Sảy thai là tình trạng mất thai trước tuần thứ 20, có khoảng 10 - 20% phụ nữ có thai bị sảy thai. Tuy nhiên, trên thực tế còn có khả năng cao hơn vì một số thai bị sảy ở giai đoạn sớm, trước khi người phụ nữ nhận ra mình mang thai.
Có một số vấn đề chị em phụ nữ thường băn khoăn như: Sảy thai ra máu trong bao lâu?. Sảy thai có ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản sau này hay không?
Phụ nữ dưới 35 tuổi chiếm khoảng 15% nguy cơ sảy thai, từ 35 đến 45 tuổi chiếm khoảng 20 - 35%. Độ tuổi càng cao thì nguy cơ sảy thai cũng tăng cao theo tuổi. Sảy thai có thể xảy ra với bất kỳ ai, nguy cơ sẽ cao hơn nếu bạn từng sảy thai trước đó hoặc mắc bệnh mãn tính do tiểu đường hay có các vấn đề về tử cung, cổ tử cung. Ngoài ra, sảy thai còn do một vài yếu tố khác như hút thuốc, nhẹ cân hay thừa cân …
Các triệu chứng sảy thai các mẹ bầu cần lưu ý để nhận biết sớm:
- Chảy máu âm đạo.
- Đau bụng hoặc đau vùng chậu.
- Chuột rút ở lưng dưới kèm chảy máu.
- Dịch âm đạo bất thường.
Đọc thêm:
- Sau sảy thai bao lâu thì trứng rụng? Làm gì để nhanh có thai sau sảy thai?
- Cần kiêng cữ sau sảy thai tự nhiên như thế nào để nhanh phục hồi
Tuỳ vào thể trạng và tình hình sức khoẻ của mỗi người nên thời gian ra máu sau sảy thai cũng khác nhau. Đôi khi còn tùy thuộc vào một vài lý do như bạn đã mang thai bao lâu, bạn có mang đa thai không hay cơ thể mất bao lâu để đào thải mô và nhau thai của thai nhi?
Phụ nữ trong thời kỳ đầu mang thai có thể bị sảy thai và chỉ bị ra máu, đau quặn trong vài giờ. Một số khác bị sảy thai ra máu đến một tuần. Ngoài ra, chảy máu sảy thai có kèm theo cục máu đông nhưng sẽ giảm dần trước khi dừng lại và thường là trong vòng 2 tuần.
Thông thường, sảy thai có máu từ màu hồng chuyển sang đỏ tươi rồi đến nâu. Khi máu đỏ tươi xuất hiện tức là máu ra khỏi cơ thể bạn một cách nhanh chóng, máu nâu là máu đã tồn đọng trong tử cung một khoảng thời gian. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhận thấy dịch tiết âm đạo có màu giống như bã cà phê hoặc đen khi bị sảy thai.
Hơn nữa, các bạn có thể dựa vào màu của máu sau khi sảy thai để biết về tình trạng sảy thai của mình như:
- Dọa sảy thai: Máu có màu đỏ hoặc đen kèm theo dịch nhầy, ra ít và ra theo từng đợt.
- Sảy thai không hoàn toàn: Được hiểu là một phần của thai vẫn tồn tại trong tử cung chưa ra hết và có hiện tượng ra máu âm ỉ.
- Sảy thai hoàn toàn: Là khi xuất hiện các cơn đau dữ dội, máu ra đột ngột theo các cơn co tử cung. Sau đó máu vẫn tiếp tục ra âm ỉ trong vài ngày hoặc vài tuần.
- Sảy thai băng huyết: Là hiện tượng máu ra nhiều, có màu đỏ tươi có thể vón cục và người thường có biểu hiện choáng váng.
Mặt khác, cũng tùy thuộc vào thời điểm sảy thai khác nhau mà lượng máu sảy thai có thể nhiều hay ít.
Nhiều trường hợp có thể bị nhầm lẫn giữa máu sảy thai và kinh nguyệt. Để phân biệt máu của 2 tình trạng này, các bạn có thể dựa vào một số yếu tố như:
- Màu của máu kinh nguyệt có màu hồng sang đỏ tươi rồi đến nâu. Nếu bạn nhận thấy có màu sắc lạ thì rất có thể là máu khi bị sảy thai.
