Sai lầm khi chăm sóc trẻ bị nôn và tiêu chảy mà cha mẹ cần tránh xa

Sai lầm khi chăm sóc trẻ bị nôn và tiêu chảy mà cha mẹ cần tránh xa
Khi trẻ bị nôn và tiêu chảy, cha mẹ cần bình tĩnh xử lý và tránh những sai lầm dưới đây.

Nôn và tiêu chảy là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau vì thế việc thận trọng trong xử lý là điều vô cùng cần thiết. Khi thấy trẻ bị nôn mửa hay tiêu chảy, việc tìm hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp việc xử trí an toàn, đúng và nhanh hơn.

Dưới đây là một số sai lầm khi chăm sóc trẻ bị nôn và tiêu chảy mà phụ huynh cần chú ý:

1. Bù và pha oresol sai cách

Khi trẻ bị tiêu chảy và nôn mửa, bù điện giải sẽ giúp trẻ chống mất nước hiệu quả. Tuy nhiên nhiều phụ huynh vì trẻ không chịu uống nên pha đặc hơn so với hướng dẫn của nhà sản xuất. Điều này là hoàn toàn sai lầm bởi có thể làm thay đổi áp lực thẩm thấu gây rối loạn nước và điên giải nguy hiểm cho sức khoẻ của trẻ.

Ngoài ra, việc cho trẻ uống oresol liên tục với lượng lớn cũng sẽ kích thích trẻ dễ nôn hơn.

Sai lầm khi chăm sóc trẻ bị nôn và tiêu chảy mà cha mẹ cần tránh xa - Ảnh 2.

Khi trẻ bị tiêu chảy và nôn mửa, bù điện giải sẽ giúp trẻ chống mất nước hiệu quả (Ảnh: Internet)

Lời khuyên:

- Pha điện giải theo đúng tỷ lệ thuốc và nước trên bao bì hướng dẫn sử dụng

- Cho trẻ uống từng thìa một, không ép uống dồn dập, sau 2 - 3 phút uống một lần. Trong trường hợp trẻ bị nôn sau khi uống thì cần nghỉ rồi mới uống lại.

- Nếu đã bù oresol đúng cách nhưng trẻ vẫn bị nôn và tình trạng tiêu chảy không được cải thiện thì cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để được bù nước và điện giải bằng cách truyền dịch.

2. Lạm dụng thuốc cầm tiêu chảy, cầm nôn

Nôn và tiêu chảy là cách cơ thể "tống" các tác nhân gây bệnh ra bên ngoài vì thế mà việc lạm dụng thuốc cầm nôn, cầm tiêu chảy không đúng cách có thể gây ra tình trạng giảm nhu động ruột, giảm hấp thu, liệt ruột không đào thải được phân ra ngoài, gây trạng thái "đỡ giả" ở trẻ hay nói cách khác là thời gian mầm bệnh lưu lại tại đường tiêu hoá của trẻ lâu hơn kéo dài thời gian mắc bệnh.

Bên cạnh đó, nhiều người nghe theo các lời mách sử dụng thuốc dân gian cầm tiêu chảy, cầm nôn như búp ổi xanh, lá cây nhọ nồi,... do tính chát từ chất tanin có tác dụng săn màng ruột, giảm trong tức khắc nhưng lại gây hại cho cơ thể của trẻ do thải hồi vi khuẩn, virus,... chậm; thậm chí còn có thể làm tăng nguy cơ khiến trẻ bị nặng hơn.

Sai lầm khi chăm sóc trẻ bị nôn và tiêu chảy mà cha mẹ cần tránh xa - Ảnh 3.

Tanin từ búp ổi, quả chát có thể gây săn màng ruột giảm tiêu chảy "giả", không tận gốc được nguyên nhân (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Cho con ăn búp ổi chữa tiêu chảy, mẹ bàng hoàng khi thấy hậu quả!

Loại bỏ những thói quen xấu gây tiêu chảy ở trẻ trong mùa nắng nóng

Lời khuyên:

- Không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ và xác định nguyên nhân gây bệnh rõ ràng

- Bù điện giải theo đúng quy cách, theo dõi các triệu chứng bất thường ở trẻ như nôn mửa liên tục, không bù được điện giải, tiêu chảy có nhầy lẫn máu,.... để nhanh chóng tới bệnh viện.

3. Lạm dụng thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng khi nguyên nhân gây nôn mửa, tiêu chảy ở trẻ là do vi khuẩn. Nếu do virus thì việc dùng kháng sinh sẽ không đem lại hiệu quả chữa trị lại làm tăng nguy cơ rối loạn hệ khuẩn trong đường ruột của trẻ và gây ra tiêu chảy kéo dài.

Lời khuyên: 

Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi trẻ đã được thăm khám và kê đơn bởi bác sĩ. Nếu trẻ bị sốt từ 38,5oC trở lên, có thể sử dụng thuốc hạ sốt thông thường là paracetamol.

4. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý

Nhiều phụ huynh khi có trẻ bị nôn mửa, tiêu chảy thường chỉ cho ăn cháo trắng, cơm trắng,... Việc kiêng khem quá mức có thể khiến trẻ khó tái tạo lại niêm mạc ruột đã bị tổn thương.

Sai lầm khi chăm sóc trẻ bị nôn và tiêu chảy mà cha mẹ cần tránh xa - Ảnh 4.

Việc kiêng khem quá mức có thể khiến trẻ khó tái tạo lại niêm mạc ruột đã bị tổn thương (Ảnh: Internet)

Lời khuyên:

Về chế độ dinh dưỡng khi trẻ bị nôn mửa, tiêu chảy cần chú ý một số vấn đề sau:

- Ưu tiên chế độ ăn lỏng, dễ tiêu hoá, thanh đạm nhưng phải đủ dinh dưỡng

- Nếu trẻ không bị nôn/trớ thêm trong 12 - 24 giờ thì cha mẹ có thể cho trẻ ăn uống như bình thường kèm theo uống nhiều nước và sử dụng các thực phẩm dễ tiêu hoá như ngũ cốc hoặc sữa chua

- Không kiêng khem quá mức, trẻ vẫn cần các thức ăn giàu dinh dưỡng như cháo thịt gà, cháo thịt lợn nạc,... 

- Một số thực phẩm giúp dịu cơn buồn nôn của trẻ bao gồm nước luộc gà, nước hầm rau củ quả,...

- Chia nhỏ 5 - 6 bữa/ngày. Nếu trẻ đang bú mẹ, nên cho trẻ bú theo nhu cầu, bú nhiều lần để bù nước và không làm trẻ bị khó chịu

- Hạn chế việc cho trẻ ăn các loại kẹo bánh ngọt, thức ăn/uống có chứa caffein hoặc làm từ sữa vì có thể gây kích thích cảm giác buồn nôn.

Ngoài ra, khi trẻ bị nôn và tiêu chảy cần cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ giúp trẻ phục hồi nhanh hơn.


https://suckhoehangngay.vn/sai-lam-khi-cham-soc-tre-bi-non-va-tieu-chay-ma-cha-me-can-tranh-xa-2022051309150863.htm
Tác giả: Allen