Sai lầm khi bổ sung phốt pho cho trẻ

Sai lầm khi bổ sung phốt pho cho trẻ
Bên cạnh những khoáng chất như canxi, sắt, kẽm,... phốt pho cũng là một vi chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Tuy chỉ chiếm một lượng rất nhỏ nhưng nếu thiếu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vậy có những sai lầm khi bổ sung phốt pho cho trẻ cần phải lưu ý nào?

1. Vai trò của phốt pho đối với sự phát triển của trẻ

Phốt pho là một trong những khoáng chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ. Đây là vi chất đóng vai trò quan trọng giúp xương và răng chắc khỏe. Khi cơ thể trẻ không được bổ sung phốt pho đầy đủ sẽ dẫn đến bệnh còi xương. 

Cụ thể, bệnh còi xương có liên quan đến vitamin D. Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên cấu trúc xương thông qua cơ chế phân phối canxi và phốt pho. Vitamin D làm tăng hấp thu canxi và phốt pho qua đường tiêu hóa. Vậy nên thiếu phốt pho sẽ không giúp vitamin D thực hiện được các chức năng trên dẫn đến các triệu chứng như chậm tăng trưởng, đau cột sống, yếu cơ, biến dạng xương,....

Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của trẻ.

2. Bổ sung phốt pho bao nhiêu là đủ?

Vì các cơ quan của trẻ chưa hoàn thiện nên nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cần đa dạng hơn, nhiều hơn so với người trưởng thành. Cụ thể, ở giai đoạn 0-12 tuổi, ngoài việc cho con ăn nhiều chất đạm để tạo năng lượng, phụ huynh cần cung cấp vitamin và khoáng chất theo nhu cầu mỗi ngày.

Ngoài ra, để giúp xương luôn được chắc khỏe, vóc dáng cải thiện, phụ huynh nên chú ý bổ sung phốt pho theo liều lượng dưới đây:

 - Trẻ em từ 0-6 tháng tuổi: 100mg/ngày

- Trẻ em từ 7-12 tháng tuổi: 275mg/ngày

- Trẻ em từ 1-3 tuổi: 460mg/ngày

- Trẻ em từ 4-8 tuổi: 500mg/ngày

- Trẻ em từ 9-13 tuổi: 1250mg/ngày

- Thanh thiếu niên từ 14-18 tuổi: 1250mg/ngày.

3. Sai lầm khi bổ sung phốt pho cho trẻ

Thực tế thì cha mẹ nhiều khi rất khó để kiểm soát cũng như biết rõ về phốt pho trong thực phẩm hằng ngày, nên sẽ thường mắc một số sai lầm dưới đây:

- Bổ sung phốt pho vượt quá nhu cầu cần thiết

Theo nhiều nghiên cứu thì các loại thực phẩm bổ sung phốt thường dễ tìm bao gồm: thịt gà, thịt bò, thịt lợn, sữa, cá hồi, bánh mì,... Tuy nhiên phụ huynh nên chú ý chỉ để cơ thể của trẻ dung nạp một lượng phốt pho vừa đủ, không nên cho trẻ ăn quá nhiều dẫn đến cơ thể thừa phốt pho, khi ấy sẽ dẫn đến nhiều triệu chứng nguy hiểm như ngứa da, xương không còn được chắc khỏe nữa.

Ngoài ra, ngay từ nhỏ, cha mẹ nên chú ý giúp trẻ có chế độ ăn uống hợp lý, đúng giờ, đa dạng thực phẩm. 

Vì vitamin và khoáng chất có trong nhiều thực phẩm khác nhau, cha mẹ nên bổ sung nhiều loại thực phẩm giúp cơ thể trẻ được nhận đủ các dưỡng chất cần thiết, thay thế thực phẩm nếu trẻ ăn nhiều bị nhàm chán.

- Chế biến thực phẩm sai cách

Khi bổ sung phốt pho cần lưu ý rằng khoáng chất này rất dễ mất đi trong quá trình sơ chế, nấu nướng. Ngâm rửa thực phẩm quá lâu, mở vung nhiều lần khi nấu là những nguyên nhân khiến lượng phốt pho hao hụt. Cắt rau củ thành miếng quá nhỏ, bằm rau, thịt để sẵn trước khi chế biến còn làm mất đi lượng dinh dưỡng.

- Lựa chọn sản phẩm chưa phù hợp

Mặc dù phốt pho hầu hết được tìm thấy trong các thực phẩm hằng ngày, tuy nhiên có nhiều cha mẹ chưa thực sự hiểu rõ về hàm lượng phốt pho trong những loại thực phẩm này dẫn đến nhiều khi lựa chọn những sản phẩm không phù hợp, dẫn đến lượng phốt pho mà trẻ nhận được quá nhiều hoặc quá ít so với mức quy định.

4. Bổ sung phốt pho đúng cách cho trẻ

Để bổ sung phốt pho đúng cách cho trẻ, giúp trẻ khỏe mạnh, cha mẹ nên chú ý:

- Cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày, để không chỉ bổ sung phốt pho mà còn các vitamin và khoáng chất khác.

- Chọn thực phẩm tươi ngon, không chế biến thức ăn quá kỹ sẽ làm mất vitamin và khoáng chất trong thực phẩm.

- Bổ sung bữa ăn phụ cho trẻ qua những loại trái cây hay bánh giàu vi chất và kẽm giúp bổ sung vi chất dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ.

- Để hạn chế hao hụt chất dinh dưỡng, các mẹ có thể nghiền và xay nhỏ thức ăn sau khi nấu chín, không nên nghiền xay trước khi nấu. Khi nấu, mẹ nên giảm lượng nước, lưu ý rằng hấp tốt hơn luộc và nướng tốt hơn rán...

Trên đây là một số lưu ý khi bổ sung phốt pho cho trẻ, mọi người nên chú ý để đảm bảo tốt nhất cho sự phát triển toàn diện và khỏe mạnh của trẻ.


Tác giả: Lan Anh