Sa dạ dày là gì? Nguy hiểm khôn lường khi dạ dày không nằm đúng vị trí

Sa dạ dày là gì? Nguy hiểm khôn lường khi dạ dày không nằm đúng vị trí
Sa dạ dày là bệnh xảy ra ở những người lao động quá sức, ăn uống không điều độ. Cơn đau bệnh sa dạ dày gây ra cũng tương tự như đau khi đói bụng khiến người bệnh dễ chủ quan. Việc có những hiểu biết thực chất bệnh sa dạ dày là gì, nguyên nhân và triệu chứng sa dạ dày là gì là cần thiết.

Sa dạ dày là một bệnh lý không phổ biến như những bệnh về dạ dày khác nhưng mức độ nguy hiểm của nó lại không hề thua kém. Sa dạ dày gây ra những cơn đau âm ỉ và nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nặng về sau.

Do bệnh sa dạ dày thường gây ra những cơn đau bụng rất dễ nhầm với các bệnh lý dạ dày khác, nên việc hiểu đúng về đặc điểm và tính chất của bệnh sa dạ dày là gì sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phát hiện và phòng tránh bệnh. 

1. Sa dạ dày là gì?

Sa dạ dày là hiện tượng dạ dày không nằm đúng vị trí. Đây là một vấn đề thường gặp nhưng ít ai lưu ý. Thông thường, vị trí của dạ dày nằm ở xương sườn thứ 11 và nằm ở phần bụng trên. Thế nhưng khi có sự biến đổi, dạ dày sa dài đến mào chậu, gây khó khăn cho việc co bóp và tiêu hóa.

Bệnh sa dạ dày nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nặng nề về sau.

sa dạ dày

Không phải ai cũng biết bệnh sa dạ dày là gì (Ảnh: Internet)

2. Triệu chứng, biểu hiện của bệnh sa dạ dày

Bệnh sa dạ dày gây ra những cơn đau có tính chất tương tự như đau kiểu đói bụng. Kèm theo đau có thể xuất hiện tình trạng trướng bụng, ợ hơi, đau thắt, buồn nôn, nôn, và cũng có thể là cả táo bón, khó tiêu. Khi bệnh trở nặng, nghiêm trọng thậm chí có thể gây xuất huyết, nứt hậu môn. 

triệu chứng sa dạ dày

Trướng bụng, đau bụng vùng trên, ợ hơi là những triệu chứng của sa dạ dày (Ảnh: Internet)

Những người bị bệnh sa dạ dày thường có các biểu hiện, triệu chứng như: 

- Thể trạng gầy ốm, ăn uống kém, bụng đầy trướng, khó chịu. 

- Đau bụng ở vùng trên, những đau có tính nhịp điệu, mỗi lần phát bệnh đau có thể kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần...

- Khi ăn cơm xong, cảm giác đầy trướng càng nặng hơn, có thể kèm theo đau bụng, ợ hơi, chóng mặt, mệt mỏi và đại tiện khô.

- Nếu đứng, bạn sẽ nhận thấy phần bụng trên phẳng, bụng dưới phình to và cơ bụng giãn ra. 

Về lâu dài, bệnh sa dạ dày khiến sức khỏe người bệnh ngày càng suy kiệt, khả năng lao động giảm, tinh thần căng thẳng. Do đó, người bệnh nên có những biện pháp phòng bệnh như tránh làm việc nặng ngay sau khi ăn, ăn uống điều độ và tập luyện vừa sức.

3. Nguyên nhân gây bệnh sa dạ dày là gì?

3.1. Vận động mạnh ngay sau khi ăn

Nhiều người mắc chứng sa dạ dày là do tập luyện và vận động quá mức ngay sau khi ăn no. Theo bác sỹ Nguyễn Xuân Bích Huyên (công tác tại Trung tâm Tư vấn sức khỏe Tâm Tâm An), sau khi ăn xong bạn cần nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng để máu dồn nhiều về dạ dày, giúp tiêu hóa thức ăn.