- Lượng máu kinh nguyệt thường kéo dài từ 3 - 5 ngày, một số người có thể 7 ngày. Tuy nhiên, nếu sảy thai bạn sẽ thấy lượng máu sẽ chảy nhiều hơn và kéo dài hơn khi bị kinh nguyệt.
- Một trong những triệu chứng thường gặp khi hành kinh là đau bụng dưới. Nhưng nếu bạn bị sảy thai thì sẽ cảm thấy bụng dưới đau dữ dội hơn do cổ tử cung lúc này bị dãn ra.
- Khi bị sảy thai thường máu chảy sẽ kèm theo các cục máu đông và các mô mà bạn không nhìn thấy khi hành kinh.
Khi bạn nghi ngờ mình bị sảy thai hay có các dấu hiệu sảy thai thì bạn nên đi thăm khám ngay lập tức. Bất kỳ chảy máu âm đạo hay đau vùng bụng dưới đều cần được đánh giá.
Tùy từng trường hợp, không phải xuất huyết âm đạo lúc nào cũng là sảy thai. Nếu bạn đang có dấu hiệu dọa sảy, lúc này bác sĩ có thể đưa ra những phương án phù hợp nhất như bổ sung thêm hormone cho bạn nếu nguyên nhân chảy máu do lượng progesterone thấp hoặc khâu cổ tử cung khi cổ tử cung mở quá sớm.
Ngoài ra, nếu bạn bị sảy thai bác sĩ sẽ thăm khám và kiểm tra xem nhau thai còn sót lại trong tử cung hay không. Trong trường hợp sảy thai không hoàn toàn, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho bạn nên ăn gì cho ra hết máu hay sử dụng thuốc hoặc tiểu phẫu để đưa nhau thai ra ngoài.
Bên cạnh đó, sau sảy thai là thời điểm mà bất kì người phụ nữ nào cũng cần được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng để hồi phục sức khỏe. Lúc này, gia đình nên quan tâm, chăm sóc và chia sẻ với người vợ. Đồng thời, sau khi sảy thai, mọi người cũng nên lưu ý một số vấn đề như:
- Uống đủ nước: Bạn nên uống hai lít nước mỗi ngày vì cơ thể cần nước để phục hồi. Ngoài ra, bạn có thể uống các loại trà thảo mộc và nước ấm.
- Quan hệ tình dục sau sảy thai: Sau sảy thai cơ thể cũng cần thời gian hồi phục. Vì thế nên tránh quan hệ quá sớm ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn.
- Vệ sinh cá nhân: Nên vệ sinh tối thiểu 2 lần/ngày bằng nước sạch hay dung dịch vệ sinh có độ pH phù hợp. Bởi cơ thể sau sảy thai khá nhạy cảm, việc vệ sinh hàng ngày giúp ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập, tránh nhiễm trùng, khử mùi hôi vùng kín.
- Chườm nóng vùng bụng, lưng và hai bên bẹn: Việc chườm nóng có tác dụng giúp bạn đỡ mỏi gối, đau lưng và phục hồi cơ bụng tốt hơn.
- Chú ý đến chế độ ăn: Phụ nữ sảy thai ra máu cũng giống như sản phụ sau sinh cần lưu ý đến thực phẩm ăn hàng ngày. Nên chọn các thực phẩm dễ tiêu, ăn chín uống sôi, bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt, acid folic, magie, canxi từ các loại thịt đỏ, các loại hạt ngũ cốc, rau củ quả, trái cây giàu vitamin, …
- Đi khám để tìm nguyên nhân: Thật khó khăn đối với người mẹ khi bị sảy thai. Tuy nhiên, bạn cũng cần tìm ra nguyên nhân gây sảy thai để tránh những lần sau lặp lại.
Có thể nói, sảy thai tự nhiên là hiện tượng khó kiểm soát. Việc ra máu sảy thai trong bao lâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Nếu chẳng may bạn rơi vào trường hợp trên, bạn hãy bình tĩnh, lạc quan, chăm sóc sức khỏe thật tốt để có cơ thể khỏe mạnh cho những lần mang thai tiếp theo. Đặc biệt, trước khi mang thai nên xin lời khuyên từ bác sĩ để đảm bảo quá trình mang thai thuận lợi.
Nguồn tham khảo: How Long Does a Miscarriage Last?