Sai lầm trong điều trị viêm phổi ở trẻ nhỏ các bậc phụ huynh cần tránh

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Sai lầm trong điều trị viêm phổi ở trẻ nhỏ các bậc phụ huynh cần tránh
Thời tiết thất thường khiến nhiều trẻ em mắc bệnh viêm phổi, tuy nhiên nhiều phụ huynh vẫn chủ quan dẫn đến những sai lầm tai hại trong việc điều trị viêm phổi ở trẻ nhỏ.

Ở trẻ, các bộ máy tiêu hóa, hô hấp, hệ miễn dịch còn non yếu, chưa hoàn chỉnh, cho nên trẻ rất dễ bị tác động bởi các yếu tố như nhiễm virus, cảm lạnh, khói thuốc lá, khói bếp than...

Theo thống kê, mỗi trẻ trung bình mắc các bệnh lý về hô hấp khoảng 4-6 lần mỗi năm. Các bác sĩ cũng đưa ra cảnh báo về việc cách chăm sóc sai lầm của phụ huynh khiến nhiều bệnh nhi bị biến chứng viêm phổi nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng.

Không hề hiếm gặp, hiện nay rất nhiều bậc phụ huynh có tâm lý chủ quan, tự điều trị cho con trẻ tại nhà, chỉ khi bệnh của trẻ chuyển biến nặng gia đình mới đưa đến bệnh viện. Bên cạnh đó, lại có rất nhiều người quá lo lắng về các bệnh ở trẻ nhỏ đã dẫn đến nhiều điều đáng tiếc trong việc dự phòng, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý này. 

Vậy những sai lầm tai hại trong việc điều trị viêm phổi ở trẻ nhỏ là gì?

1. Lạm dụng kháng sinh khi điều trị viêm phổi ở trẻ nhỏ

Sai lầm thường gặp nhất ở các phụ huynh là khi con sốt sẽ cho sử dụng kháng sinh ngay. Tuy nhiên, 70-80% các bệnh lý của viêm phổi ở trẻ nhỏ là do virus, cho nên sử dụng kháng sinh sẽ không hiệu quả. 

Chính việc các bậc phụ huynh tự ý sử dụng thuốc không theo đơn, tự hỏi kinh nghiệm của các bà mẹ khác, tự mua thuốc cho con dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nhỏ.

Các bậc phụ huynh không nên tự ý mua đơn thuốc cho con hay lặp lại đơn thuốc cũ. Điều này là bởi vì biểu hiện bệnh ở mỗi thời điểm sẽ khác nhau, nên điều đó vô hình sẽ bắt trẻ uống một lượng thuốc không cần thiết. Bên cạnh đó, dùng kháng sinh bừa bãi còn khiến bé tăng nguy cơ dị ứng, gặp các bệnh mãn tính như hen phế quản, béo phì, viêm khớp...

2. Chỉ sử dụng bài thuốc nam để điều trị viêm phổi

Thuốc Đông y thường vô hại, tuy nhiên tình trạng bệnh lý thay đổi theo thời gian, và thuốc chỉ đáp ứng tốt với một tình trạng bệnh nhất định. 

Ví dụ: trẻ ho hắng thông thường thì các thuốc nam có thể hỗ trợ chữa được, nhưng trẻ dưới 1 tuổi nên hạn chế cho uống nhiều mật ong trong một ngày. Nếu bệnh hô hấp kèm theo khò khè, co thắt phế quản thì thuốc nam không có tác dụng.

3. Nhầm lẫn dấu hiệu bệnh viêm phổi với các bệnh khác

Các dấu hiệu của bệnh sởi rất giống với biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi nên dễ gây ra những chẩn đoán bệnh sai. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi việc điều trị tại nhà không dứt điểm, gây ra những biến chứng hết sức nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của trẻ như viêm phổi do virus, suy hô hấp và tử vong.

Vì những nguyên do ở trên, khi thấy các dấu hiệu như nóng sốt (trên 38 độ C- 39 độ C), ho khan, đau rát họng, đỏ họng ở trẻ thì phụ huynh phải đưa trẻ đến cơ quan y tế thăm khám. Sau đó tuân thủ tuyệt đối quy trình khám chữa bệnh mà bác sĩ đưa ra.

Đặc biệt, với chứng viêm phổi, viêm họng, viêm đường hô hấp, trẻ cần được giữ ấm, đặc biệt là vùng cổ, không nằm máy lạnh, không mở quạt lớn, chú ý vệ sinh mũi, mắt cho trẻ để ngăn chặn bội nhiễm đồng thời bổ sung dưỡng chất đầy đủ, nhất là rau củ, trái cây nhằm tăng sức đề kháng cho trẻ.

4. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng trẻ cần ăn thật nhiều, béo thì sẽ khỏe nói chung và ít mắc các bệnh hô hấp hay viêm phổi. Tuy nhiên chỉ nên so trẻ với tiêu chuẩn phát triển thông thường theo bảng thông thường của quốc tế, dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý là tốt nhất. Ở bất kì độ tuổi nào đừng bỏ chế độ sữa của trẻ.

Nên cho trẻ tiêm phòng và bổ sung vitamin A, vitamin D đầy đủ theo lịch định kỳ. Các trẻ đủ vitamin A tỷ lệ mắc bệnh hô hấp ít hơn, và nếu có mắc bệnh hô hấp thì thời gian điều trị ngắn hơn so với trẻ thiếu vitamin A.

Việc cho trẻ ăn đa dạng thức ăn cũng là điều cần thiết. Chỉ ngừng cho trẻ ăn thức ăn nào đó khi trẻ có biểu hiện dị ứng.


Tác giả: LPA