngực. Bởi những trường hợp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dẫn truyền âm. Thông thường, siêu âm phổi trong chẩn đoán u phổi sẽ được chỉ định trong các trường hợp sau:

- U phổi ngoại vi, sát thành ngực: Siêu âm phổi được dùng để hướng dẫn chọc hút tế bào hoặc sinh thiết phổi xuyên thành ngực.

- Tràn dịch màng phổi: Siêu âm phổi giúp chẩn đoán xác định tình trạng tràn dịch màng phổi. Đồng thời, kỹ thuật này cũng giúp đánh giá tình trạng vách hóa khoang màng phổi.

Siêu âm phổi trong chẩn đoán viêm phổi ở trẻ nhỏ

Viêm phổi có thể được chẩn đoán bằng các triệu chứng lâm sàng và kỹ thuật chụp X-quang. Tuy nhiên, chụp X-quang phổi nhiều lần lại không được khuyến khích cho trẻ nhỏ. Bởi nó có thể làm tăng khả năng phơi nhiễm tia X ở trẻ. Do đó, thay vì X-quang, siêu âm phổi là kỹ thuật được khuyến khích hơn trong chẩn đoán.

Bên cạnh đó, siêu âm còn giúp phát hiện các biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm phổi. Chẳng hạn như viêm phổi hoại tử, abscess phổi và tràn dịch màng phổi. Đồng thời, siêu âm phổi cũng có vai trò quan trọng trong chẩn đoán tràn khí màng phổi, thuyên tắc phổi, thoát vị hoành,…

Siêu âm phổi có thể được thực hiện tại rất nhiều bệnh viện và trung tâm y tế. Tuy nhiên, bạn vẫn nên lựa chọn những đơn vị uy tín để thực hiện kỹ thuật này.


Tác giả: Thùy Dung