Các yếu tố chính làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản và gây khó khăn cho việc điều trị là hút thuốc, uống quá nhiều rượu trong một thời gian dài, béo phì hoặc thừa cân, tiền sử trào ngược dạ dày thực quản….
Đối với bệnh ung thư, hầu hết bệnh nhân và người nhà thường rơi vào tâm lý lo sợ, bất an khi được chẩn đoán. Tâm lý mệt mỏi, sợ chết có thể khiến người bệnh sa sút nhanh hơn. Tuy nhiên bệnh ung thư có thể chữa được, dù tiên lượng ở từng giai đoạn khác nhau nhưng ý chí lạc quan của người bệnh có thể khiến điều trị tiến triển hơn.
Nói riêng về bệnh ung thư thực quản, nếu được chẩn đoán sớm, bệnh có thể được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ qua đường tự nhiên bằng ống nội soi mềm theo phương pháp cắt niêm (EMR) hoặc dưới niêm (ESD).
Việc lựa chọn phương pháp nào còn tùy theo vị trí, kích thước, mức độ ăn lan theo chiều sâu, di căn hạch, và kinh nghiệm của chuyên gia cũng như trang thiết bị sẵn có tại cơ sở.
Theo chuyên gia về điều trị bệnh ung thư thực quản, phẫu thuật cắt bỏ khối u hiện vẫn là vũ khí điều trị tiên quyết, cho tiên lượng sống cao nhất. Lựa chọn phương pháp nào sẽ tùy thuộc tình trạng thực tế của khối u khi phát hiện bệnh. Theo trang web của tổ chức từ thiện Cancer Research UK, thường trong các giai đoạn đầu của bệnh ung thư thực quản, phẫu thuật là cách điều trị phổ biến nhất.
Phẫu thuật trong điều trị bệnh ung thư thực quản cũng có 3 loại. Phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ thực quản (tiếng Anh là Oesophagectomy) là cách điều trị chính với ung thư thực quản giai đoạn đầu. Phẫu thuật nội soi cắt bỏ niêm mạc (tiếng Anh là Endoscopic mucosal resection - EMR) là lựa chọn đôi khi được dùng thay cho Oesophagectomy nếu khối u ở thực quản chỉ vừa xuất hiện và đặt stent vào thực quản cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Nếu có thể phát hiện khối u khi nó còn rất nhỏ, vẫn có biện pháp để loại bỏ nó hoàn toàn. Tuy nhiên nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn hơn, các biện pháp can thiệp có lẽ không mang lại hiệu quả. Trong những trường hợp này, các liệu pháp phẫu trị, hóa trị và xạ trị vẫn có thể sử dụng nhằm kiểm soát khối u và giảm nhẹ các triệu chứng bệnh ung thư thực quản phát sinh.
Ăn đường có thể làm ung thư nặng hơn là một quan niệm sai lầm khi điều trị bệnh ung thư thực quản. Hiện nay, chưa có bất kỳ số liệu nào cho thấy ăn đường sẽ thúc đẩy ung thư. Quan niệm sai lầm này thường khiến mọi người cam kết thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt không đường trong quá trình điều trị mà họ không nhất thiết phải tuân theo.
Trên thực tế, những tế bào ung thư có thể tàn phá mọi thứ, vì vậy chế độ ăn kiêng không đường sẽ không làm cho bệnh ung thư thực quản ngừng phát triển. Thay vào đó, việc kiêng ăn có thể gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình điều trị ung thư vì bệnh nhân sụt cân và mệt mỏi hơn.
Để chữa bệnh ung thư thực quản hiệu quả, người bệnh nên ăn một chế độ đầy đủ dinh dưỡng và cần tránh một số thực phẩm sau:
- Kiêng hẳn rượu bia và cà phê trong quá trình điều trị ung thư thực quản.
- Tránh sử dụng những thực phẩm có chứa nhiều chất béo, thực phẩm chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích, thịt đông lạnh, đóng hộp,…
- Tránh thực phẩm quá lạnh hoặc quá nóng.
- Tránh thực phẩm cứng, gây khó khăn trong việc nhai, nuốt.
- Tránh các thực phẩm chua vì chúng có thể gây kích thích cổ họng, khiến họng khó chịu, bệnh ung thư thực quản sẽ lâu lành hơn.