Nếu vừa ăn xong mà đã tập luyện quá sức hoặc mang vác nặng, vận động mạnh thì lượng thức ăn chưa kịp tiêu hóa có thể bị đẩy xuống phía dưới, khiến dạ dày phải căng ra. Tình trạng này lâu dần sẽ khiến dạ dày giãn ra và bị sa xuống.

sa dạ dày là gì

Sau khi ăn xong không nên lao động mạnh hoặc tập luyện quá sức ngay kẻo mắc chứng sa dạ dày (Ảnh: Internet)

3.2. Cơ thể suy nhược

Cơ thể suy nhược, gầy yếu cũng là một nguyên nhân gây ra bệnh sa dạ dày. Ở những người có thể trạng như vậy, các gân cơ ở bụng thường lỏng lẻo, có thể thiếu mỡ ở vách bụng, áp suất bụng giảm xuống gây sa dạ dày.

nguyên nhân sa dạ dày

Người có thể trạng suy nhược, gầy yếu có nguy cơ bị sa dạ dày (Ảnh: Internet)

3.3. Giảm cân quá nhanh

Bệnh sa dạ dày còn có thể xảy ra với những người giảm cân quá nhanh chóng, phụ nữ sinh đẻ nhiều, người có bụng dài và hẹp. 

nguyên nhân sa dạ dày

Ảnh: Internet

3.4. Mắc các bệnh lý khác

Sa dạ dày không chỉ xảy ra do mắc các bệnh ở đường tiêu hóa. Một số bệnh như viêm đa cơ, lupus ban đỏ, khối u, đau nửa đầu, chóng mặt, bệnh nội tiết chuyển hóa, viêm đường mật, viêm tụy hay viêm da dày điều có thể dẫn đến sa dạ dày. Ngoài ra, bệnh nhân bị tiểu đường lâu năm cũng thường gặp biến chứng này.

Bệnh sa dạ dày cũng có thể là do siêu vi trùng gây ra. Khi đó, người bệnh sẽ bị sốt, đau cơ, buồn nôn và tiêu chảy. 

3.5. Lạm dụng một số loại thuốc

Việc làm dụng thuốc cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sa dạ dày. Những người uống nhiều thuốc co thắt, thuốc ức chế canxi chữa cao huyết áp có nguy cơ mắc bệnh này.

4. Cách điều trị bệnh sa dạ dày

Nếu bạn bị bệnh sa dạ dày hoặc có người thân bị sa dạ dày và đang điều trị, đừng bỏ qua những lưu ý khi điều trị bệnh sa dạ dày sau đây:

4.1. Chế độ ăn uống

Bệnh nhân sa dạ dày cần hạn chế ăn đồ ăn lạnh, cay, chua hoặc thức ăn khó tiêu, gây đầy bụng. Nên chế biến món ăn dạng lỏng, mềm để dạ dày dễ co bóp và tiêu hóa. Bạn cũng nên chế biến thức ăn bằng cách luộc, hấp. Việc thường xuyên ăn đồ ăn chiên rán, xào nhiều dầu mỡ, chất béo có thể khiến tình trạng sa dạ dày nặng hơn.

chế độ ăn uống cho người bị sa dạ dày

Người bị sa dạ dày nên ăn những đồ ăn mềm, dạng lỏng như cháo, súp để dễ tiêu hóa (Ảnh: Internet)

4.2. Luyện tập cơ bụng

Khi bị sa dạ dày, bạn nên tìm hiểu các bài tập giúp làm săn chắc cơ bụng trên và cơ bụng dưới. Lưu ý là chỉ nên tập sau khi ăn khoảng 2 giờ đồng hồ.

