Sau điều trị ung thư tuyến giáp có mang thai được không?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Sau điều trị ung thư tuyến giáp có mang thai được không?
Tuyến giáp là cơ quan nội tiết quan trọng trong cơ thể người. Khi bộ phận này bị ảnh hưởng, việc sinh con và các hormone nội tiết của người phụ nữ cũng sẽ suy giảm. Đối với bệnh nhân ung thư tuyến giáp, việc mang thai sau điều trị là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Ung thư tuyến giáp là bệnh ung thư có tiên lượng sống khá tốt. Nếu được điều trị kịp thời, tiên lượng sống sau 5 năm của bệnh nhân là 90-97%.

Tuyến giáp là tuyến nội tiết nằm ngay truớc khí quản với chức năng tiết ra các hormone có tác dụng điều hoà thân nhiệt, nhịp tim, liên quan đến sinh trưởng, sinh dục… và thu thập các yếu tố dinh dưỡng cho cơ thể. Ung thư tuyến giáp nói chung là một bệnh có tiên lượng khá tốt vì khả năng chữa khỏi cao và tỉ lệ sống thêm sau điều trị rất cao so với các loại ung thư khác (100 người chỉ có 3 người tử vong).

Ung thư tuyến giáp thường có hai dạng:

– Trên 80% là thể nang và thể nhú. 2 thể này tiên lượng rất tốt, nếu giai đoạn sớm có thể khỏi bệnh gần 100%. Điều trị bằng phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, sau đó xạ trị bằng iốt phóng xạ I-131, không có hoá trị.

– Trên 10% còn lại là một số thể khác. Các thể này khá ác tính thường phải phẫu thuật, hoá trị, xạ trị.

1. Ảnh hưởng đến cơ thể sau khi phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính trong ung thư tuyến giáp. Sau mổ cắt tuyến giáp toàn bộ người bệnh sẽ bị đau nhẹ, sợ vận động vùng cổ (không nên sợ đau mà không vận động hãy tập xoay cổ theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh bị xơ dính sẹo mổ), mệt mỏi do thiếu hụt hormone tuyến giáp.

Bệnh nhân sau mổ còn có thể còn bị khàn tiếng, ăn sặc nếu trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ không bảo tồn được dây thần kinh thanh quản. Các biến chứng này sẽ giảm dần và nếu được bổ sung hormone thì cơ thể sẽ quay trở về trạng thái bình thường trong khoảng 1 tháng. Bệnh nhân nên giữ thái độ lạc quan để yên tâm theo dõi, điều trị bệnh theo phác đồ của bác sĩ. 

2. Phụ nữ sau mổ ung thư tuyến giáp

Đối với bệnh nhân sau mổ ung thư tuyến giáp, cần hạn chế tối đa các thức ăn có iốt như muối iốt, hải sản, rau câu… để phục vụ điều trị iốt phóng xạ cho kết quả tốt nhất. Trong và sau quá trình điều trị, chị và gia đình cần động viên người bệnh, giữ vững tinh thần lạc quan, đối mặt với căn bệnh. 

Bệnh nhân có thể có cảm giác miệng khô, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng miệng dẫn đến quá trình biếng ăn sau điều trị bằng phóng xạ I-131. Lúc này người nhà nên xây dựng thực đơn phù hợp cho người bệnh: 

- Tuyệt đối không được bỏ bữa

- Ăn những thực phẩm có nhiều protein và nhiều calo như phomat, sữa bột…

- Bổ sung đồ uống dinh dưỡng như nước yến, nước cốt gà,… để tăng cường khoáng chất, sức đề kháng của cơ thể. 

- Tránh các thức ăn có nhiều iốt như hải sản

- Bệnh nhân nên ăn nhiều thức ăn có tính nhuận tràng, có thể dùng thuốc để tăng khả năng đào thải lượng iod phóng xạ ra ngoài cơ thể, giảm mức độ ảnh hưởng tới cơ thể.

- Tăng cường những thức ăn có tính nhuận tràng như đu đủ, rau lang, đậu bắp,… thậm chí dùng thuốc nhuận tràng để có thể đi ngoài 1-2 lần/ngày nhằm tăng khả năng đào thải lượng iốt phóng xạ trong cơ thể ra ngoài, giảm tối đa mức ảnh hưởng của nó lên sức khỏe người bệnh.

- Tăng cường uống nước hàng ngày đầy đủ để tránh khô miệng đồng thời cũng tăng đào thải các iốt phóng xạ dư thừa ra khỏi cơ thể. Có thể sử dụng các loại kẹo như kẹo gừng, bạc hà, chanh để kích thích nước bọt và giảm cảm giác buồn nôn.

- Vệ sinh vùng miệng thường xuyên để đảm bảo sức khỏe. Cố gắng vận động, đi bộ để tăng cường sức khỏe và tiêu hóa.

- Tập luyện, vận động nhẹ nhàng để bộ máy tiêu hóa hoạt động lại.

3. Phụ nữ sau điều trị ung thư tuyến giáp có con được không?

Bệnh nhân sau điều trị ung thư tuyến giáp có thể mang thai được. Sau khi mổ cắt toàn bộ tuyến giáp, người bệnh cần phải uống hormone giáp thay thế (levothyroxin) mỗi ngày.

Việc uống thuốc này không ảnh hưởng đến thai nhi. Khi có thai, cần chú ý tái khám để điều chỉnh liều thuốc uống cho đúng bởi bào thai làm nhu cầu hormon giáp tăng lên và việc bổ sung hormon giáp đầy đủ rất quan trọng tới sự phát triển của thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Đối với bệnh nhân phải điều trị I-131, cần ít nhất 6 tháng sau điều trị mới nên mang thai. 




Tác giả: Lê Cường