4.3. Chữa sa dạ dày bằng thuốc

Một số loại thuốc uống và thuốc tiêm có tác dụng trong việc điều trị chứng sa dạ dày. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc mà cần đi khám và có chỉ định rõ ràng của bác sĩ.

5. Chế độ ăn uống với người bị sa dạ dày

5.1. Lời khuyên về chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người bị sa dạ dày 

- Người bị sa dạ dày cần điều chỉnh lại giờ giấc sinh hoạt, ngủ nghỉ điều độ; đảm bảo có thời gian nghỉ ngơi, làm việc thích hợp, ngủ đủ giấc. 

- Nên ăn các loại thực phẩm ít xơ, mềm và dễ tiêu hóa. Tránh ăn những thức ăn cứng, chiên xào và có tính kích thích như rượu, cà phê, trà, thực phẩm cay nồng. 

- Không nên ăn nhiều hoặc quá no một lúc mà nên ăn ít một và chia thành nhiều bữa. 

5.2. Món ăn, bài thuốc chữa sa dạ dày

- Nước củ sen, cam thảo 

Chuẩn bị: 200g củ sen, 3g cam thảo, 2 quả táo, 10g vị thuốc bạch thược. 

Cách làm: Táo và củ sen đem rửa sạch, cắt nhỏ, ép thành nước, bạch thược và cam thảo cho vào nồi đất cùng 300ml nước, nấu lấy nước. Trộn 2 loại nước với nhau, khuấy đều để dùng, chia làm 2 lần dùng trong ngày.

- Chuối trộn mật ong

Chuẩn bị: 2 quả chuối tiêu, 2 quả táo tây, 30ml mật ong. 

Cách làm: Rửa sạch táo, chuối bỏ vỏ, xay nhuyễn, cho mật ong vào đảo đều, chia làm 2 lần dùng trong ngày.

sa dạ dày

Chuối trộn mật ong là món ăn bổ dưỡng cho bệnh nhân sa dạ dày (Ảnh: Internet)

- Cà rốt, rau cần 

Chuẩn bị: 400g cà rốt, 200g rau cần, 200g lá su hào, 300g táo, 30ml mật ong. 

Cách làm: Rửa sạch tất cả nguyên liệu, để ráo nước, cắt nhỏ, cho vào máy ép lấy nước. Nếu quá đậm đặc có thể cho thêm nước vào, nếu chất xơ trong nước quá nhiều bạn vớt bỏ bớt, sau đó cho mật ong vào trộn đều là dùng được. Chia làm 2 lần dùng trong ngày.

Ngoài các món ăn, bài thuốc kể trên, trong Đông y còn có bài thuốc dùng cho bệnh sa dạ dày là bài thuốc gồm các vị: hoàng kỳ, đảng sâm (cùng 16g), bạch truật, đương quy (cùng 10g), trần bì, thăng ma, cam thảo (cùng 6g), sài hồ 4g. Cách sắc (nấu) như sau: Nước đầu cho 3 chén nước sắc còn 1 chén, cho nước thuốc ra riêng; nước thứ 2 cho tiếp 3 chén, sắc còn nửa chén. Hòa hai nước lại, chia làm 3 lần trong ngày uống lúc no (sau khi ăn 30 phút). Uống một đợt liên tục 7-10 ngày.

6. Phòng tránh sa dạ dày

Để phòng tránh bệnh sa dạ dày, bạn nên thực hiện những thói quen sau:

- Nên ăn thành nhiều bữa nhỏ để giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn

- Hạn chế ăn đồ chua, cay, nóng, thức ăn nhiều dầu mới để tránh bị khó tiêu, đầy bụng

- Ăn uống điều độ, không làm việc nặng ngay sau khi ăn

- Ăn thực ăn dạng lỏng, mềm để dạ dày dễ tiêu hóa

- Ngủ đủ giấc

- Có thể luyện tập cơ bụng với cường độ vừa phải ngay sau khi ăn khoảng 2 giờ

Tác giả: Diệu Anh